05/10/2004 21:00 GMT+7

Thi kể chuyện cười

Tiểu phẩm TẠ DUY ANH
Tiểu phẩm TẠ DUY ANH

TTC - Nhân vật: Gồm 3 người đàn ông còn trẻ, đều là trí thức. Bối cảnh: Trong lúc chờ tàu. Địa điểm: Tại một ga xép. Thể lệ: Kể một chuyện thật như đùa. Mục đích: Giết thời gian.

iqo5poRs.jpgPhóng to
TTC - Nhân vật: Gồm 3 người đàn ông còn trẻ, đều là trí thức. Bối cảnh: Trong lúc chờ tàu. Địa điểm: Tại một ga xép. Thể lệ: Kể một chuyện thật như đùa. Mục đích: Giết thời gian.

Chuyện của thí sinh 1

Tôi là nghiên cứu sinh của một khóa cao học. Điều kiện bắt buộc là học viên phải có trình độ tiếng Anh bằng C. Không biết tiếng Anh thì nghiên cứu cái nỗi gì. Trong lớp có khá nhiều người đi học do yêu cầu qui hoạch cán bộ. Chỉ những khi tập trung, chúng tôi mới nhìn thấy mặt nhau, còn lại đám các ông các bà này luôn lẩn như chạch.

Có vào thì phải có ra, đó là lẽ đời. Nghĩa là cuối cùng chúng tôi cũng đến ngày phải bảo vệ luận án. Bấy giờ đám đi học để qui hoạch mới cuống lên học tiếng... Anh. Tôi thuộc số những người được mời làm thầy.

Yêu cầu rất đơn giản: Chỉ cần dạy cho họ biết vài chục từ hay dùng trong giao tiếp và hỏi, trả lời được mấy câu đơn giản, việc còn lại đã có tiền lo. Học sinh của tôi là một tay sẽ làm giám đốc sở gì đó ở tỉnh tên là Tiếp. Ông ta học vô cùng chật vật. Nhưng cuối cùng tôi cũng nhồi nhét cho ông ta được đủ số vốn tiếng Anh ông ta yêu cầu.

Ông ta tìm ra cách nhớ như sau: What - thằng oắt hắt xì hơi là gì, your - ý ò e là của bạn, name - nêm em bằng tên. My - mờ y là mai bằng của tôi, is-isờ bằng là...

Thế là trước ngày bảo vệ mấy hôm, ông ta cứ lẩm bẩm học cách nhớ những từ tiếng Anh như vậy. Nhưng khi vào cuộc thì ông ta chỉ còn nhớ âm tiếng Việt. Cô giáo bảo anh ta: “Hãy hỏi tên tôi”, thế là anh ta xổ ra một tràng: “Hắt sì ý ò e nêm?”.

Cô giáo tròn mắt bảo “Pardon?” (Xin nhắc lại) thì anh ta xổ tiếp: “Mai nêm i sờ Tiếp”.

Thấy mặt cô giáo tái đi, anh ta hỏi: “Thưa tít-chờ Pa Đừn, tôi nói Eng lich oke chứ ạ?”.

Chuyện của thí sinh 2

cHBOS46l.jpgPhóng to
Chuyện của tôi ngắn thôi, nhưng cũng với chủ đề bảo vệ tốt nghiệp. Lần này là một thí sinh sáng tác nhạc. Hội đồng yêu cầu anh ta thể hiện tác phẩm của mình và khi ban nhạc vừa vang lên thì tất cả cùng tròn mắt nhìn nhau: Đó là bản nhạc của một nhạc sĩ nổi tiếng thế giới, ai cũng biết.

- Này anh bạn - một giáo viên hỏi - anh nghĩ đó là tác phẩm tốt nghiệp của anh sao?

- Thưa thầy, còn có thể là của ai khi do chính em viết.

- Anh chắc chắn do chính anh viết? - Một người khác hỏi.

- Sao thầy lại hỏi đầy nghi ngờ như vậy? - Thí sinh thấy bị xúc phạm - Thầy nghĩ là em ăn cắp chắc?

- Nhưng nếu tôi bảo đấy là tác phẩm của một nhạc sĩ lớn, một trăm phần trăm thì anh nghĩ sao?

- Chuyện lạ...

Anh ta mới chỉ nói được đến thế thì nghe đánh “huỵch” một cái. Mọi người thấy ông thầy dạy của anh thí sinh kia đổ ụp xuống như bị ai đốn. Tất cả đổ xô cấp cứu để ông tỉnh lại. Nhưng vừa nhìn thấy học trò, ông lại lả đi, miệng lẩm bẩm: “Trời sinh ra ta sao lại còn sinh ra nó?”.

Hóa ra anh học trò chép nguyên xi bản nhạc của thầy, nhưng lại chép từ dưới lên mà không biết bản nhạc đó thầy “thuổng” của một nhạc sĩ lớn, cũng theo cách lộn ngược.

Chuyện của thí sinh 3

TFukpbca.jpgPhóng to
Anh này ngồi nghe hai người kia kể, mặt tỉnh khô, chỉ hơi mủm mỉm khi kết thúc. Anh ta xem đồng hồ và thấy còn rất ít thời gian, chỉ xin kể tóm tắt:

Chuyện rằng, sau khi nghe một thí sinh trả lời: Truyện cổ tích Việt Nam có từ thời nguyên thủy, thầy bèn hỏi lại: “Ai bảo với anh thế?” ."Thưa thầy em đọc trong sách?". Thầy bèn hớn hở hỏi: “Sách ấy em mua ở đâu, mách tôi với!”.

Thí sinh hỏi lại: “Thưa thầy, thầy mua làm gì ạ? Nếu thầy cần thì xong vụ này em xin biếu thầy”.

- A - thầy đáp - chả giấu gì em, sắp tới tôi muốn làm cho xong cái luận án tiến sĩ, cũng đề tài cổ tích.

Vừa lúc tàu đến, cả ba cười ầm lên chia tay, và chả biết từ bấy đến nay, họ có gặp lại nhau lần nào nữa không.

Tiểu phẩm TẠ DUY ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên