09/09/2006 17:13 GMT+7

Bảo tồn sắc phong là bảo tồn những giá trị lịch sử và văn hóa

Theo THÚY HÀ - Nhân dân
Theo THÚY HÀ - Nhân dân

Vừa qua, lá thư ngỏ của các ông Hữu Ngọc, Chủ tịch Quỹ Thụy Ðiển - VN phát triển văn hóa, Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng dân tộc học, Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học VN, Phạm Thế Khang, Giám đốc thư viện quốc gia dấy lên vấn đề cấp thiết về việc gìn giữ và bảo tồn sắc phong, một vấn đề bấy lâu nay chưa được sự quan tâm cần thiết của những người có trách nhiệm cũng như trong cộng đồng.

RdQsHHks.jpgPhóng to
Những bản sắc phong cổ
Vừa qua, lá thư ngỏ của các ông Hữu Ngọc, Chủ tịch Quỹ Thụy Ðiển - VN phát triển văn hóa, Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng dân tộc học, Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Sử học VN, Phạm Thế Khang, Giám đốc thư viện quốc gia dấy lên vấn đề cấp thiết về việc gìn giữ và bảo tồn sắc phong, một vấn đề bấy lâu nay chưa được sự quan tâm cần thiết của những người có trách nhiệm cũng như trong cộng đồng.

Sắc phong đang kêu cứu

Nhân dịp này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với ông Hữu Ngọc, Chủ tịch Quỹ Thụy Ðiển - Việt Nam phát triển văn hóa, nơi có sáng kiến và tài trợ cho dự án bảo tồn sắc phong cổ.

* Xin ông cho biết, ý tưởng về dự án đóng góp vào việc bảo tồn sắc phong đã hình thành như thế nào?

- Ông Hữu Ngọc: Quỹ Thụy Ðiển - VN phát triển văn hóa hoạt động đến nay đã được 14 năm. Mục tiêu của chúng tôi là bảo tồn nền văn hóa cổ làm cơ sở xây dựng nền văn hóa mới, nghĩa là phải giữ lấy cái gốc của văn hóa để phát triển văn hóa. Về mặt bảo tồn, chúng tôi đã tài trợ cho nhiều dự án về tu bổ, tôn tạo, bảo tồn các cổ vật có giá trị ở các đình, chùa, đền, miếu như các tượng, khánh, bia...

Một điểm mà VN ta khác với nhiều nước trên thế giới là trên thế giới những cổ vật có giá trị thường được cất giữ, bảo quản trong các viện bảo tàng, còn ở ta thì nằm rải rác trong các làng xã, nên nhiều cổ vật có giá trị đã bị hư hỏng, mất mát. Trong đó có sắc phong.

* Như vậy, sắc phong có giá trị rất lớn về nhiều mặt?

- Sắc phong bao gồm sắc phong chức tước cho quý tộc, quan chức của các vương triều và sắc phong thần do nhà vua phong tặng cho các vị thần được thờ ở trong đình, đền, miếu, từ đường...

Sắc phong ghi lại tên tuổi và công lao của một số nhân vật lịch sử kèm theo quê quán, công tích và xếp hạng. Sắc phong phản ánh hệ thống hành chính với những địa danh và đơn vị hành chính mang niên đại cụ thể. Sắc phong thể hiện vai trò tối thượng của nhà vua trong việc trị vì muôn dân và cai quản cả thế giới thần linh, kết hợp với các tín ngưỡng và đời sống tâm linh, có quan hệ mật thiết với các lễ hội dân gian và sinh hoạt văn hóa của làng, xã.

Như vậy nghiên cứu sắc phong có thể cho ta những hiểu biết quý giá về địa lý, lịch sử, văn hóa dân gian. Sắc phong cũng thể hiện đặc trưng của thư pháp Hán Nôm và sự biến đổi qua các thời kỳ lịch sử. Ðồng thời một nét quan trọng khác là giấy sắc. Ðây là một sản phẩm đặc biệt của nghề làm giấy truyền thống đến nay hầu như đã mai một. Bảo tồn giấy sắc là một cách bảo tồn chứng tích của nghề thủ công truyền thống này.

* Ðã có cuộc khảo sát sắc phong nào trên quy mô toàn quốc để thấy được hiện trạng bảo tồn sắc phong ở các làng, xã hiện nay chưa, thưa ông?

mDWa7Ccv.jpgPhóng to
Nhà văn hóa Hữu Ngọc

- Thật sự thì chưa có một cuộc điều tra thống kê nào cả, tuy nhiên chúng tôi có thể ước tính có tới hàng vạn bản sắc phong còn tồn tại ở các làng xã. Trong quá trình đi làm dự án bảo tồn cổ vật ở các địa phương nhiều năm trước đây, chúng tôi đã gặp những chuyện thật đau lòng.

Có những bản sắc phong hàng trăm năm tuổi khi mang ra đã bị mủn nát, do khí hậu ẩm thấp, mối mọt, phương tiện bảo quản thì thô sơ, chỉ có ống tre đựng hay giấy quấn ngoài. Ở nơi khác mở ra thì thấy chuột từ trong ống quyển chạy ra, chúng đã cắn nát quá nửa sắc phong.

Hiện nay ở một số nơi người dân còn thiếu ý thức giữ gìn, bảo vệ sắc phong nên có khi cho mượn làm hỏng hay thậm chí đánh mất. Gần đây cũng có tình trạng có những kẻ trộm cắp hay lùng mua sắc phong bán cho dân chơi đồ cổ, dẫn đến mất mát... Vì thế, rất nhiều sắc phong đã và đang dần xuống cấp, bị hủy hoại do sự thiếu hiểu biết của con người. Chúng ta phải cứu lấy sắc phong và cần phải làm ngay.

* Với số lượng sắc phong đồ sộ như vậy, cách thức lưu giữ và bảo tồn sắc phong sẽ được tiến hành như thế nào, thưa ông?

- Ðúng là với số lượng lớn như vậy việc bồi lại và tìm phương tiện bảo quản không đơn giản. Như tôi biết hiện nay ở Hà Nội chỉ có hai người làm được việc này và cũng đã già yếu. Hơn nữa công bồi mỗi bản mất 100.000 đồng trong mười ngày. Ðối với hàng vạn bản sắc phong thì thời gian và số tiền đều quá lớn. Ngay phương tiện bảo quản, các nhà chuyên môn cũng chưa nhất trí. Như vậy khả năng này không thể thực hiện được trong lúc này.

Trong tình thế nước dâng đến nơi rồi, nên phải tìm biện pháp nào nhanh nhất, đơn giản và rẻ nhất. Chúng tôi dự định sẽ chụp ảnh kỹ thuật số các sắc phong với thông tin về tên gọi và địa điểm cất giữ sau đó lưu vào đĩa. Các đĩa này sẽ được sắp xếp theo đơn vị hành chính hiện nay và tập trung bảo quản tại Thư viện quốc gia ở phòng tư liệu Hán Nôm để tiện tra cứu khi cần. Khả năng này dễ làm hơn vì theo đánh giá sơ bộ của chúng tôi ngành văn hóa ở địa phương nào cũng có thể tự làm được. Nhưng đó mới chỉ là lưu giữ phần tư liệu. Về văn bản gốc, chúng tôi kêu gọi các chuyên gia, những người tâm huyết hiến kế cùng với chúng tôi tìm ra cách tốt nhất để bảo tồn.

* Công việc này đã được thực hiện đến đâu, thưa ông?

REE4tUOt.jpgPhóng to
Cổng làng Thổ Hà, làng được Vua ban tặng danh hiệu "Mỹ tục khả phong"

- Trước tiên chúng tôi dự định tiến hành thí điểm ở tỉnh Hưng Yên, một tỉnh văn hiến của trấn Sơn Nam cũ gần Hà Nội, và là bến cảng quốc tế từ thế kỷ 17. Cơ sở của chúng tôi là ít nhất 2.000 bản sắc phong ở các đền, đình, miếu... là di tích lịch sử đã được xếp hạng.

Dĩ nhiên cũng còn rất nhiều những di tích không được xếp hạng vẫn đang cất giữ những sắc phong quý, đó là một cái khó. Một cái khó nữa là làm thế nào để mọi người hiểu được giá trị lớn lao của sắc phong, sau đó là gìn giữ, bảo quản sắc phong một cách khoa học, tránh tình trạng quá cẩn thận không cho ai động đến nên khi mở ra thì giấy đã mục như một số nơi.

Cũng cần vận động nhân dân hiểu được mục đích của dự án, để khi có người đến chụp ảnh sắc phong thì bà con nhiệt tình tạo điều kiện giúp đỡ. Trước đây, có lần ở một xã chúng tôi đã thỏa thuận với các cụ là mang sắc phong ra Hà Nội bồi, quỹ tài trợ hoàn toàn kinh phí, nhưng khi đến nơi dân làng nhất định không chịu cho mang đi, thế là chúng tôi đành chịu.

* Sau khi lá thư ngỏ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ông đã nhận được phản hồi gì?

- Chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến đồng tình, tuy nhiên đó mới chỉ là bước đầu. Mong muốn của chúng tôi là cuộc vận động này phải được tiến hành sâu rộng từng bước để mang lại những hành động cụ thể, biện pháp cụ thể. Do vậy chúng tôi sẽ gửi bức thư ngỏ xuống từng địa phương, thậm chí xuống từng xã để người dân hiểu biết hơn về giá trị của sắc phong, có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo tồn một tài sản văn hóa quý giá của dân tộc. Về phía chính quyền địa phương cần có những chỉ thị cho các ngành văn hóa lưu ý việc bảo tồn sắc phong.

* Xin cảm ơn ông.

Theo THÚY HÀ - Nhân dân
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên