23/10/2004 11:50 GMT+7

Sống cùng tre

HOÀI TRANG
HOÀI TRANG

TTCN - Thật khó tin ông bà chủ của một công ty mây tre vào cỡ hàng đầu Đông Nam Á với nhà xưởng rộng đến 28.000m2 và cả ngàn công nhân lại đang cư ngụ trong một căn nhà nhỏ gác gỗ xây từ năm 1987 ở quận Bình Thạnh...

FcZ2fnnx.jpgPhóng to
Bà chủ Công ty Hiệp Tiến bên các sản phẩm mây tre
TTCN - Thật khó tin ông bà chủ của một công ty mây tre vào cỡ hàng đầu Đông Nam Á với nhà xưởng rộng đến 28.000m2 và cả ngàn công nhân lại đang cư ngụ trong một căn nhà nhỏ gác gỗ xây từ năm 1987 ở quận Bình Thạnh...

Bà chủ cười xòa: “Ngay cả “lính lác” tới nhà cũng không tin, cứ tưởng đi lầm. Đi vay tiền ngân hàng, đưa bản vẽ nhà thế chấp, nhân viên tới xác minh rồi về báo cáo lại với giám đốc ngân hàng vốn cũng có quen biết với mình trên thương trường, người ta cũng không tin, cứ tưởng mình… đùa!”.

Con đường 25 năm…

Ký ức về những tháng ngày lam lũ cứ vậy lật lại, chị kể: “Cưới nhau hơn năm năm, hai vợ chồng tôi vẫn còn ở nhờ nhà người chị, chiếc xe đạp cọc cạch để đi làm cũng phải mượn. Ky cóp mãi đến năm 1983 mới mua được cái nhà lá, một năm sau nữa đổi được cái nhà tôn rồi đến năm 1987 mới dựng được căn nhà cho ra nhà để sống tới bây giờ. Bao nhiêu công sức vốn liếng mất hút vào cái mây tre này đây”…

Băng qua mấy khoảng sân rộng vàng hoe nắng phơi đầy các loại tre, bước vào các dãy nhà xưởng rộng mênh mông liên hoàn từ khâu nhập nguyên liệu đến khu thành phẩm, khách dù đã được nghe kể trước vẫn thấy bị bất ngờ. Tre lớn, tre nhỏ, tre cột thành từng bó, chất như núi ở các khâu xử lý. Càng đi vào các khu thành phẩm càng thấy ngợp trước những bàn, những ghế, những thảm… Gần cả ngàn công nhân, mỗi người mỗi việc cứ như mất hút vào cái mênh mông đồ sộ ấy.

WcVdsbNn.jpgPhóng to
Anh Hùng và chị Khánh
Cái “duyên nợ mây tre” của chị bắt đầu từ năm 1976: “Lúc đó tôi chỉ là một người làm công tay trắng, ngày nào cũng đi lãnh hàng của hợp tác xã (HTX) về làm. Hàng hóa thời ấy chủ yếu là các loại rổ đĩa chuyên xuất sang các nước Đông Âu. Đúng nghĩa là lấy công làm lời, cứ quần quật làm, làm không ngơi nghỉ mới kiếm một ngày được vài đồng, có những ngày mấy đầu ngón tay sưng tấy, tứa máu.

Giai đoạn đó còn khó khăn quá, tìm được mối hàng cũng không phải dễ nhưng tôi cứ nghĩ, nghĩ đến nát óc, mình không tự chủ được thì thua. Phải làm sao để không còn phụ thuộc? Phải làm sao để có thể tự đứng trên đôi chân của mình? Dần dần tôi mạnh dạn kiếm thêm nhiều nguồn hàng, liều mình nhận thật nhiều về rồi chỉ vẽ cho bà con lối xóm cùng làm”.

Rồi chị gặp anh, thêm một mối duyên nợ mới. Lấy nhau năm 1978, năm 1979 chị sinh cháu trai đầu lòng. Lúc đó, hai vợ chồng vẫn phải ôm đứa con nhỏ mới sinh tiếp tục cuộc sống đi ở nhờ. Nhưng cũng trong những ngày tháng gian nan đó một cái cơ sở sản xuất nhỏ đã manh nha ra đời. Căn nhà cũ kỹ, nhỏ xíu được cho thuê với giá rẻ đã trở thành cơ sở sản xuất đầu tiên, cái nơi chốn mà suốt bao nhiêu năm trời lăn lộn với nghề chị luôn mong ước cuối cùng cũng đã thành hình.

Anh kể tiếp: “Tôi cũng bắt đầu theo nghề vợ, phóng lao thì phải theo lao. Không bao giờ có ngày chủ nhật, ngày lễ, không có ngày nào về nhà trước 2 giờ sáng. Đến nỗi cảnh sát khu vực đêm nào đi tuần ngang cũng đứng nhìn rồi… lắc đầu”. Năm 1985, chị chính thức thành lập cơ sở của riêng mình: “Bấy giờ lại đến nợ cơm áo, nợ khách hàng, chạy đến nhiều lúc kiệt sức...”. Bây giờ vẫn vậy. Chị bận túi bụi, hết khách khứa đến điện thoại lúc nào cũng reng liên tục…

Đến năm 1988, khi đất nước mới mở cửa, chị và anh thành lập doanh nghiệp tư nhân. Cơ chế còn bấp bênh và đầy rẫy những khó khăn, không biết bao nhiêu lần thất bại, sập tiệm rồi lại gắng gượng đứng dậy. Không biết bao nhiêu lần chuyển đổi mặt bằng, gồng gánh nhau tìm đất đứng… Chị nói mình bị ám ảnh bởi những lần bị lấy lại mặt bằng: “Người ta nói an cư mới lạc nghiệp. Còn đây, hết Bình Thạnh lại đến Phú Nhuận, rồi quận 8, Gò Vấp, cứ mỗi chỗ được vài năm…

Mỗi lần chạy chỗ như vậy tốn không biết bao nhiêu công sức, tiền bạc, hàng hóa thì hư hỏng, vung vãi”. Cái xưởng cũ ở Gò Vấp rộng hơn 4.000m2 và cả một cơ sở nữa ở quận 8 cuối những năm 1990 đã có đến 500-600 công nhân nhưng chị vẫn phải đứng theo hình thức liên doanh liên kết. Chị kể: “Từ 5-7 triệu đồng coi như tiền thuê mặt bằng ban đầu, đến những năm cuối có lúc phải đóng đến cả 1,3 tỉ đồng theo chỉ tiêu. Cứ cố gắng chịu đựng nhưng đến lúc chịu hết xiết lại chạy, lại vật vã tìm cách khác”…

9UfImra4.jpgPhóng to
Sản phẩm nội thất từ tre của Hiệp Tiến
Và "con đường tre"

Năm 1999, “rình” thấy đất đai ở Củ Chi còn rẻ, chị dồn hết sức làm một cú đấm quyết định sống còn với cơ nghiệp và cuối cùng mua được một miếng đất rộng 28.000m2 ở sâu trong ruộng với giá hơn 1 tỉ đồng. Gom góp tất cả vốn liếng, chạy vạy tất cả các đầu mối rồi vay mượn thêm ngân hàng, chị đầu tư vào đó cả hơn 10 tỉ đồng nữa cho nhà xưởng, các trang thiết bị. Chính thức dời “đô” đến đất mới từ năm 2001, bây giờ Hiệp Tiến đã có một qui trình sản xuất hiện đại với chín lò sấy củi, một lò sấy ga, hai lò luộc và hệ thống sơn tự động, hệ thống hút bụi, hệ thống giải nhiệt…

“Mỗi thứ một chút, người ta nói mua con trâu được không lẽ mua sợi dây không được nhưng khổ nỗi cứ lòi ra nhiều sợi dây quá”. Chị nói bao nhiêu năm trong nghề, sức lực, tâm huyết bị hút vào công việc, không thể nói là để sống mà “có lẽ nó thành cái nghiệp mất rồi”. Hai ông bà chủ sáng sáng đã ra khỏi nhà, từ Bình Thạnh chạy tuốt lên Củ Chi, tối mờ mịt mới trở về nhà. “Bữa ăn sáng nhiều lúc chỉ là đĩa mì chay hàng rong bán trước cửa công ty, cơm trưa lắm khi chỉ có hũ chao và buổi tối cũng qua quít cho xong”, anh lại cười xòa.

Cái cốt lõi, theo anh chị, để đứng được trên thương trường chính là sự năng nổ, ham hoạt động. Những năm đầu thành lập, nhiều mặt hàng thủ công mỹ nghệ bằng mây bắt đầu bị mòn với thị trường nước ngoài. “Với lại mây vốn là nguyên liệu thiên nhiên cũng đến lúc cạn kiệt. Lúc đó, thị trường châu Âu và Mỹ lại bắt đầu chú ý đến các sản phẩm nội thất thô mộc như tre. Nguyên liệu tre thì mình không sợ thiếu. Tre vốn trồng được thành rừng, hễ tre già thì măng mọc, hơn nữa bao đời nay tre gắn chặt với người nông dân. Tre có đầu ra, người nông dân cũng sống được, trồng tre cũng không phải đầu tư nhiều vốn liếng, công sức chăm sóc”.

Thế rồi anh chị mạnh dạn sống chết với tre: đầu tư trồng, bao tiêu, đặt các trạm thu mua, sơ chế nguyên liệu ở Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Tháp… “Hàng hóa của mình làm ra phải thật tốt, muốn được vậy phải đầu tư vào chất lượng ngay từ khâu sơ chế ban đầu cho đến từng mẫu mã sản phẩm”. Từ các loại rổ rá, mành trúc truyền thống cho đến bàn tre, ghế tre… khách hàng bị cuốn hút bởi các loại thảm tre, các sản phẩm chén đĩa, chai lọ… làm bằng tre ghép, tre cuốn mang đậm dấu ấn VN, dấu ấn Á Đông… Gần đây, Hiệp Tiến còn nhận được hợp đồng làm hàng trăm căn nhà tre (nguyên khối có thể tháo ráp) để xuất sang Mỹ.

Từ khoảng 1999 trở lại đây, riêng các sản phẩm từ tre đã chiếm đến 95% mặt hàng xuất khẩu của công ty. Hơn 80% trong số đó được xuất sang châu Âu và một phần ở châu Á (Nhật, Philippines, Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ…), Mỹ… Khách hàng của Hiệp Tiến ngày càng đông hơn do xu hướng quay về với các sản phẩm từ thiên nhiên ngày được chuộng ở nhiều nước. Những mặt hàng tinh xảo như tre ghép, tre quấn mới xuất hiện vài năm nay thậm chí còn đẹp và có giá trị hơn cả mây và gỗ. Khách hàng có thể ngồi từ xa click vào trang web của Hiệp Tiến để “coi giò coi cẳng” công ty, xem mẫu mã rồi tính chuyện đặt hàng.

Tự tin thực hiện những cuộc chinh phục khách hàng, gần đây Hiệp Tiến đã mạnh dạn xuất hiện trong những hội chợ thương mại quốc tế lớn ở Đức, Ý… Doanh thu công ty năm nào cũng tăng, từ 1-2 triệu USD/năm đến năm 2001-2002 đã tăng lên đến 2-3 triệu USD/năm.

Có một chi tiết: ông chủ vẫn giữ liên hệ thường xuyên với huyện, với Huyện đoàn Củ Chi để hỗ trợ địa phương giải quyết công ăn việc làm cho thanh niên tại chỗ. Công nhân Hiệp Tiến làm việc với tinh thần thoải mái, bởi chính ông chủ còn bảo “cứ ngồi một chỗ cả ngày thì làm sao chịu nổi, phải có lúc đứng lên đi tới đi lui cho giãn gân giãn cốt”. Nghỉ lễ, nghỉ tết về quê, nhiều công nhân quê ngoài Bắc còn kéo bà con làng mình vào làm công nhân cho Hiệp Tiến…

Chị tâm sự rằng mình còn một đam mê nữa là có thời gian để đầu tư vào thị trường trong nước, bởi khi đời sống người dân mình ngày càng nâng lên, nhiều khách hàng có sự cảm thụ cao, hiểu về tre cũng đã bắt đầu chú ý đến các loại sản phẩm nội thất này.

Niềm tự hào bậc nhất của chị bây giờ là bốn đứa con, “sản phẩm tình yêu của mình” (trong đó hai cô con gái đang du học ở nước ngoài), “đứa nào cũng tự lập, cũng ngoan, học giỏi dù cha mẹ quá bận rộn, không có nhiều thời gian chăm chút”...

Điều cuối cùng cần thiết phải nói trong bài viết này: tên chị là Lê Thị Khánh, tên anh là Nguyễn Viết Hùng.

HOÀI TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên