07/05/2005 15:08 GMT+7

Người "ngoại đạo" đã vào cuộc

HOÀI LÊ
HOÀI LÊ

TTCN - Nhiều năm liền, thể thao đỉnh cao của TP.HCM như xuống dốc không phanh. Chính vì vậy sự xuất hiện của tân giám đốc Nguyễn Hoàng Năng được cả giới trong và ngoài cuộc chờ đợi...

UIS9AaHx.jpgPhóng to
Giám đốc Sở TDTT TP.HCM Nguyễn Hoàng Năng tại Sports Gala 2005 được tô chức tại TP.HCM

Chờ đợi với không ít nghi ngờ, bởi ở lĩnh vực mà “dân chơi” thứ thiệt còn bó tay thì kẻ “ngoại đạo” sẽ làm được gì?

“Xin cho tôi một thời gian nữa” - đó là câu nói đầu tiên của giám đốc Sở TDTT TP.HCM Nguyễn Hoàng Năng trả lời tôi khi anh vừa nhận chức được hai tuần (tháng 9-2004). Sáng 5-5-2005, tiếp tôi trong văn phòng của mình, giám đốc Sở TDTT đã là một người khác. Vẫn tất bật, nhưng tự tin của một người hiểu rõ việc mình phải làm.

“Tôi có tâm trạng giống như người thừa hưởng gia tài, người thừa kế”. Giám đốc Năng thẳng thắn mở đầu câu chuyện. Anh dẫn giải: người thừa kế có thể vui mừng khi được nhận một gia tài kếch xù và không phải thắc mắc vì sao mình có thì đương nhiên cũng phải gánh những khoản nợ của đời trước để lại và không thể cật vấn vì sao lại nợ. Để có được nhận thức này với tôi không chỉ là một hai tháng.

* Có nghĩa là chấp nhận?

- Nói đúng hơn, đó là phân biệt. Nếu không, anh sẽ dễ bị sa vào xu hướng đô lỗi hoặc phê phán cách làm của người trước mà không biết mình cần phải làm gì để đạt được mục tiêu của mình.

* Mục tiêu? Nghe nói ngày mới nhận chức, anh đã có không ít trăn trở?

- Không chỉ trăn trở mà còn mất ăn, mất ngủ cả tháng trời. Sự bất ngờ mà tôi trả lời trên báo chí hồi đó không phải là do không được biết trước mà là trong suy nghĩ mình chưa hề nghĩ tới việc phải đổi nghề. Tuy nhiên, khi tiếp cận công việc thì sự trăn trở lại khác. Thực lực và tiềm năng của thể thao TP mạnh lắm. Từ con người (VĐV và HLV) đến sự đầu tư của Nhà nước, từ cơ sở vật chất dành cho thể thao khá đồ sộ đến lòng yêu thích thể thao của người dân TP. Vậy thì tại sao thể thao TP lại không mạnh?

Khác với cách thông thường là tìm ra những khiếm khuyết của bộ máy lãnh đạo trước đây để định ra hướng khắc phục trong tương lai, anh lại chọn cách làm của người thừa kế. Nghĩa là tiếp nhận, đánh giá lại thực lực và định hướng đầu tư theo cách của mình.

Theo anh, bất lợi của người thừa kế này là không am hiểu nhiều về chuyên môn nhưng lại có một cái lợi là do không biết nhiều, không nằm trong hệ thống chuyên ngành nên không bị bó buộc bởi những phương thức đã định sẵn. Người “ngoại đạo” có cách nhìn của người ngoài cuộc nên phóng khoán hơn, thực tế hơn.

Tuy nhiên, anh cũng mất đến gần ba tháng để tiếp cận, lắng nghe, học hỏi, sàng lọc từ chính các VĐV, HLV, các bậc phụ huynh và cả những bạn bè là cán bộ Đoàn ở nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng đam mê và am hiểu thể thao…

Giờ đây, giám đốc Năng đã có thể vào cuộc. Sự thay đổi gây “chấn động” trong ngành TDTT của tân giám đốc khác hẳn với sự chờ đợi của mọi người: thay vì thay đổi nhân sự, kiện toàn lại bộ máy tổ chức (như cách thông thường), lại là việc phân cấp, phân quyền giữa hai lực lượng quản lý nhà nước (bộ môn) và đào tạo, huấn luyện, tổ chức lực lượng.

Đề xuất mở rộng tầm quản lý của Trường Năng khiếu nghiệp vụ với việc tập trung lực lượng gắn liền với sân bãi của giám đốc Năng được sự nhất trí cao của dân trong ngành. Anh giải thích: không có lý gì một trung tâm đào tạo lực lượng lại không có sân bãi để tập luyện và không phải chịu trách nhiệm về lực lượng do mình đào tạo.

Sự chồng chéo lâu nay giữa bộ máy quản lý (bộ môn) với lực lượng chuyên môn, đặc biệt là vai trò của hội đồng huấn luyện (như là cầu nối, “con độn”) dễ dẫn đến tình trạng: thành công là của chung còn thất bại thì không thuộc vê ai...

So với hồi làm phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH và bí thư Quận ủy quận 7, cuộc sống của anh đã bị xáo trộn rất nhiều. Tuy nhiên, công việc mới giống với công việc của thời gian làm cán bộ Đoàn (giám đốc Năng luôn tự hào về quãng thời gian gần 15 năm làm công tác Đoàn của mình). Cách làm của “kẻ ngoại đạo” đã tỏ ra có lý dù không phải dễ được chia sẻ.

Chiều 16-3, Sở Thể dục thể thao và Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn đã ký kết liên tịch về việc hỗ trợ nhà ở cho VĐV - HLV có nhiều đóng góp cho sự nghiệp thể thao TP.HCM đang gặp khó khăn về nhà ở.

Giám đốc Sở TDTT Nguyễn Hoàng Năng - người “chủ xị” chương trình này - cho biết trong năm 2005 sẽ giải quyết 10 căn hộ chung cư với giá giảm 30 - 40% so với giá thị trường. Bên cạnh đó, ngành thể thao còn tìm mượn nguồn vốn không lãi suất để người được mua có thể trả góp trong thời hạn năm năm.

Khi giám đốc Năng tham dự những buổi tọa đàm, góp ý của VĐV và phụ huynh các em, nhiều cán bộ quản lý cho rằng: “Đó không phải là việc của giám đốc, là giẫm chân lên công việc của các trưởng bộ môn”. Tuy nhiên, với các VĐV, gia đình của họ và nhất là các HLV, đó lại là sự tin cậy bởi có một giám đốc biết lắng nghe, biết thông hiểu.

Còn với riêng anh như anh nhận xét, những cuộc tiếp xúc này giúp anh có một nhận định chính xác hơn: thành tích của thể thao TP có được hay không không thể chỉ phụ thuộc vào sự đầu tư của ngành mà còn là tâm huyết của HLV và sự hợp tác không hề tính toán của gia đình VĐV.

Kết hợp với Viện Khoa học TDTT, cuối tháng 11-2004 nhóm VĐV năng khiếu taekwondo, judo đã được kiểm tra sức khỏe. Kết quả: ba VĐV không đủ điều kiện về sức khỏe để phát triển. Theo anh Năng, nếu không có sự kết hợp này, các VĐV sẽ tiếp tục lãng phí thời gian và tuổi trẻ của mình và ngành TDTT cũng tốn thêm ngân sách… Đây chỉ là một dẫn chứng về việc tuyển chọn, đầu tư sao cho phù hợp…

Dân trong làng thể thao còn thấy thú vị khi giám đốc Sở TDTT, thành viên trong ban trù bị SEA Games 2005, lại thẳng thắn phát biểu không cần lấy VĐV của TP về tham dự giải quốc gia khi họ đang tập huấn ở nước ngoài. Trong khi nhiều địa phương có VĐV đi tập huấn đều muốn VĐV của mình về thi đấu tại giải quốc gia để đoạt HCV cho địa phương thì giám đốc Năng lại cho rằng tại sao lại cần phải có thêm HCV quốc gia để bỏ dở việc tập huấn khi đích ngắm là HCV SEA Games?

pPKae8Sk.jpgPhóng to
Ngày 11-4, giám đốc Nguyễn Hoàng Năng đã bổ nhiệm hai gương mặt trẻ là tiến sĩ Chung Tấn Phong và cựu kiện tướng điền kinh - cử nhân TDTT Trần Duy Khâm vào vị trí chủ nhiệm hai môn thể thao một thời vang bóng của TP: bơi lội và điền kinh.

Trong cuộc trò chuyện, tôi có đề cập đến khoảng cách của thể thao TP.HCM so với Hà Nội, anh tỏ ra dứt khoát: “Tôi không thích cách so sánh này. Mỗi địa phương đều có thế mạnh và cách làm của mình, tại sao lại phải chọn nhau làm mục tiêu để vượt qua? Tôi thích cách cùng hợp tác, hỗ trợ để nhắm đến cái đích xa hơn là đoạt HCV ngoài quốc gia, khu vực”.

***

Chỉ mới bảy tháng làm giám đốc, theo anh Năng, công việc vẫn còn rất ngổn ngang. Tuy nhiên, tôi đã thật sự bất ngờ khi trả lời câu hỏi: “Điều anh trăn trở nhất lúc này là gì?”, anh đã nói: “Biện pháp chăm sóc cho VĐV sau khi kết thúc thời gian thi đấu!”.

Rồi như một lời tự tình, anh thổ lộ: “Cuộc đời VĐV còn ngắn hơn các nghệ sĩ và sau thời gian thi đấu với rất nhiều chấn thương, không phải ai cũng có may mắn hay khả năng để trở thành HLV. Sở TDTT hiện nay mới có chế độ hỗ trợ học phí cho các VĐV học đại học TDTT, nhưng còn các ngành khác?”.

Người ta có thể có cách nghĩ khác về anh giám đốc này. Có thể nói gì khi anh không chỉ lo về chuyên môn, về tổ chức mà còn bận tâm cả đến việc chỉ đạo cấp dưới của mình thương thuyết với Trung tâm Địa ốc Sài Gòn hay ngân hàng để VĐV có thể mua nhà giá thấp, mua nhà trả góp, anh còn lo tìm đến những trung tâm xuất khẩu lao động để giúp VĐV có thể có được một nghề mưu sinh sau khi giải nghệ?

Nhưng giám đốc Năng có cách nghĩ của mình: để vực dậy ưu thế của thể thao TP.HCM, quan trọng nhất vẫn là yếu tố con người.

HOÀI LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên