29/04/2005 00:05 GMT+7

Xét tuyển lớp 10: Sẽ không thay đổi nhiều ở nguyện vọng 1

KIM LIÊN
KIM LIÊN

TTO - Bảng thống kê số lượng HS nộp đơn xét tuyển lớp 10 vào các trường THPT do Sở GDĐT TPHCM công bố đã khiến cho không ít phụ huynh học sinh phân vân với những trường đã chọn cho con giai đọan đầu.

SlXjNgjJ.jpgPhóng to
TTO - Bảng thống kê số lượng HS nộp đơn xét tuyển lớp 10 vào các trường THPT do Sở GDĐT TPHCM công bố đã khiến cho không ít phụ huynh học sinh phân vân với những trường đã chọn cho con giai đọan đầu.

Thế nhưng, một vòng qua nhiều trường THCS ở một số khu vực tiêu biểu, chúng tôi ghi nhận không có nhiều thay đổi ở nguyện vọng 1. Sự thay đổi có chăng rơi vào các NV còn lại .

Không đổi, vì không biết đổi đi đâu

Ban giám hiệu trường THCS bán công Châu Văn Liêm (Phú Nhuận) cho tôi xem thống kê đăng ký nguyện vọng (NV) ưu tiên lần đầu. Trường chỉ có ba lớp 9. Ở lớp 9A1 đa số HS chọn NV1 trường Phan Đăng Lưu, NV2 đa số chọn trường Võ Thị Sáu, một số trường hợp chọn trường Phú Nhuận và ở cả trường Phan Đăng Lưu.

Kiểu chọn đi ngược với lôgích được Sở GDĐT khuyên: “Trường ở nguyện vọng 2 phải là trường có điểm chuẩn thấp hơn trường NV1”, bởi nếu không vào được trường Phan Đăng Lưu, làm sao vào được các trường Võ Thị Sáu, Phú Nhuận (vốn nhiều năm có điểm chuẩn cao hơn trường Phan Đăng Lưu), thậm chí trường Phan Đăng Lưu NV2 cũng sẽ cao điểm hơn Phan Đăng Lưu ở NV1?.

Ở lớp 9A2, vẫn đa số chọn trường Phan Đăng lưu ở NV1 nhưng ở cột NV2 thì tôi đọc thấy hàng loạt chữ “không” trong bảng thống kê (!). HS trường bán công không nhiều em giỏi sao lại tự tước mất một quyền ưu tiên vào công lập của mình ?

Ngỡ các HS chưa hiểu lắm cách chọn trường, tôi trực tiếp hỏi HS lớp 9A1, các em khá tâm tư : “Ở khu vực này chỉ có trường Phan Đăng Lưu là trường công lập thấp điểm nhất rồi đâu còn trường nào để chọn !”.

Cũng theo một GV chủ nhiệm lớp 9, mọi năm số HS của trường đạt trên 50 điểm thi tốt nghiệp chỉ vài em. Có lẽ do sức học chỉ đến đó nên HS chỉ cốt chọn trường ở NV1 cẩn thận, còn NV2 thì bỏ hay chọn bừa một trường cho có. Cũng do đặc điểm này mà khi tôi hỏi, các em cho biết gần như không nghĩ đến việc thay đổi NV. Cả lớp 9A1 chỉ có hai HS đã đổi NV nhưng cũng chỉ đổi ở NV trường bán công.

Trong bảng đăng ký chọn NV của trường THCS Hà Huy Tập (Bình Thạnh), chúng tôi cũng nhìn thấy đa số chọn các trường ở quận nhà Bình Thạnh: Gia Định, Võ Thị Sáu…, hai trường ở Phú Nhuận, và một vài trường xa hơn như Nguyễn Thị Minh Khai, Bùi Thị Xuân, Lê Thị Hồng Gấm.

Để kiểm tra sự chọn lựa của HS, cô hiệu trưởng xem lại điểm thi học kỳ 2 của một số HS đã chọn các trường thuộc loại cao điểm, tất cả cho thấy cách chọn khá phù hợp. Tuy nhiên nếu như các HS giỏi chọn trường tương đối hợp lý thì không ít HS khá, trung bình lại chọn theo hướng “chắc ăn” ở NV1, và chọn lấy có ở NV2 như HS trường Châu Văn Liêm nói trên.

Trường còn khá cẩn thận khi mời PHHS chiều 29/4 vào gút lại lần cuối, tự tay PHHS sẽ viết đơn chọn NV mới cho con mình nếu có nhu cầu, nhưng có ban giám hiệu đoan chắc “sẽ không nhiều HS thay đổi, nhất là HS giỏi. Những HS khác, có chăng cũng chỉ chỉ đổi NV2, NV 3!”.

Trong khi đó, ở những khu vực có đến ba trường công lập như Gò Vấp với các mức điểm chuẩn khác nhau khiến nhiều HS đăng ký xa vội vã quay về. Cho đến ngày 28-4, Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi đã nhận được trên 70 đơn đổi nguyện vọng trên tổng số 494 HS. HS chủ yếu rút từ các trường ngoài khu vực như Nguyễn Thượng Hiền, Lê Quý Đôn, Võ Thị Sáu về các trường ở Gò Vấp.

Vẫn có cơ hội cuối dành cho học sinh rớt oan

Kết quả thi học kỳ hai là cơ sở để HS xem lại việc chọn NV. Tuy nhiên rất nhiều trường cho biết do đề thi vừa rồi tương đối dễ nên kết quả của HS khá tốt. Kết quả này đã khiến không ít HS khi cộng điểm 4 môn sẽ thi tốt nghiệp thấy cao hơn dự tính ban đầu đã nhấp nhỏm muốn thay đổi NV.

Trường Trần Văn Ơn có đến 7% HS đạt 4 môn thi 40/40 điểm. Nếu kết quả này là điểm thi tốt nghiệp thì có đến 67,6 % tốt nghiệp giỏi. Khi kết quả được thông báo, chỉ trong sáng 27/4 đã có hơn 200 HS (gần 50 % HS của trường ) xin đơn để làm lại.

Tình hình này khiến ông hiệu trưởng cho biết đã phải nhắc nhở các em "đề thi tốt nghiệp chắc chắn sẽ khó hơn nên không thể chủ quan, mặt khác chỉ tiêu bán công trong trường công lập năm nay đã giảm đi nhiều.

Nhiều trường giảm từ 1- 4 lớp bán công so với năm rồi nhưng các em ít chú ý chi tiết này mà vẫn đổ vào rất đông. Điển hình như trường Bùi Thị Xuân chỉ tuyển 45 HS bán công nhưng đợt vừa rồi đã có gần 1200 HS đăng ký cả hai NV3 và NV4". Cho đến gần cuối hạn nộp đơn, đã có khoảng 400 HS xin đơn mới và theo thầy Minh (hiệu trưởng) "Nhìn qua cho thấy các em muốn đổi chủ yếu chỉ đổi ở NV 3 và 4 và né trường có tỷ lệ chọi cao".

Bảng đăng ký ban đầu cũng cho thấy đa số các trường công lập mới thành lập (từ 1 đến vài năm) đều có số HS đăng ký NV1 thấp hơn cả chỉ tiêu như trường Tân Phong -quận 7 (trong khi khu vực này có đến 5 trường THCS), Tạ Quang Bửu (quận 8), Phước Long (quận 9), Long Trường (Q9), Phú Hoà, Tân Thông Hội (Củ Chi)….

Mặc dù vậy, theo dự báo của một số hiệu trưởng khu vực này, khả năng HS chuyển sang việc đăng ký từ NV2 sang NV1 ở các trường này sẽ không nhiều. Tương tự với các trường Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Quý Đôn dù tỷ lệ chọi không cao nhưng cũng không hứa hẹn sẽ có thay đổi nhiều sau đợt chuyển đổi này bởi theo nhiều hiệu trưởng, PHHS giờ đây rất ngại chương trình phân ban, ngay cả PHHS quận 3 vốn đang học chương trình thí điểm.

Theo dự kiến của Sở GDĐT TPHCM, năm nay có 67.803 HS hệ phổ thông dự tuyển vào lớp 10 nhưng chỉ có 52.265 HS được tuyển vào hai hệ công lập, bán công. Như vậy sẽ có trên 15.500 HS rơi ra trong đợt xét tuyển này.

Với những HS quá yếu thì con đường phân luồng sang trường nghề hoặc đi tiếp lớp 10 sang hệ bổ túc…là tâm lý cần chuẩn bị, nhưng sẽ có không ít HS ngậm ngùi nuối tiếc vì rớt cả 4 nguyện vọng trong khi với điểm chuẩn của mình có thể đậu vào một số trường nào đó.

Trường hợp này được gọi chung là “chọn sai nguyện vọng “ (mặc dù có khi PHHS đã chọn đúng sức con mình nhưng điểm chuẩn vào các trường này đã bất ngờ tăng vọt hoặc kết quả kỳ thi lại không đúng với sức học trong năm).

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này HS cũng chưa nên tuyệt vọng, bởi theo quy định của Sở GDĐT, 1 tuần sau khi có danh sách đỗ là thời hạn trường THPT nhận hồ sơ HS trúng tuyển, quá thời hạn này những HS không đến đăng ký học sẽ bị sẽ xoá tên để xin xét tuyển bổ sung từ những HS đã không trúng tuyển vào bất kỳ trường nào.

Thực tế cho thấy, chỉ trừ số ít trường có điểm chuẩn quá cao, hiếm có HS bỏ sau khi trúng tuyển. Còn lại, rất nhiều trường có tuyển bổ sung thêm số này. Thế nên đã có không ít PHHS chỉ chọn 2 nguyện vọng 1và 2 với ý định, nếu rớt sẽ cầm bảng điểm con mình tìm trường vừa ý nộp vào học bán công.

Tuy nhiên đến lúc này quyền ưu tiên chọn trường của HS không còn mà thay vào đó, trường sẽ trực tiếp tuyển lựa HS vào lớp bán công. Trong trường hợp này, HS có điểm chuẩn tương đương với điểm chuẩn của trường… chưa chắc đã được tuyển, và như vậy cơ hội cuối cùng cũng chỉ dành cho những HS…. rớt oan .

KIM LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên