06/09/2006 06:04 GMT+7

Khi IMF tăng quyền bỏ phiếu

THANH TRÚC (Theo Bloomberg, Washington Post)
THANH TRÚC (Theo Bloomberg, Washington Post)

TT - Cuối cùng thì Quĩ Tiền tệ thế giới (IMF) cũng đã đưa ra đề xuất về việc tăng quyền bỏ phiếu cho bốn nước có nền kinh tế phát triển nhanh là TQ, Hàn Quốc, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ.

ue0c1Gq1.jpgPhóng to
Singapore đã sẵn sàng chào đón các đại biểu đến tham gia hội nghị từ ngày 13-9 tới với bộ ảnh khổng lồ "Bốn triệu nụ cười" - Ảnh: AP

Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất lần này của IMF có ý nghĩa quan trọng, mở đường cho các nước đang phát triển có tiếng nói lớn hơn, tương xứng với tiềm năng kinh tế của mình đối với các hoạt động của IMF. Tuy nhiên Edwin Truman - một chuyên gia nghiên cứu IMF làm việc tại Viện Kinh tế quốc tế (trụ sở tại Mỹ) - phân tích rằng mọi quyết định tại IMF đều đạt được thông qua sự đồng lòng nhất trí là chính, do đó quyền bỏ phiếu hầu như không có ý nghĩa thực tiễn.

Tỉ lệ quyền bỏ phiếu của một nước thành viên IMF được quyết định theo GDP, các giao dịch tài khoản, dự trữ chính thức và một số yếu tố kinh tế khác.

Mỹ có tỉ lệ quyền bỏ phiếu cao nhất (17%), tiếp theo là Nhật (6,13%). Tỉ lệ của Trung Quốc là 2,94%, Mexico 1,2%, Hàn Quốc 0,76% và Thổ Nhĩ Kỳ 0,45%. Tỉ lệ của VN là 0,16%.

(Theowww.imf.org)

Dù sao, xét trong bối cảnh Chính phủ Mỹ gần như nắm toàn bộ quyền chi phối hoạt động của tổ chức này, thì sự thay đổi tỉ lệ quyền bỏ phiếu của các nước mới nổi cũng có một "ý nghĩa quan trọng tiêu biểu". Ngoài ra, tăng quyền bỏ phiếu đồng nghĩa với việc tăng quota, tức số tiền mà mỗi nước thành viên đóng góp cho IMF, cũng là số tiền nước đó có thể vay từ tổ chức này. Theo qui định, hằng năm mỗi thành viên IMF có thể vay đến 100% quota của mình.

Trong khi Hàn Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra phấn khởi thì Trung Quốc lại không quá vồ vập trước quyết định mới của IMF. Bắc Kinh hiểu rõ mục tiêu chính của IMF khi tăng quyền bỏ phiếu cho các nước đang phát triển là nhằm gây sức ép buộc họ áp dụng cơ chế tỉ giá linh hoạt hơn đối với đồng tiền của mình, mà Trung Quốc lại vẫn luôn giữ lập trường cứng rắn về vấn đề đồng nhân dân tệ.

Các nước ngoài cuộc phản ứng mỗi nơi một kiểu. Brazil, Argentina và Ấn Độ tỏ thái độ phản đối và hoài nghi trước động thái mới này của IMF. Những nước này cho rằng các cải cách được đưa ra chẳng qua để nhằm thực hiện một mục tiêu đã được định trước: phục hồi tính hợp pháp của IMF. Ấn Độ tỏ ra gay gắt nhất khi phản đối bất cứ sự thay đổi nào làm ảnh hưởng đến lợi ích của nước mình.

Trong khi đó, Singapore - nước sắp đăng cai cuộc họp của IMF từ ngày 13-9 tới - cũng rất muốn được IMF nâng quyền bỏ phiếu của mình, nhưng lại nói khéo bằng cách kêu gọi các nước châu Á tích cực đẩy mạnh tiếng nói trong IMF.

"Cần cho các nền kinh tế đang phát triển tiếng nói lớn hơn. Hiện giờ có thể họ còn nghèo, nhưng họ sẽ sớm phát đạt trong thời gian ngắn. Singapore cũng vậy, tuy nhỏ nhưng là một nền kinh tế mở. Chúng tôi làm tốt thì phải cho chúng tôi tiếng nói lớn hơn chứ!" - ông Goh Chok Tong, bộ trưởng cao cấp của Singapore, nhấn mạnh. Vì vậy, vấn đề cải cách quyền bỏ phiếu dự kiến sẽ là một chủ đề nóng bỏng trên bàn nghị sự của IFM tại Singapore sắp tới.

THANH TRÚC (Theo Bloomberg, Washington Post)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên