27/12/2004 09:03 GMT+7

Hướng nghiệp: cần cho cả học sinh lẫn sinh viên

VŨ THẾ DŨNG
VŨ THẾ DŨNG

TT - Tuổi Trẻ Online đưa tin: có đến hơn 45% sinh viên được khảo sát tỏ thái độ không muốn gắn bó với chuyên ngành mà mình đang học. Con số đáng lo ngại này nói với chúng ta điều gì?

Quyết định ngành học là một quyết định rất quan trọng và có ảnh hưởng lâu dài trong cuộc đời mỗi người. Nhưng mỗi cá nhân lại phải ra quyết định này vào thời điểm khá sớm ở độ tuổi 18-20. Đó là độ tuổi chưa đủ chín chắn để có thể khẳng định mình thật sự thích gì, nghề nghiệp nào, công việc nào phù hợp với mình.

Để giải quyết vấn đề này có lẽ phải đặt lại vấn đề một cách nghiêm túc từ công tác hướng nghiệp cho thanh niên ngay những năm đầu của cấp trung học. Công tác hướng nghiệp cho học sinh rất đa dạng, bắt đầu từ các buổi tham quan các trường đại học, cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức xã hội đến các buổi nói chuyện chuyên đề về một ngành nghề hay tiêu chí lựa chọn ngành nghề của các chuyên gia (có thể mời chính từ lực lượng phụ huynh của nhà trường), các tài liệu về từng ngành, nghề, công việc của các cơ quan giáo dục hay tổ chức chuyên ngành.

Hiện nay trên thế giới phổ biến các bài kiểm tra thái độ (attitude test), căn cứ trên các thông tin một cá nhân cung cấp qua các thang đo thái độ của bài kiểm tra mà đưa ra những lời khuyên về các nghề nghiệp phù hợp trong tương lai.

Mặt khác, cần định kỳ tổ chức các bản báo cáo nghề nghiệp như yêu cầu công việc, kỹ năng, bằng cấp, phâm chất, thu nhập, thăng tiến, dự báo khuynh hướng và nhu cầu của các ngành nghề trong xã hội. Những báo cáo thường niên loại này cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng trong việc chọn nghề của thanh niên và góp phần tư vấn cân đối cấu trúc nghề nghiệp của xã hội.

Công tác hướng nghiệp không chỉ dành cho học sinh phổ thông mà cũng rất cần thiết cho sinh viên đại học. Thực tế ở Mỹ, sinh viên khi nộp đơn vào trường có thể chưa cần xác định chuyên ngành mà mình muốn học. Họ có 1-2 học kỳ đại cương để xác định sở thích của mình và được tư vấn bởi các cố vấn học tập hay cố vấn nghề nghiệp là các giáo sư hay chuyên gia của trường.

Ngay cả khi đã chọn và vào học, sinh viên cũng có thể thay đổi nếu cảm thấy không phù hợp. Có lẽ đây cũng là một mô hình tốt để ứng dụng khi sắp tới chúng ta chủ trương sẽ tiến đến xóa bỏ kỳ thi đại học. Hiện do chế độ xét tuyển nguyện vọng 2, 3 nên có nhiều sinh viên buộc phải chuyển sang học chuyên ngành mà mình không yêu thích (nguyện vọng 2, 3). Điều này tạo tâm lý học tập tiêu cực trong một bộ phận sinh viên.

Hiện nay ở một số trường như Đại học Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) đã có các cố vấn học tập cho sinh viên nhưng hình như chưa trường nào có cố vấn nghề nghiệp cho các em. Một sinh viên dù đã quyết định chọn chuyên ngành quản lý hay kinh doanh cũng còn hết sức mơ hồ về công việc cụ thể trong tương lai, vì một nhân viên bán hàng hay tiếp thị sẽ hoàn toàn khác với một nhà quản lý chất lượng, tài chính hay nhân sự. Do vậy cần quan tâm hơn đến công tác hướng nghiệp vì hệ quả của quyết định chọn nghề sai là lãng phí tài nguyên của xã hội trong đào tạo, tái đào tạo và một nguồn nhân lực kém cạnh tranh.

VŨ THẾ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên