23/07/2004 22:45 GMT+7

Chiếc mũ bảo hiểm

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG
TS. NGUYỄN SĨ DŨNG

TT - Đội mũ bảo hiểm xe máy khi tham gia giao thông là một sự cần thiết. Cũng giống như việc đeo dây an toàn, hành vi nói trên sẽ góp phần giảm thiểu hậu quả nặng nề của tai nạn giao thông. Luật đội mũ bảo hiểm bắt buộc vì vậy là nhân đạo và cần được tuân thủ.

Tuy nhiên, giảm thiểu hậu quả với giảm thiểu tai nạn là hai chuyện khác nhau. Tai nạn bao giờ cũng là chuyện xảy ra trước. Hậu quả chỉ là chuyện xảy ra sau, cho dù xảy ra tức thì thì vẫn cứ sau.

Vậy nên, tập trung nỗ lực cho chuyện xảy ra sau khó có thể giải quyết được vấn đề của chuyện xảy ra trước. Và chiếc mũ bảo hiểm với kích cỡ thế nào chăng nữa cũng vẫn là quá bé đối với vấn đề tai nạn giao thông.

Một vấn đề xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân. Vấn đề tai nạn giao thông cũng vậy. Không loại bỏ được các nguyên nhân không giải quyết được vấn đề.

Nguyên nhân đầu tiên của tai nạn giao thông là tình trạng xe nhiều, đường ít. Dân số của các thành phố ở nước ta, như cơ thể của con người, đang lớn lên từng ngày. Trong lúc đó, “chiếc áo” cơ sở hạ tầng lại không thể lớn lên.

Thông thường, người ta phải thiết kế chiếc áo dựa vào kích cỡ của cơ thể của con người. Với một cơ thể đang lớn lên liên tục, phải thiết kế chiếc áo như thế nào là điều không dễ.

Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào, bắt cơ thể con người phải tuân theo kích cỡ của chiếc áo là trái với lẽ tự nhiên và tiềm ẩn muôn vàn rủi ro. Và nếu điều này đúng cho việc may áo, thì nó cũng đúng cả cho việc quy hoạch cơ sở hạ tầng giao thông.

Nguyên nhân thứ hai là ý thức chấp hành pháp luật (hay đúng hơn là sự thiếu vắng của ý thức này).

Thực tế, nhìn vào các hành xử của chúng ta trên đường phố, nhiều khách nước ngoài không thể tưởng tượng được là ở đất nước ta cũng có luật giao thông. Mà những điều luật giản dị như đèn đỏ thì phải dừng xe, rẽ xe thì phải báo hiệu... vẫn không áp đặt được, thì làm sao có thể tin rằng những điều luật phức tạp hơn sẽ được thực thi?

Rõ ràng, sự tuân thủ pháp luật chứ không phải tình trạng thiếu luật là vấn đề lớn nhất của đất nước ta.

Pháp luật điều chỉnh hành vi. Có bảy yếu tố tác động lên hành vi của con người. Đó là: 1. Pháp luât; 2. Điều kiện; 3. Năng lực; 4. Thông tin; 5. Lợi ích; 6. Quy trình; 7. Lòng tin. Xử phạt kể cả phạt tiền, phạt tù, phạt giữ xe v.v. chỉ là sự vận dụng đơn điệu một yếu tố lợi ích để tác động lên hành vi. Mà như vậy thì không bao giờ đủ. Vấn đề là phải sử dụng được tất cả bảy yếu tố để điều chỉnh hành vi của con người. Và trước khi điều đó xảy ra, khả năng áp đặt sự tuân thủ pháp luật của chúng ta vẫn sẽ còn hạn chế.

Để áp đặt thành công hành vi đội mũ bảo hiểm xe máy, chúng ta cần phải nhìn được xa hơn các hình phạt hiện nay.

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên