27/02/2005 08:00 GMT+7

Công trạng "vô danh"

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TTCN - Cho đến nay vẫn còn rất ít người biết khoa xét nghiệm (KXN) của Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM là một trung tâm labo có tầm cỡ quốc tế của khu vực, phục vụ hiệu quả công tác điều trị, nghiên cứu và đào tạo không chỉ cho VN mà còn đóng góp cho cả y học thế giới. Và ở đây có những thầy thuốc “vô danh” nhiều năm đã quên mình vì người bệnh…

Các thầy thuốc Bệnh viện nhiệt đới trong mùa dịch cúm:

FG9stHju.jpgPhóng to
Điều trị bệnh nhân bị nhiễm virus H5N1 tại khoa nhiêm D Bệnh viện Bệnh nhiệt đới
TTCN - Cho đến nay vẫn còn rất ít người biết khoa xét nghiệm (KXN) của Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM là một trung tâm labo có tầm cỡ quốc tế của khu vực, phục vụ hiệu quả công tác điều trị, nghiên cứu và đào tạo không chỉ cho VN mà còn đóng góp cho cả y học thế giới. Và ở đây có những thầy thuốc “vô danh” nhiều năm đã quên mình vì người bệnh…

Nằm khang trang dưới tàn những hàng cây xanh mát, KXN là một tòa nhà ba tầng có diện tích 1.000m2, được xây dựng mới từ năm 2002. Toàn bộ khu nhà sáng choang, sạch bóng, một màu trắng tinh khiết, máy móc, thiết bị được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng.

Theo bác sĩ (BS) trưởng khoa Nguyễn Văn Vĩnh Châu, trong những đợt dịch SARS và cúm H5N1 vừa qua, cả KXN đều tham gia phục vụ chẩn đoán, điều trị bệnh nhân ở các mức độ khác nhau, nhưng công lớn thuộc về labo sinh học phân tử và vi sinh. Đây là nơi chẩn đoán nguyên nhân, tìm virus cúm H5N1.

Khoa xét nghiệm (KXN) bao gồm các labo về sinh hóa (khảo sát những biến đổi sinh hóa của người bệnh khi bị nhiễm trùng); labo huyết học tế bào (khảo sát công thức và các tế bào miễn dịch trong cơ thể người bệnh khi bị nhiễm trùng); labo vi sinh (gồm vi trùng, vi nấm - ký sinh trùng và virus) là nơi phân lập, nuôi cấy, định danh, khảo sát độ nhạy cảm của các vi sinh vật gây bệnh; và labo chẩn đoán sinh học phân tử (ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử (PCR) để chẩn đoán các tác nhân gây bệnh). Hiện khoa có khoảng 50 bác sĩ, thạc sĩ, kỹ sư về sinh học, vi sinh và kỹ thuật viên xét nghiệm. KXN của BV Bệnh nhiệt đới mang tầm vóc quốc tế, có sự đóng góp công sức rất lớn của các chuyên gia Đại học Oxford (Anh) và Tổ chức từ thiện Wellcome Trust.BV Bệnh nhiệt đới là BV chuyên khoa đầu ngành của TP.HCM và khu vực phía Nam, chuyên tiếp cận và xử lý các bệnh dịch, bệnh truyền nhiễm và bệnh nhiệt đới. Từ kết quả chẩn đoán của KXN đã mở đường cho việc điều trị, mà trước đó nhiều BS lâm sàng bị bế tắc phải điều trị “mù”,theo kiểu bao vây, phỏng đoán. Đặc biệt, đối với những dịch bệnh lây lan nhanh, tử vong cao như SARS, cúm H5N1... nếu không xác định được nguyên nhân thì nguy cơ phát tán bệnh cực kỳ nguy hiểm.

Khi nói về những ngày tiếp cận với bệnh nhân để lấy bệnh phẩm và thực hiện xét nghiệm chẩn đoán virus cúm H5N1, BS Châu và thạc sĩ Thành cho biết: “Lúc đầu cũng hơi… sợ, dù thường xuyên tiếp xúc với nhiều bệnh lây nhiễm nguy hiểm như HIV, lao, viêm gan siêu vi”. Nhưng “đã làm khoa học thì cần phải đối diện với những khó khăn”. Thạc sĩ Thành là một trong những người đóng góp công sức rất lớn cho các ca chẩn đoán cúm H5N1 - dù năm nay anh chưa đến 30 tuổi.

Tốt nghiệp khoa sinh học Đại học Khoa học tự nhiên, Thành về BV Bệnh nhiệt đới công tác với nhiệm vụ nghiên cứu về di truyền người. Hai năm sau chuyển sang nghiên cứu về di truyền ký sinh trùng sốt rét, sau đó là sốt xuất huyết. Do virus sốt xuất huyết có bộ gen RNA, tương tự như bộ gen của virus SARS, nên khi có dịch SARS vào năm 2003 Thành lại được chuyển qua công tác này.

Nhiệm vụ của anh là trực tiếp chẩn đoán và xây dựng qui trình chẩn đoán ca nhiễm virus SARS bằng kỹ thuật Real-time PCR. Đến khi xuất hiện dịch cúm H5N1, cũng lại là anh trực tiếp làm. Ngoài chẩn đoán xác định ca dương tính H5N1, anh và các đồng nghiệp của KXN, các chuyên gia của Đại học Oxford còn làm thêm một số nghiên cứu về H5N1 như tiến hành giải mã bộ gen của virus cúm H5N1, qua việc nhân bản bộ gen của virus này bằng kỹ thuật PCR…

BS Tô Song Diệp - phó KXN, phụ trách labo vi sinh - sau khi du học tại Đức về chuyên ngành vi sinh đã gắn bó với KXN hơn 14 năm nay. Trong những đợt dịch cúm H5N1, labo của chị lấy mẫu, bảo quản và lưu giữ bệnh phẩm. Với những bệnh cảnh suy hô hấp, chị và kỹ thuật viên làm nhiệm vụ chẩn đoán phân biệt bệnh nhân bị suy hô hấp do vi trùng hay virus, tìm ra các vi trùng gây bội nhiễm để giúp các BS lâm sàng có hướng điều trị chính xác.

BS Bùi Thị Mai - phó KXN, trưởng labo huyết học - cho biết: “Công việc của người làm xét nghiệm đòi hỏi tính cẩn trọng và trung thực. Nếu không có hai tố chất này rất dễ dẫn đến cho kết quả xét nghiệm không chính xác, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh. Trước mỗi kết quả xét nghiệm luôn phải đặt câu hỏi vì sao lại là như vậy. Đặc biệt, với những kết quả bất thường phải thật nhạy cảm và tìm hiểu ngay vì sao như thế.

Người “mới” nhất của KXN là BS Võ Minh Hiển, với nhiệm vụ nuôi cấy virus. Công việc này buộc Hiển và các kỹ thuật viên luôn đối đầu với nguy cơ lây nhiễm bệnh, bởi trong quá trình nuôi cấy virus, hoặc khi virus đã mọc trong tế bào... thì nguy cơ lây bệnh là có thể xảy ra.

Chính trong quá trình nuôi cấy virus để phục vụ việc nghiên cứu khoa học về bệnh viêm não, anh và các đồng nghiệp đã bất ngờ phát hiện được ca viêm não đầu tiên do virus H5N1. Kết quả xác định này được đăng tải trên tạp chí y học The New England ngày 17-2-2005 đã khiến cả thế giới xôn xao, buộc các nhà khoa học, các thầy thuốc phải xem lại các triệu chứng, biểu hiện lâm sàng của virus cúm H5N1.

96b92D0F.jpgPhóng to
BS Tô Song Diệp (trái) cùng kỹ thuật viên của labo vi sinh đang phân lập vi khuẩn từ mẫu cấy máu
Trong đợt dịch SARS năm 2003 và các đợt dịch viêm phổi do virus cúm H5N1 năm 2004-2005, các BS của KXN đã gần như túc trực suốt tại BV, phối hợp chặt chẽ với nhau để chẩn đoán kịp thời các trường hợp nhập viện nghi ngờ viêm phổi do H5N1. Có lần tôi “chạm trán” BS Vĩnh Châu tại khoa nhiễm D mà không nhận ra vì lúc đó anh vào tận phòng bệnh trực tiếp lấy mẫu bệnh phẩm nên mặc đồ bảo hộ như một phi hành gia. “Việc lấy mẫu bệnh phẩm rất quan trọng, vì kỹ thuật lấy có liên quan đến kết quả xét nghiệm có chính xác hay không, nên tôi muốn trực tiếp làm việc này” - anh cho biết.

Những đóng góp của các thầy thuốc KXN Bệnh viện Bệnh nhiệt đới cho người bệnh, cho y học rất lớn. Họ trực tiếp tiếp xúc với bệnh nhân để lấy bệnh phẩm, trực tiếp xét nghiệm những bệnh dịch nguy hiểm nhưng không được hưởng bồi dưỡng độc hại theo qui định của Bộ Y tế như các y bác sĩ lâm sàng. Họ bám trụ bệnh viện vì yêu nghề và đam mê nghiên cứu khoa học. Để nhẹ bớt khó khăn kinh tế, nhiều anh chị phải làm thêm đủ nghề để sống. Có người sửa máy vi tính, sửa điện thoại di động, nhận xét nghiệm công thức máu đơn giản cho một số phòng mạch tư nhân; có người dịch thuật tài liệu y khoa cho các công ty dược phẩm nước ngoài, hoặc viết bài cho các tờ báo chuyên ngành…

Mỗi khi bệnh nhân được cứu sống thì những lời cảm ơn, những lời khen tặng... chẳng bao giờ các thầy thuốc KXN được nghe. Và người bệnh cũng không biết tính mạng của họ được cứu sống có sự đóng góp âm thầm, không mệt mỏi của những thầy thuốc vô danh ở KXN.

Cuối năm 2004, Hội Y học TP.HCM ra đời. Chủ tịch hội là viện sĩ - tiến sĩ DƯƠNG QUANG TRUNG cùng các đồng nghiệp âm thầm biên soạn bộ “Nghĩa vụ luật” (NVL) cho người hành nghề y. Ông Trung cho biết:

- Người thầy thuốc phải có đủ ba yếu tố: y đức, y đạo và y nghiệp. Y đức là đạo đức của người làm nghề y. Y đạo là cái tâm của ngành y. Người thầy thuốc nếu không có tâm thì dễ vi phạm trong khi hành nghề. Và y nghiệp là khả năng chuyên môn, nghiệp vụ của thầy thuốc.

* Chúng ta đã có Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, có qui định 12 điều y đức của Bộ Y tế, việc soạn thảo thêm NVL để làm gì, thưa ông?

- Đó mới là những qui định chung, chưa cụ thể. Còn NVL mà chúng tôi đang làm để đảm bảo giá trị, nhân phẩm, nhất là quyền lợi của người bệnh. Điều này rất quan trọng khi chúng ta đi vào cơ chế thị trường, khi kỹ thuật càng cao, phương tiện, thuốc men ngày càng nhiều, chi phí điều trị ngày càng đắt..., khi có nhiều tiêu cực xảy ra trong ngành y như chuyện chung chi “hoa hồng” khi kê toa, khi thay băng vết thương người bệnh phải cho tiền... Nếu y đức chỉ dừng lại ở qui định chung chung thì ai muốn nghe thì nghe, ai muốn làm thì làm, không thì thôi. Nó không đủ hiệu quả để ngăn chặn sai phạm. Nếu rõ ràng thì mọi người mới nghiêm túc thực hiện. NVL cần thiết ra đời cũng là nhằm để “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Và khi đã phòng bệnh là trị đúng bệnh.

* Vậy “nghĩa vụ luật” là gì? Sự ra đời của nó có ý nghĩa như thế nào?

- NVL có thể hiểu là những qui định cụ thể, chi tiết của giới chuyên môn (không phải là qui định của luật pháp) về những việc được và không được làm của người thầy thuốc khi hành nghề. NVL sẽ là “kim chỉ nam” cho người thầy thuốc khi hành nghề. Nghĩa vụ ở đây mang ý nghĩa sâu hơn, cao hơn trách nhiệm, như nghĩa vụ của người chiến sĩ bảo vệ Tổ quốc vậy. Qui định này không chỉ áp dụng cho những bác sĩ đang hành nghề y tế tư nhân mà còn áp dụng cho cả bác sĩ các cơ sở y tế của Nhà nước.

NVL là mong ước và nguyện vọng từ rất nhiều năm nay của giới hành nghề y chúng tôi. NVL ra đời không chỉ bảo vệ cho người bệnh khi đi khám chữa bệnh ở các cơ sở y tế nhà nước và tư nhân, mà còn bảo vệ cả người thầy thuốc khi hành nghề.

* Cụ thể NVL gồm những nội dung gì, thưa ông?

- Chúng tôi biên soạn NVL dựa trên những phương châm, nguyên tắc của ngành y mà Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo từ khi hình thành ngành y tế cách mạng. Đồng thời tham khảo những sách vở, tài liệu nói về y đạo, y đức của những bậc tiền nhân và những bộ NVL của nước ngoài. Có thể nói nội dung chính của NVL là qui định cụ thể trách nhiệm người thầy thuốc khi hành nghề, trách nhiệm của thầy thuốc đối với bệnh nhân, những ràng buộc khi hành nghề, quan hệ giữa các thầy thuốc với nhau, giữa thầy thuốc và điều dưỡng, cả quan hệ và vai trò của người dân và xã hội đối với người thầy thuốc...

* Khi nào thì NVL ra đời và đi vào cuộc sống, thưa ông?

- Đây là công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, phải lấy ý kiến, trình cơ quan chức năng, và có thể phải trình Chính phủ phê duyệt. Hiện nay bộ NVL còn đang trong giai đoạn xây dựng qui chế để từng bước hoàn chỉnh. Chúng tôi sẽ hết sức cố gắng, song cũng phải mất một vài năm mới hoàn thành.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên