19/04/2005 07:12 GMT+7

Vai trò của ngành xuất bản và truyền thông

NGUYỄN DANH LAM
NGUYỄN DANH LAM

TT - Tôi muốn đề cập một góc độ khác: vai trò của ngành xuất bản và các phương tiện thông tin đại chúng trong việc nâng tầm văn hóa đọc.

idnphDCz.jpgPhóng to
Chuyên mục điểm sách trên E-văn
TT - Tôi muốn đề cập một góc độ khác: vai trò của ngành xuất bản và các phương tiện thông tin đại chúng trong việc nâng tầm văn hóa đọc.

Về phía ngành xuất bản, phát hành sách

Từ nhiều năm nay, các nhà xuất bản (NXB) gần như buông hẳn việc đầu tư cho các tác phẩm văn học xuất hiện. Các nhà văn sau khi mang nặng đẻ... không được, đành gõ cửa các nhà làm sách tư nhân hoặc tự mình bỏ vốn cho đứa con... ra đường phố! Lý do các NXB đưa ra là làm sách văn học không có lời! Theo tôi, đây là một cách nói... lười nhác.

Vậy thì các nhà làm sách tư nhân bỏ tiền ra làm sách văn học thì họ lỗ chắc? Tư nhân dĩ nhiên không... làm từ thiện với các nhà văn. Chỉ có điều họ làm ăn tốt hơn, biết cách tính toán lời lỗ hơn. Và các nhà văn biết ơn họ (!). May mà có họ, chứ không nền văn học của chúng ta đã... tàn từ thời bỏ bao cấp!

Tương tự như vậy là việc phát hành. Cá nhân tôi từng nhận được những lá thư của người quen ở... Đà Nẵng gửi vào nhờ mua một cuốn sách văn học hay, dù nó đã được in gần nửa năm! Đà Nẵng, thành phố lớn nhất miền Trung, mà còn như thế.

Việc phát hành đã được giao phó gần như toàn bộ cho hình thức đối lưu của tư nhân. Ngay cả các doanh nghiệp phát hành sách nhà nước cũng “sống chết mặc bay” với sách của các nhà văn! Quen thì năn nỉ gãy lưỡi họ đày cho một hốc kẹt. Vài tháng, ngứa mắt, mời anh đi chỗ khác chơi!

Về phía các phương tiện thông tin đại chúng

Báo nào cũng nói, đài nào cũng thảng thốt: văn hóa đọc đang chết (oan), văn hóa nghe nhìn đang lấn lướt (cũng oan luôn)! Vậy mà cầm remote lên, rà bất cứ kênh nào cũng thấy “các em” quần áo tả tơi, kỳ quặc, nhảy loạn cào cào. Lâu lắm, “trời đi vắng” mới thấy một số... thầy giáo xuất hiện ngồi bình Kiều!

Về phần báo chí, góc giới thiệu tác phẩm văn học may thay lâu lâu cũng gặp. Nhưng nói trắng ra, nếu tác giả, dịch giả, người làm sách của tác phẩm ấy không quen báo chí thì... khó đấy! Hay là tại các tác phẩm văn học không đủ tầm nên không giới thiệu? Không, ngay cả những tác phẩm văn học được giải của Hội Nhà văn trong nước, giải Nobel văn học, giải Booker, giải Goncourt... được xuất bản lần đầu ở VN cũng chịu số phận tương tự.

Giới đọc sách chỉ biết đến chúng do chịu khó lùng ở các nhà sách mà thấy! Trong khi ấy có những CD nhạc rất đáng... kinh hãi về mặt chất lượng nghệ thuật vẫn được các báo ùn ùn giới thiệu như một “hiện tượng”(!). Có nhà văn chết mới được báo dành vài hàng tin, vậy mà có cô ca sĩ mới có bầu, báo vội đưa tin... đã đẻ! Vậy thì thử hỏi quần chúng sẽ hướng sự quan tâm đến lĩnh vực nào nhiều hơn?

Mong lắm thay, các NXB chịu khó làm... từ thiện, “đọng vốn” chút ít để giúp sách văn học chào đời. Tôi tin là các NXB cũng chẳng nghèo đi, thay vì sự nghèo đi của cả một nền văn hóa.

Mong lắm thay, mỗi tờ báo dành ra một khoảng đất định kỳ để giới thiệu các tác phẩm văn học. Nếu căn cứ theo “chuẩn” chất lượng của những đĩa nhạc vẫn được giới thiệu thường xuyên trên các báo thì mỗi tuần có ít nhất cả chục cuốn sách đáng giới thiệu!

Trước mắt, chỉ với hai chuyển động ấy, tôi tin là văn hóa đọc sẽ ít nhiều nhúc nhích!

NGUYỄN DANH LAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên