08/09/2006 06:21 GMT+7

Nguyện vọng 2 dành cho ai?

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TT - Năm nay, hầu hết các trường công lập ở TP.HCM đều có điểm sàn NV2 cao hơn sàn chung của Bộ GD-ĐT từ 2 điểm trở lên.

pNGxg3t4.jpgPhóng to

Thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 2 vào Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Như vậy, số thí sinh (TS) từ dưới sàn NV2 của các trường này đến sàn của bộ không phải là ít. Những TS này có thể “gửi gắm” hi vọng ở đâu?

Điểm không cao, xét tuyển ở đâu?

Một trong những trường còn rất nhiều chỉ tiêu (CT) NV2 là ĐH Thủy sản. Mặc dù có 2.000 CT nhưng với điểm chuẩn NV1 bằng hoặc cao hơn sàn chung của bộ từ 0,5-1 điểm trường cũng chỉ tuyển được vẻn vẹn 300 CT. Như vậy còn đến 1.700 vị trí để TS có thể lựa chọn.

Đường vào NV2 trường này càng rộng hơn khi điểm sàn xét tuyển NV2 chỉ bằng với điểm chuẩn NV1. Trong đó, nhóm ngành khai thác hàng hải (150 CT) là 13 điểm; nhóm ngành cơ khí (300 CT), cơ - điện tử (100), công nghệ kỹ thuật điện - điện tử (100), công nghệ thực phẩm (300), kinh tế - QTKD (400) nhưng cũng chỉ có điểm sàn NV2 là 13,5 điểm.

Ngay như công nghệ thông tin - một ngành luôn là “đinh” và có điểm chuẩn rất cao ở hầu hết các trường, nhưng điểm sàn NV2 của ngành này ở Trường ĐH Thủy sản cũng chỉ dừng lại ở mức 14 với 100 CT. Nhóm ngành chủ lực và cũng là nhóm ngành có điểm chuẩn NV1 và sàn NV2 cao nhất trường là nuôi trồng thủy sản cũng chỉ có điểm sàn NV2 là 14,5 với 200 CT.

Tất nhiên, điểm chuẩn NV2 còn tùy thuộc số lượng và điểm số của TS, nhưng với mức điểm sàn và chỉ tiêu này, cơ hội trúng tuyển NV2 của TS sẽ rộng hơn. Thêm một thông tin TS có thể tham khảo là trong kỳ thi tuyển sinh năm 2005, điểm chuẩn và sàn NV2 vào trường này chỉ chênh lệch 0,5 điểm.

Trong khi đó, khối sư phạm ở nhiều trường như ĐH Huế, ĐH Đà Nẵng, ĐH Qui Nhơn, ĐH An Giang, Sư phạm Đồng Tháp, Sư phạm TP.HCM năm nay điểm chuẩn NV1 và sàn NV2 hầu hết bằng với điểm sàn chung của bộ. Năm 2005, trong khi điểm chuẩn và sàn NV2 một số ngành khác ở các trường này có sự chênh lệch 1-3 điểm thì điểm chuẩn NV2 các ngành này cũng không thay đổi nhiều so với điểm sàn NV2.

Còn ở nhóm trường tốp giữa khu vực phía Nam, hầu hết các trường đều có điểm sàn NV2 từ 14-17 điểm. TS trong khung điểm này sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn với nhiều ngành khác nhau. Ông Trần Văn Thạnh, trưởng phòng khảo thí và kiểm định chất lượng Trường ĐH An Giang, cho biết khả năng một số ngành thuộc nhóm ngành kinh tế sẽ khó tuyển đủ chỉ tiêu dù những ngành này có điểm chuẩn NV1 và sàn NV2 chỉ bằng với điểm sàn chung.

Cùng tắc biến?

Từ khi áp dụng điểm sàn trong tuyển sinh, các trường ĐH vùng, ĐHDL luôn phập phồng nỗi lo tuyển không đủ chỉ tiêu. Điều 33 qui chế tuyển sinh ra đời là giải pháp giúp các trường không “xé” qui chế cũng như đảm bảo chỉ tiêu đầu vào. Năm nay cũng không là ngoại lệ. Mặc dù hầu hết các ngành của Trường ĐH Cần Thơ đều có điểm chuẩn NV1 và sàn NV2 bằng với sàn chung của bộ, nhưng trường này vẫn phải vận dụng điều 33 nhằm nới rộng vùng tuyển: KV2 cách KV3 1 điểm (riêng từ KV2 trở xuống, mỗi khu vực cách nhau 0,5 điểm như qui định chung).

Mặc dù thế trường này vẫn phải xét đến 1.428 CT NV2. Trong khi đó, ở Trường ĐH An Giang tuy một số ngành có điểm chuẩn NV1 và sàn NV2 ở mức 15-17 điểm nhưng hầu hết các ngành thuộc nhóm kinh tế, nông nghiệp cũng chỉ có điểm chuẩn NV1 bằng sàn với khá nhiều chỉ tiêu cho NV2.

Và việc vận dụng điều 33 của trường này cũng hết sức “linh hoạt”: KV2 cách KV3 đến 2 điểm; từ KV2, mỗi khu vực cách nhau 1 điểm. Như vậy thực tế điểm chuẩn NV1 hầu hết các ngành của trường này chỉ là 11 điểm cho khối A, D và 12 điểm cho khối B, C do vùng tuyển của trường này không có KV3. Nhiều trường khác như ĐHDL Phú Xuân, Duy Tân, Bình Dương hay như trường ĐH mới được thành lập Quang Trung… cũng vận dụng điều 33 nhằm giải quyết bài toán đầu vào.

Một giải pháp khác để "hỗ trợ đầu vào", đó là bổ sung khối thi, thậm chí nhiều ngành tuyển cả những khối… “xưa nay chưa từng có”! Trong đó, khối B được ưu tiên nhiều nhất bởi năm nay điểm thi khối này cao hơn các khối còn lại. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM khi xét tuyển NV2 đã bổ sung khối B cho các ngành kinh tế bên cạnh khối A và D1. Các trường ĐHDL như Tây Đô, Cửu Long, Bình Dương, Hùng Vương, Lương Thế Vinh, CĐ Kinh tế kế hoạch Đà Nẵng đều xét tuyển khối B cho nhóm ngành tài chính - kinh tế - ngân hàng.

Việc bổ sung khối tuyển sinh nhằm mở rộng vùng tuyển, tạo thêm cơ hội cho TS có điểm cao cũng như nâng cao chất lượng đầu vào, nếu không có sự khác biệt quá lớn giữa các khối thi là cần thiết. Tuy nhiên việc “mở rộng” này đôi khi bị lạm dụng thái quá dẫn đến không ít trường hợp tỏ ra khập khiễng, bất hợp lý.

Chẳng hạn Trường CĐ Công nghệ thông tin (ĐH Đà Nẵng) tuyển cả khối D, V và B bên cạnh khối A. Hay như ngành địa lý du lịch của Trường ĐHDL Phú Xuân bên cạnh khối C còn tuyển cả khối B! Thậm chí ngành Đông phương học của Trường ĐHDL Cửu Long bên cạnh khối C và D1 còn tuyển cả khối B. Cá biệt như Trường ĐHDL Lương Thế Vinh còn tuyển cả khối D cho ngành nuôi trồng thủy sản, thú y và bảo vệ thực vật, điều chưa từng có tiền lệ trước đây!

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên