14/04/2005 01:36 GMT+7

Bạn trẻ và... nhào lộn

Theo Người Lao Động 
Theo Người Lao Động 

Một dân “húi cua” trên tấm ván trượt lao nhanh với tốc độ chóng mặt bất ngờ nhấc cả người lên khỏi mặt đất lộn một vòng rồi đáp xuống nhẹ nhàng như chim khiến những người đứng xem vừa thót tim vừa vỗ tay khen ngợi.

xN7t1rCd.jpgPhóng to
Nhảy qua chướng ngại vật
Một dân “húi cua” trên tấm ván trượt lao nhanh với tốc độ chóng mặt bất ngờ nhấc cả người lên khỏi mặt đất lộn một vòng rồi đáp xuống nhẹ nhàng như chim khiến những người đứng xem vừa thót tim vừa vỗ tay khen ngợi.

Đó là một skater (từ tiếng Anh chỉ người trượt ván) chính hiệu. Cùng với phong trào breakdance, hip hop, thì trượt ván (skateboarding) đang ngày càng được giới trẻ yêu thích vì tính hấp dẫn của nó

Cứ chiều chiều, tại Công viên 23-9 hay sáng chủ nhật tại CLB Phan Đình Phùng lại xuất hiện nhiều bạn trẻ trong trang phục thể thao cùng tấm ván trượt để chuẩn bị cho một buổi “mướt mồ hôi”. Đó là các thành viên của nhóm Sài Gòn Skateboarding (SGS) rất được “dân trong nghề” mến mộ.

Cái khó ló cái may...

Tuy chỉ dùng được từ 3 đến 6 tháng tùy theo sức chơi của mỗi người nhưng một tấm ván trượt có giá từ 100 đến 150 USD. Quả là không rẻ đối với các thành viên đa số là học sinh và sinh viên. Bạn Tuấn Anh, sinh viên ĐH Mở - Bán công, cho biết: “Kiếm tiền đầu tư cho một tấm ván trượt là khó nhất.

Nhưng đã đam mê rồi thì phải cố gắng. Thường thì tụi em hay nhờ những người quen nếu có đi nước ngoài du lịch thì mua giùm hoặc bạn nào có người thân ở nước ngoài thì xin “viện trợ” cho một tấm ván”. Tại cửa hàng Rockshop trên đường Võ Thị Sáu hay một số cửa hàng bán dụng cụ thể thao khác ở TPHCM cũng có bán với giá cả mềm hơn nhưng thường là ván của Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan với chất lượng không bảo đảm.

“U đầu, sứt trán là chuyện thường ngày khi mới bắt đầu chơi” - bạn Thông Tuấn, học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến, kể lại giai đoạn ban đầu trở thành một skater như vậy. Đó là chưa kể do không kiểm soát được đường đi, tốc độ nên một skater thường phải có vài lần bồi thường vì làm bể, đổ vật dụng của người ta. “Bây giờ thì tụi em bắt đầu cảm thấy an toàn rồi” - Thông Tuấn cười rất tự tin.

Nhưng đó chưa phải là chuyện lớn. Bạn Thiện Phúc, trưởng nhóm SGS, kể về những khó khăn của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”: Những ngày bắt đầu chơi môn trượt ván là hết sức khó khăn vì không có người hướng dẫn cũng như không có sân tập. Những kỹ thuật, động tác đều phải tự mày mò nghiên cứu qua sách báo, video và lục lọi cả trên Internet. Chỉ một động tác nhấc ván lên khỏi mặt đất (ollie) đơn giản cũng mất vài tháng luyện tập.

Không gian rộng là yêu cầu tối thiểu cho trò chơi này nên việc tìm kiếm sân bãi cũng là điều nan giải. Nhờ sự “thương tình” của Ban Giám đốc Câu lạc bộ Phan Đình Phùng và Ban Quản lý Công viên 23-9 nên nhóm mới có một sân chơi tạm như thế này.

Rồi trong cái khó cũng ló cái may. Số là, chơi tại Công viên 23-9 - sát khu phố Tây ba lô - nhóm được gặp nhiều “dân trong nghề” đến từ các nước nên lại có thêm cơ hội giao lưu học hỏi. Chính các bạn nước ngoài đã truyền lại cho nhóm nhiều “tuyệt chiêu” như ollie 180o, đi bằng trục ván (fifty fifty), đi bằng bụng ván (boardslide), đi bằng mũi ván (noseslide)..., những kỹ thuật mà nhóm chưa hề biết đến. Khi về nước, họ còn tặng hoặc bán ván lại cho nhóm với giá rẻ.

Con gái cũng thích cảm giác mạnh

Nếu bạn bắt gặp những bóng hồng trên sân trượt thì cũng đừng ngạc nhiên. Chuyện này không có gì là ghê gớm cả vì con trai chơi được thì con gái cũng chơi được. Mai Hương và Hà Thu, học sinh Trường THPT Nguyễn Công Trứ, cho biết nguyên nhân vì sao lại đến với môn này: “Tình cờ đi ngang qua Công viên Gia Định, chợt thấy rồi tụi mình ghiền luôn”.

Với Thái Hùng Khanh, học sinh lớp 11 Trường THPT Nguyễn An Ninh, lại khác. Hùng Khanh bộc bạch: “Khi đứng trên ván trượt, tôi có một cảm giác rất phấn khích. Để thực hiện được một động tác thì phải khổ công luyện tập và khi bạn thực hiện thành công thì cảm giác rất vui sướng. Ván trượt giống như là một sự thử thách lòng dũng cảm và sự kiên nhẫn của mỗi người. Nhưng để có được cái cảm giác đó đôi khi cũng phải trả giá bằng những cú té đau điếng hay vài vết... sẹo làm kỷ niệm”.

Mong muốn một sân chơi

Thiện Phúc, trưởng nhóm SGS, bày tỏ mong muốn của mình: “Các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia có những giải X-Game để mọi người cùng trổ tài. Tại VN vẫn chưa hình thành nên một sân chơi cho các bạn mà vẫn còn mang tính tự phát”. Ngay tại Câu lạc bộ Phan Đình Phùng, các nhóm cũng đã cử đại diện đến gặp Ban Chủ nhiệm để xin phép được hình thành một sân chơi chính thức. Ông Đinh Tấn Be, đại diện Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Phan Đình Phùng, cho biết: “Đây là một môn thể thao lành mạnh, thu hút nhiều bạn trẻ. Chúng tôi đang nghiên cứu tài liệu, xin phép cấp trên cho kiến tạo một đường trượt chính quy, tạo ra một sân chơi lành mạnh cho các bạn trẻ”.

Nếu được như vậy, một sân chơi đúng nghĩa sẽ là một ước mơ không còn xa cho các bạn yêu thích cảm giác được nhào lộn trên không này.

Theo Người Lao Động 
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên