13/03/2005 11:18 GMT+7

"Ngô Khuê"

DƯƠNG THẾ HÙNG
DƯƠNG THẾ HÙNG

TTCN - Từ ba năm qua, nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bắt đầu để ý tới những bao lúa giống mang thương hiệu “Ngô Khuê” bán rộng rãi trên thị trường. Điều ít ai ngờ là thương hiệu lúa giống này từ đầu tới đuôi đều do một nông dân rặt làm ra.

5q6gHCki.jpgPhóng to

Mỗi bao được ghi rõ trọng lượng tịnh 50kg, nguồn gốc giống lúa, tên, địa chỉ, số điện thoại người và nơi sản xuất. Nhà ông Tư Khuê nằm ở miệt cù lao xã Tân Bình, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp). Tới đó phải qua một chuyến đò trên sông Tiền rồi đi tiếp cặp bờ sông 3km.

Trong gian nhà sàn rộng rãi, ông che một cái chái lợp tôn cao ráo dùng làm kho chứa. Cạnh chiếc máy rê lúa là một dãy bao lúa giống thành phẩm chất cao tới nóc nhà. Mùa thu hoạch đang rộ, từ tờ mờ sáng trước cửa nhà ông đã có nông dân khắp vùng tìm đến mua lúa giống cho vụ kế tiếp. Ông và vợ phải lăng xăng hết từ trên nhà xuống kho, vừa trả lời điện thoại vừa tiếp khách mua lúa. Lúa vô bao nào bán sạch bao nấy. Không riêng nông dân, các trung tâm giống tận miệt Sóc Trăng, Bạc Liêu cũng tìm đến mua, thậm chí đặt hàng trước 60 - 70 tấn giống cho vụ sau.

Tầm sư học đạo

IkbW4X0F.jpgPhóng to
Lúa giống Ngô Khuê được phơi khô ngay tại ruộng...

Năm 1995, Hội Nông dân huyện Thanh Bình phát động phong trào làm lúa giống, huyện bao tiêu để cung cấp bà con trong vùng. Thấy ông Tư Khuê làm ăn kỹ lưỡng, lúa bán lúc nào cũng ngon, sạch, đẹp, lại là nông dân cố cựu, sinh ra và lớn lên ở vùng này, Hội nông dân mời ông làm thử một vụ. Vốn tính “chịu chơi”, khoái phiêu lưu, thích đột phá, anh Tư nhận lời làm liền.

Tưởng ngon ăn, ai dè mới vô vụ đầu tiên lúa bị dịch cháy bìa lá “oánh” một trận tơi bời. Vụ đó lúa thất, chất lượng kém, lúa thịt còn hổng ma nào mua huống gì lúa giống, anh Tư giống như tướng thua trận. Sau mấy bữa đóng cửa ngồi nhà, anh chiêm nghiệm rồi rút ra bài học xương máu. Vừa trách ông trời, anh cũng tự trách mình còn non kinh nghiệm, chưa nắm bắt kỹ thuật gì nhiều. Cái nghề làm lúa giống không chỉ cần cù, siêng năng là đủ, mà cao hơn phải nắm bắt khoa học kỹ thuật.

Nghĩ vậy anh bắt đầu tầm sư học đạo. Người thầy đầu tiên anh tìm tới là kỹ sư Phan Xuân Lạc, trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Thanh Bình. Kỹ sư Lạc hướng dẫn anh cách chọn giống siêu nguyên chủng, kỹ thuật giữ hạt giống thuần đều. Điều đặc biệt quan trọng trong nghề làm lúa giống là không được để lúa lẫn, giống không thuần và lúc thu hoạch phải làm khô hạt trong thời gian nhanh nhất. Không được ủ lại mà phải phơi ngay trong vòng 24 giờ sau khi cắt để lúa đảm bảo khô, nảy mầm tốt. Ngoài ra còn phải tuân thủ qui trình kỹ thuật nghiêm ngặt, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chu đáo. Ví dụ như khi cấy mạ chỉ được cấy một tép thôi, nếu cấy hai tép coi như bỏ cả đám ruộng, chỉ lấy được lúa thịt mà không làm được giống.

cxPFlKy3.jpgPhóng to
... và chở ngay về nhà
Đem về nhà những bí quyết đó, anh Tư Khuê bắt tay làm lại từ đầu. Khi cấy lúa đích thân anh kiểm tra từng tép mạ, lúc bón phân, giữ mực nước, đích thân anh trực chiến trên đồng. Tới khi thu hoạch, lúa vừa suốt xong anh cho trải lưới phơi lúa ngay tại ruộng luôn, một việc làm trước nay không nông dân nào làm bởi vừa mất công xổ ra xổ vô, vừa phải ngủ lại tại ruộng để canh chừng. Sau đó, lúa chở vô nhà là rê sạch vô bao ngay, bất kể ngày đêm. Anh lý giải: “Làm như vậy mới giữ được hạt lúa luôn sạch đẹp, tỉ lệ nảy mầm cao. Chứ quăng lên quăng xuống bầm dập hết, hạt lúa sẽ kém chất lượng”.

Vụ đông xuân năm 1996 anh thu hoạch được 4,2 tấn lúa trên diện tích 7 công. Mời phòng kiểm định (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh) lên kiểm nghiệm, kết quả: lúa đạt yêu cầu làm giống. Anh mừng quá, coi như bước đầu thành công. Lúc đó lúa giống bán cao giá hơn lúa thịt 800đ/kg. Không chỉ vui vì có thêm lợi nhuận, anh còn vui vì có thêm tín nhiệm của bà con trong vùng. Sau vụ đó, hễ tới mùa là nông dân lại tìm đến Tư Khuê để mua lúa giống.

Làm thương hiệu

Năm 1997, anh tậu thêm ruộng đất và tiếp tục làm được 32 công. Tới mùa thu hoạch anh treo bảng hiệu “bán lúa giống” trước nhà để nhiều nông dân đi qua được biết. Thế nhưng một số anh em trong xã can ngăn, sợ anh làm vậy là vi phạm qui định, vì lúc đó chưa có pháp lệnh giống cây trồng, cá nhân không được kinh doanh buôn bán giống cây trồng. Anh đành liên kết với trại giống địa phương, “núp bóng” pháp nhân của trại này để làm lúa giống. Năm đó anh làm được gần 20 tấn lúa giống. Sau đó, cứ đều đều mỗi năm anh tích lũy thêm ruộng đất, năm nào cũng tăng lên 30 - 40 tấn giống cung cấp nông dân trong vùng.

Nhưng rồi có người thấy anh làm được lại nảy sinh lòng ganh tị. Một lần lúa mua từ nhà anh về, một nông dân ngâm ủ thế nào không biết, lúc gieo sạ không nảy mầm. Anh bị sỉ vả là bán giống dỏm, làm ăn không đàng hoàng... Anh tìm hiểu kỹ mới biết lúa không nảy mầm là do bác nông dân ngâm giống bằng một loại axit vi lượng. Điều này anh đã khuyến cáo trước đó rồi mà bác không nghe. Cũng may có phòng thẩm định giống chứng nhận anh mới thoát nạn.

Sau tai nạn đó anh mới nghĩ mình phải có tên riêng cho hạt giống để khỏi bị cạnh tranh. Nếu thật sự giống mình kém chất lượng thì nông dân cũng biết mò theo địa chỉ mà kiện. Nếu mình làm đúng mà bị phá thì cũng có “cái tên” làm chứng, rủi có ra hầu tòa thì có chứng nhận của cơ quan kiểm định hạt giống. Nghĩ vậy, anh lân la hỏi thăm cách làm thương hiệu...

vgjnONaZ.jpgPhóng to
Giao bán lúa giống cho khách hàng sau khi có giấy kiểm định
Năm 2001, Nhà nước cho ra đời nghị định 07 về việc cho phép tư nhân đăng ký kinh doanh sản xuất giống cây trồng. Được anh em kỹ sư mách bảo, anh đứng ra mở doanh nghiệp tư nhân sản xuất lúa giống chất lượng cao, lấy luôn tên mình là Ngô Khuê. Năm 2002 mọi thủ tục hoàn thành, nông dân Tư Khuê lúc này bước vào thương trường với cái tên mới: doanh nghiệp Ngô Khuê.

Hóa ra làm doanh nhân không dễ như người ta tưởng. Lúc này nhu cầu lúa giống ngày càng cao, không chỉ nông dân mà cả các trung tâm giống ở các tỉnh đều đăng ký đặt hàng với số lượng lớn, mỗi năm lên tới hai ba trăm tấn. Để đáp ứng nhu cầu này, anh buộc lòng phải mở rộng sản xuất. Muốn vậy phải có người làm, mà người đó phải giống như mình, tức phải có tay nghề, kỹ thuật “coi được”. Đặc biệt quan trọng là người đó cũng phải có vốn liếng, ruộng đất thuộc hàng kha khá.

Anh tập hợp một số bạn bè trong vùng, kể cả nông dân giỏi ngoài tỉnh như bên Chợ Mới (An Giang), thành lập tổ sản xuất giống lúa chất lượng cao. Muốn cho các thành viên nắm bắt kỹ thuật, anh liên hệ với Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam, Viện Lúa ĐBSCL, Viện Hệ thống canh tác khoa nông nghiệp (Đại học Cần Thơ) nhờ kỹ sư tổ chức các lớp tập huấn. Biết tiếng Tư Khuê từ những lần liên hệ tìm mua giống mới, các nhà khoa học sẵn lòng hỗ trợ. Thế là liên tục hai dự án đào tạo mang tên “Tăng cường kỹ năng chọn tạo giống lúa” và “Hợp phần sản xuất giống nông hộ” được tổ chức thực hiện, với sự phối hợp tài trợ của Tổ chức DANIDA (Đan Mạch) cùng các viện, trường và sở NN-PTNT tỉnh. Lớp FFS ra đời (Farmer Field School), 15 thành viên trong tổ của anh được cử đi học bài bản, thực tập trên ruộng rồi mới cho “tốt nghiệp”.

Với sự hợp tác của các thành viên, lúa giống Ngô Khuê tăng dần sản lựơng từ 100 tấn/năm 2002 lên 400 tấn năm 2004. Dự tính năm 2005 sẽ tăng lên 800 tấn. Hiện nay anh có hệ thống đại lý cung cấp giống ở năm tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng. Để đảm bảo giống đạt chất lượng cao, anh hợp đồng với phòng kiểm nghiệm (Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp) kiểm định nghiêm ngặt các lô hàng trước khi vô bao xuất xưởng. Về mặt kỹ thuật, bên cạnh anh luôn có hai kỹ sư, một cán bộ trung cấp, đặc biệt có sự cố vấn của tiến sĩ Phạm Văn Ro, nguyên trưởng phòng chọn tạo giống lúa (Viện Lúa ĐBSCL) để có “thắc mắc biết hỏi ai” liền.

Đầu năm 2005, nông dân 52 tuổi này đã nộp hồ sơ đến Sở Khoa học - công nghệ Đồng Tháp và Cục Sở hữu công nghiệp (Bộ KH-CN) để đăng ký thương hiệu “lúa giống Ngô Khuê”. Anh bộc lộ: “Lấy tên mình đặt tên thương hiệu để tự chịu trách nhiệm với nông dân về sản phẩm của mình, để không ai đổ thừa được ai”.

Nhận xét về Tư Khuê, tiến sĩ Bùi Chí Bửu - viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL - cho biết đây là một nông dân cầu tiến, chịu học hỏi, dám nghĩ dám làm. Các nước trên thế giới chỉ có tổ chức, tập đoàn, cơ quan, trạm trại mới đứng ra sản xuất giống lúa. Ở ta, một nông dân chịu đứng ra làm, mà làm có hiệu quả, cũng là chuyện lạ.

DƯƠNG THẾ HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên