02/02/2005 15:31 GMT+7

Truyền hình trực tuyến hội nghị thi và tuyển sinh

THANH HÀ thực hiện
THANH HÀ thực hiện

TT - TS Quách Tuấn Ngọc (giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ GD-ĐT) cho biết: hôm nay 2-2, Bộ GD-ĐT phát hình toàn bộ cuộc họp lên mạng. Cuộc họp nhằm đưa ra những quyết định quan trọng cho các kỳ thi liên quan đến hàng triệu TS.

6uqWjlEO.jpgPhóng to
TT - TS Quách Tuấn Ngọc (giám đốc Trung tâm Tin học, Bộ GD-ĐT) cho biết: hôm nay 2-2, Bộ GD-ĐT phát hình toàn bộ cuộc họp lên mạng. Cuộc họp nhằm đưa ra những quyết định quan trọng cho các kỳ thi liên quan đến hàng triệu TS.

Phóng viên Tuổi Trẻ đã trao đổi với TS Quách Tuấn Ngọc (ảnh), thành viên ban chỉ đạo tuyển sinh. Ông Ngọc nói:

- Cuộc họp được tổ chức ở bốn đầu cầu: Hà Nội (trụ sở Bộ GD-ĐT), Huế (Trung tâm Học liệu ĐH Huế), TP.HCM (Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM) và Cần Thơ (Trường ĐH Cần Thơ) với sự tham gia của đại diện các trường ĐH, CĐ, THCN và các sở GD-ĐT trong cả nước. Tại hội nghị sẽ lần lượt diễn ra các phiên họp thảo luận về các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và thi HS giỏi, thi tuyển sinh ĐH, CĐ, tuyển sinh THCN dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Minh Hiển. Dự kiến sẽ có khoảng 500 đại biểu tham dự ở cả bốn đầu cầu.

Đây là lần đầu tiên ba hội nghị toàn quốc thi phổ thông, thi tuyển sinh THCN và thi tuyển sinh ĐH, CĐ được gộp lại làm một. Một hội nghị thi tuyển sinh bình thường như mọi năm sẽ gồm khoảng 1.000 đại biểu, trong đó có 300 từ miền Nam và 200 từ miền Trung, chi phí đi lại, ăn ở, chi phí tổ chức hội nghị, in ấn tài liệu... rất tốn kém. Năm nay, với phương thức tổ chức qua mạng và cầu truyền hình “3 trong 1” như thế này sẽ tiết kiệm được hàng tỉ đồng.

Đặc biệt hội nghị sẽ được “phát sóng” truyền hình trực tiếp trên Internet. Vì vậy những người không có điều kiện trực tiếp tham dự vẫn có thể vào theo dõi cuộc họp qua mạng giáo dục Edunet.

Tính đến 18 giờ ngày 31-1, phòng họp ảo về thi và tuyển sinh www.diendan.edu.net.vn đã có 187.516 lượt người truy cập và 691 ý kiến tham gia thảo luận. Thành phần tham gia ý kiến rất phong phú: từ HSPT, SV, đông đảo lưu học sinh đang học tập, nghiên cứu ở các nước, giáo viên, chuyên gia tư vấn tuyển sinh, cán bộ quản lý... Trong đó các vấn đề của tuyển sinh ĐH, CĐ như thi trắc nghiệm ra sao, điểm sàn như thế nào, các trường CĐ có tổ chức thi hay không... thu hút được sự quan tâm nhiều nhất. Đây là lần đầu tiên HSSV được tham gia ý kiến trực tiếp với Bộ GD-ĐT. Nhiều ý kiến, kiến nghị của HS, lưu học sinh rất có chất lượng, tâm huyết, mang tính xây dựng, rất đáng quan tâm... Bộ GD&ĐT đã cử hẳn một tổ chuyên viên sáu người làm nhiệm vụ nghiên cứu, tổng hợp ý kiến thảo luận, các đề xuất trên diễn đàn. Ngoài các ý kiến tham gia trực tiếp tại hội nghị, các ý kiến tham gia thảo luận, đóng góp qua mạng Internet tại các “phòng họp ảo” cũng sẽ được đưa ra xem xét.

* Nhưng rất nhiều nội dung lại gói gọn trong cuộc họp chung với chỉ một ngày, liệu có đảm bảo thời gian thảo luận và đi đến những quyết định dứt điểm để thí sinh không phải chờ đợi thêm nữa hay không, thưa ông?

- Ngoài tiết kiệm kinh phí, họp qua mạng và cầu truyền hình như hôm nay sẽ có chất lượng hơn. Vì các đại biểu có thời gian thảo luận, trao đổi trước, có thời gian xem xét kỹ các báo cáo, phương hướng thi tốt nghiệp và tuyển sinh dự kiến cho năm 2005, chuẩn bị ý kiến... Trước đây, đến hội nghị mới được phát tài liệu, bắt đầu đọc nên hiệu quả, chất lượng ý kiến phát biểu thấp hơn, ít có đề xuất...

Về phía bộ và Ban chỉ đạo tuyển sinh cũng có điều kiện tổng hợp ý kiến rộng rãi để có cái nhìn tổng quát hơn về từng vấn đề. Do đã có diễn đàn, hội nghị ảo, nên khi họp qua cầu truyền hình, Bộ GD-ĐT chủ trương chỉ tập trung bàn những vấn đề nổi cộm, cần phải có kết luận chốt lại.

* Dường như đối với một số vấn đề, Bộ GD-ĐT đã có phương án trước như thi trắc nghiệm chẳng hạn, những ý kiến thảo luận trên diễn đàn không góp phần làm thay đổi được các quyết định này?

- Đối với việc chuẩn bị cho các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh năm nay, ứng dụng CNTT và truyền thông đã đem lại không khí dân chủ, tập hợp được trí tuệ trong ngành, trong xã hội. Dân chủ hơn vì khác với các hội nghị thông thường chỉ tổ chức ở hội trường, chỉ cán bộ lãnh đạo các trường, các sở được phát biểu, còn đây qua diễn đàn, các chuyên viên, giáo viên cũng có thể tham gia ý kiến. Một người có thể phát biểu ý kiến ở nhiều mục, về nhiều vấn đề khác nhau, không bị giới hạn về thời lượng, thời gian... Đổi lại, Bộ GD-ĐT có điều kiện lắng nghe ý kiến rộng rãi hơn, nhất là từ những người “trong cuộc” như thí sinh, cán bộ làm công tác thi cử, đào tạo ở các trường, địa phương.

Với việc mở các “phòng họp ảo” công khai trên mạng, có thể khẳng định chủ trương của Bộ GD-ĐT coi những ý kiến thảo luận, đề xuất cho bộ tổng hợp từ diễn đàn trên mạng sẽ được trình bày ở hội nghị là một kênh thông tin quan trọng. Tất cả các ý kiến, dù đề cập dưới góc độ nào, cũng đều được xem xét, tham khảo một cách nghiêm túc nhưng dĩ nhiên không thể là căn cứ duy nhất để đưa ra các quyết định. Ngay như trên diễn đàn, trong từng vấn đề, đều có những ý kiến, quan điểm trái ngược nhau. Ví dụ như đối với vấn đề thi trắc nghiệm, nhiều ý kiến cho rằng không nên hoãn nhưng ngược lại cũng nhiều ý kiến cho rằng cần tiến hành khi thí sinh được chuẩn bị kỹ càng hơn, được làm quen từ bậc phổ thông... Những ý kiến xác đáng, có căn cứ khoa học, thực tiễn... nhất định sẽ được Bộ GD-ĐT tiếp thu...

* Xin cảm ơn ông.

THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên