24/04/2005 07:20 GMT+7

Đêm nghe tiếng suối reo...

ĐẶNG NHẬT MINH (Tháng 4- 2005)
ĐẶNG NHẬT MINH (Tháng 4- 2005)

TTCN - Có những thành phố không có gì đặc sắc bỗng trở nên quyến rũ ta đôi khi chỉ vì một bài thơ, một ca khúc.

ejbptj5C.jpgPhóng to
Suối Lênin

Tôi nhớ lần đầu tiên đến Pleiku, đi lang thang trên những con phố nhỏ của thị xã, nhẩm hát một mình bài hát về phố núi: Phố núi cao phố núi đầy sương/ Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn/ Anh khách lạ đi lên đi xuống/ May mà có em, đời còn dễ thương/ Em Pleiku má đỏ môi hồng/ Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông...

Pleiku bỗng trở nên thơ mộng hẳn. Cao Bằng cũng có những con phố lên dốc xuống dốc như Pleiku và tôi, người khách lạ, cố tìm cho mình một dáng hình má đỏ môi hồng..

Có phải vì cầm tinh con hổ chăng mà lâu lâu không lên rừng, không nhìn thấy màu xanh của núi là tôi cảm thấy nhớ. Một nỗi nhớ nhung bồn chồn như có ai đang nhắc tên mình, đang chờ đợi mình…

Bởi vậy khi nhận được email của Đức cho biết sẽ về VN và sẽ lên Cao Bằng để làm một phóng sự truyền thanh, tôi lập tức ngỏ ý muốn đi theo. Đúng ngày giờ đã hẹn Đức đến đón. Vừa bước xuống xe Đức nói ngay: “Em dành cho anh một bất ngờ”. Tôi nhận ra nhà văn nữ Phạm Hải Anh đang ngồi trên xe. Tôi biết đến cái tên Phạm Hải Anh từ khi đọc một vài truyện ngắn của cô đăng trên báo. Tôi nhớ một vài chi tiết thú vị trong những truyện ngắn ấy, đặc biệt là cái giọng của người viết vừa lãng mạn vừa hóm hỉnh.

Tôi không biết gì nhiều về cô ngoài chuyện cô lấy chồng và sống ở Hà Lan. Nhưng gần đây cô đã trở về Hà Nội thuê nhà riêng, có ý định sống lâu dài ở VN... Còn Đức tôi quen trong chuyến đi Mỹ cuối năm ngoái. Anh là người tổ chức các buổi chiếu phim, tiếp xúc của tôi với khán giả trong những ngày ở Cali. Đức đi di tản từ năm 1975, một thời gian làm việc trong các trại của người vượt biên ở Thái Lan, rồi làm phóng viên cho Đài BBC trước khi sang Mỹ làm cho một đài phát thanh về cộng đồng châu Á.

Cha anh là một quan chức cao cấp trong chính quyền Sài Gòn, bị bắt năm Mậu Thân ở Huế rồi bị đưa ra Bắc cải tạo suốt 12 năm trước khi sang Mỹ đoàn tụ với gia đình. Đức là người Huế đồng hương với tôi, nên vừa mới gặp nhau chúng tôi có cảm tưởng như thân quen đã lâu.

BL3gvGdI.jpgPhóng to
Bên sông Bằng Giang
Cuộc đời của con người là một chuỗi những sự tình cờ. Nếu ngày đó ở bên Nhật, cha tôi không tình cờ đọc được lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh để rồi từ bỏ tất cả công việc nghiên cứu khoa học, trở về nước tham gia kháng chiến thì cuộc đời tôi bây giờ đã đi theo một hướng khác.

Chắc chắn tôi sẽ là một Việt kiều sống và làm việc ở Nhật (cha tôi trước đó đã làm giấy tờ để đưa mấy mẹ con tôi sang Nhật). Lúc đó tôi chẳng khác gì Đức. Tôi từng nói đùa với Đức: tôi là Việt kiều sống ở trong nước.

Xe rời Hà Nội khá lâu mà vẫn chưa thấy màu xanh của ruộng đồng. Nhà cửa hai bên đường san sát liền nhau không một kẽ hở. Cái thấp cái cao lô nhô như một đoàn quân ô hợp ai có gì mặc nấy. Kiến trúc các đô thị thời đổi mới là một đề tài có thể bàn vô tận.

Nhưng rồi những dãy núi lam mờ đã bắt đầu thấp thoáng ở chân trời. Màu lam ấy làm tôi cảm thấy ấm lòng. Nó gợi nhớ tới bếp lửa hồng trong những đêm Việt Bắc giá lạnh bên những người thân trong gia đình khi còn đông đủ chưa mất một ai. Ngày ấy đã xa rồi....

Mấy ngày trước tôi có được nghe thiền sư Thích Nhất Hạnh thuyết pháp. Tôi lĩnh hội được rằng: Quá khứ đã đi qua. Tương lai thì chưa tới. Không bị giam hãm trong quá khứ, không bị lôi kéo bởi tương lai; hãy an trú trong hiện tại vì chỉ có hiện tại mới có sự sống. Vâng, tôi đang tập sống trọn vẹn trong từng sát na của hiện tại. Nhưng ký ức không phải là quá khứ, nó là một phần của hiện tại. Hiện tại đối với tôi bây giờ là tiếng động cơ của ôtô lăn bánh trên con đường lên dốc xuống đèo quanh co ven những sườn núi cùng những ký ức miên man trong đầu.

Chẳng mấy chốc xe đã tới Bắc Kạn. Hải Anh thích thú nhận ra trên tấm biển đề tên thành phố chữ Kạn viết bằng K. Nghe nói xưa kia đây là một thành phố xinh xắn do người Pháp xây với những dãy phố buôn bán khá sầm uất cùng những biệt thự kiến trúc kiểu châu Âu. Nhưng nay không hề còn một dấu vết gì dù chỉ là một nền nhà hoang. Vậy mà nơi heo hút này năm 1947 lính Pháp đã bất ngờ nhảy dù để mong tóm gọn Chính phủ kháng chiến non trẻ mới tròn một tuổi. Dĩ nhiên điều đó đã không thành và Bắc Kạn đã bị tiêu thổ đến từng viên gạch.

Ngồi trong quán ăn ở Bắc Kạn nhìn ra thành phố vắng vẻ đìu hiu, thấy quả không gì buồn bằng những buổi trưa ở tỉnh lẻ. Tôi bỗng nhớ hai câu thơ của Yến Lan: Tỉnh lẻ. Trưa hè. Cô em nằm đọc truyện kiếm hiệp… Đấy là thời xưa. Thời bây giờ các cô em tỉnh lẻ ngồi xem phim truyền hình nhiều tập của Hàn Quốc cả trưa lẫn tối.

WRQy3WCL.jpgPhóng to
Bà Dương Thị Bảy, người từng đưa cơm cho Bác Hồ năm 1941 ở Pắc Bó
Rời Bắc Kạn chúng tôi đi tiếp lên Cao Bằng. Đường lên đèo Gió gập ghềnh, đầy ổ gà, xe đi chậm qua những khúc cua tay áo. Nhìn lại sau lưng, con đường vừa đi qua như một sợi chỉ vắt hờ giữa đồi núi chập chùng. Những vạt núi được xẻ như những nhát cắt gọn gàng dứt khoát, tạo thành những mảng màu nâu, đỏ gạch trên nền xanh của núi rừng hệt như trong những bức tranh ấn tượng.

Càng lên cao không khí càng nhẹ tênh. Đã cảm thấy trong không gian hương vị lâng lâng của miền núi. Cao Bằng hiện ra xinh xắn, sạch sẽ, tinh khiết. Ở đây chẳng có gì để ô nhiễm. Xe cộ thưa thớt, không có nhà máy, không có công trường, không khí trong vắt. Tuấn Anh, cán bộ của Trung tâm báo chí Bộ Ngoại giao, đưa Đức đến gặp các quan chức địa phương để phỏng vấn. Tôi và Hải Anh không có trách nhiệm gì ngoài việc tùy nghi tham quan thành phố. Sông Bằng Giang mùa này nước cạn, giữa dòng sông nhô lên những bãi đá.

mEZi5c10.jpgPhóng to
Phong cảnh Pắc Bó
Chúng tôi thả bộ theo con phố ven sông, đi dọc theo một dãy chợ bán đủ thứ nông sản địa phương từ thịt, cá, gà vịt cho đến rau, măng và lá dại hiến xanh ngắt mọc trên núi đá được coi là một đặc sản của Cao Bằng. Hải Anh chụp ảnh liền tay vì máy của cô là máy digital, không sợ tốn phim.

Tôi chỉ cho cô chụp một tấm biển treo ở chợ với dòng chữ: “Mổ gà vịt chó mèo cáo rắn”, và một ngườì đàn ông cởi trần ngồi dưới tấm biển đang đợi khách. Tôi bỗng nhớ tới cô bạn gái ăn chay đã năm năm nay. Cô luôn khuyên tôi nên ăn chay, trước hết để tăng cường sức khỏe vì theo cô người ăn chay bao giờ cũng khỏe hơn ngườì ăn thịt, kể cả trong chuyện sinh lý. Bây giờ thì tôi sẽ cố gắng thực hiện lời khuyên đó.

Trong khi Đức đang tiệc tùng với các quan chức địa phương thì tôi và Hải Anh ngồi trong quán cơm bình dân ven sông với hai suất ăn giá 19.000 đồng. Đi ba cuốc xe ôm mất 10.000 đồng. Ở đây cái gì cũng rẻ vì không ai có nhiều tiền. Tổng thu nhập của cả tỉnh nghe đâu rất thấp nên nạn tham nhũng chắc không trầm trọng. Mãi đến chiều tối Đức mới xong việc.

Cả đoàn lên xe đi Pắc Bó để ngủ một đêm ở nhà sàn theo đề nghị của tôi từ Hà Nội. Từ lâu tôi ao ước được ngủ một đêm trong nhà sàn như ngày nào trên Việt Bắc. Đường từ Cao Bằng lên Pắc Bó không xa, chỉ 70km, dễ đi. Gần hai tiếng sau, chúng tôi đã nghe văng vẳng bên tai tiếng suối reo. Một âm thanh xao động nhưng thật dễ chịu.

Pắc Bó chưa phải là một địa điểm du lịch với đầy đủ tiện nghi. Tìm được một ngôi nhà sàn để ngủ trọ qua đêm là một việc khó, nhưng cuối cùng rồi cũng liên hệ được. Chủ nhà là anh Mạc Văn Lung, có mẹ là bà Dương Thị Bảy năm nay 87 tuổi, từng đưa cơm cho Ké Thu (tức Bác Hồ) khi Người từ Trung Quốc về Pắc Bó năm 1941. Chị vợ anh Lung thu xếp chỗ ngủ cho chúng tôi song không quên báo trước rằng nhà có mùi hôi vì chuồng trâu bò ở ngay dưới sàn.

Nhớ có lần ngồi trên ôtô đi ngang qua một cánh đồng ở Thụy Sĩ, tôi chợt nhận ra một mùi quen thuộc của quê hương. Anh Dung, một Việt kiều, cho biết ở Thụy Sĩ có những vùng người ta cấm bón phân hóa học, chỉ cho dùng phân hữu cơ. Đêm nay tôi sẽ được hít thở mùi vị của quê hương. Đối với tôi tất cả rồi sẽ là những kỷ niệm. Chỉ thương Hải Anh chắc sẽ chịu một đêm mất ngủ.

Anh Lung tuổi trên 50, vui tính, uống rượu như uống nước lã. Anh cho biết người Cao Bằng mời rượu cả chum, mời quả cả cây, phải hết lòng với nhau. Rượu vào lời ra, anh nói nhiều nhưng nói về bản thân và gia đình rất hạn chế. Câu quen thuộc của anh là: “Nói ra lại bảo là nói ra... thôi không nói nữa”. Nhưng rồi sau một hồi cụng ly, không cần ai hỏi anh thủng thẳng kể hết về mình.

Hóa ra anh vốn là bộ đội sư 316, trưa 30-4-1975 đã có mặt ở dinh Độc Lập; con gái đầu học sư phạm Anh văn năm cuối ở Hà Nội, được bầu là sinh viên xuất sắc năm 2004; con gái sau đang học lớp 12. Năm 1961 Bác Hồ lên thăm Pắc Bó có đến thăm mẹ anh, chụp ảnh chung tại nhà. Anh cho xem bức ảnh đen trắng treo trên tường, chỉ mẹ mình trong ảnh.

Rồi anh Lung tiết lộ gốc gác của mình là người Kinh, họ Mạc ở Hưng Yên, có về thăm nhà thờ tổ mấy lần. Anh đặc biệt cảm tình với Hải Anh. Trước mỗi câu hỏi của cô anh đều trả lời rất galăng: “Em đã hỏi như vậy thì anh xin nói thế này…”. Người miền núi thời đổi mới có khác. Nay mai mảnh đất này biến thành địa điểm du lịch chắc họ còn khác nữa. Khi vừa đến tôi đã thấy mấy chiếc máy xúc đang san nền để xây khách sạn ba sao Pắc Bó.

Đêm đó, mệt vì đường xa nên đặt lưng xuống giường là tôi thiếp ngay. Đức còn vác máy đi thu tiếng suối, tiếng chim cho phóng sự của mình. Gần sáng tỉnh giấc tôi vẫn không thấy Đức. Tôi biết đêm nay Đức không ngủ được. Hẳn là anh đang cố hình dung trong đầu 12 năm dài đằng đẵng của cha mình ở một trại cải tạo nào đó trong rừng sâu, nơi cũng có tiếng suối reo, chim hót như ở đây. Còn tôi, tôi nhớ tới con ngòi Quẵng ở an toàn khu Chiêm Hóa trên Tuyên Quang, nơi gia đình tôi sống suốt những năm kháng chiến lần thứ nhất cho đến khi hòa bình lập lại về tiếp quản thủ đô. Nhưng lần về đó không có mẹ tôi.

Bà đã nằm lại mãi mãi với núi rừng. Ở đó cũng có tiếng chim hót, suối reo... Cùng một quê hương nhưng mỗi người VN có một số phận, một quá khứ không ai giống ai. Quá khứ đã qua, tương lai chưa tới. Hãy an trú trong hiện tại vì hiện tại mới có sự sống. Hiện tại là đêm nay tôi và Đức, những người có những số phận rất khác nhau đang cùng nằm bên dòng suối Lênin, dưới chân núi Các Mác, nơi khởi nguồn của bao buồn vui trong suốt 60 năm qua.

Hải Anh còn quá trẻ để mà thao thức. Không biết cô có mất ngủ vì mùi phân chuồng bốc lên từ dưới nhà sàn? Hay cô đang nhớ tới căn nhà xinh xắn của mình bên giòng kênh ở Amsterdam? Thành phố đó tôi đã đến một lần. Ân tượng còn đọng mãi trong tôi là đôi mắt mở to của cô gái Do Thái Anna Frank.

Tôi đã đứng rất lâu trên căn gác xép nơi gia đình cô trốn, nhìn qua chiếc cửa sổ áp mái khoảng trời xanh trên đầu, cố hình dung tâm trạng của cô gái vừa mới lớn bị giam hãm đang nhìn cuộc đời bên ngoài với biết bao ước vọng đẹp đẽ. Từ lâu tôi đã nhận ra rằng con người thật nhỏ bé, bất lực trước cái ác. Vũ khí của họ chỉ là cái thiện trong tâm hồn hay còn gọi là thiện căn như Nguyễn Du từng nói.

Trong một lần thiền sư Nhất Hạnh thuyết pháp tại Viện Goethe ở Hà Nội, một cô gái rất trẻ đã hỏi thầy một câu thật nan giải: “Thưa thầy, tại sao những người lương thiện trên đời lại hay gặp rủi ro, bất hạnh?” - Đó là nghịch lý của đời sống. Ây vậy mà con người vẫn tin vào lẽ công bằng của trời đất và như Trịnh Công Sơn đã từng viết: “Tôi yêu cuộc đời này bằng nỗi lòng của tên tuyệt vọng”. Cô bé Anna Frank chẳng đã yêu cuộc đời bằng nỗi lòng của kẻ bị săn đuổi đến tuyệt vọng đó sao? Giáo hoàng John Paul II chẳng phải là người tuyệt vọng đó sao?

Hàng triệu người tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng trên quảng trường ở Rome ngày 8-4-2005 chẳng phải là đám đông tuyệt vọng đó sao? Thiền sư Thích Nhất Hạnh cùng tăng đoàn Làng Mai, nam có nữ có, Tây có ta có, chẳng phải là những kẻ tuyệt vọng đó sao? Cứ tuyệt vọng đi rồi sẽ thấy tuyệt vọng cũng có một sức mạnh ghê gớm.

Hãy nhìn vào đôi mắt của Anna Frank để thấy sức mạnh đó như thế nào. Đôi mắt ấy trong suốt bao nhiêu năm qua đã cho tôi nghị lực để có thể trong những lúc nản lòng nhất vẫn nói “không” với cái ác. Đôi mắt ấy còn gợi tôi nhớ tới đôi mắt em gái tôi, cũng mất sớm ở tuổi đôi mươi. Nó cũng có một đôi mắt thật to, thật trong sáng và thánh thiện.

Sáng ra anh Lung đích thân hướng dẫn chúng tôi vào thăm suối Lênin, núi Các Mác. Con suối trong vắt, xanh như nước sông Hương những ngày đẹp trời. Con đường trải đá dọc theo bờ suối đưa du khách đến một hang sâu. Bác Hồ từng ở tại đây một tháng sau khi vượt biên giới trở về nước. Bên bờ suối còn chiếc bàn đá nơi Bác từng ngồi dịch lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô. Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng. Cuộc đời cách mạng thật là sang...

Khung cảnh vô cùng thơ mộng làm tôi chợt nhớ một bài hát của Văn Cao: Dìu nhau nơi góc suối nơi ven rừng/ Còn thấy chim ghen lời âu yếm/ Đến đây chim thấy lòng ngập ngừng/ Mắt ai như dáng thuyền soi nước/ Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân... Dù vật đổi sao dời, những giai điệu ấy vẫn sống mãi với thời gian.

Trước khi chúng tôi rời Pắc Bó, anh Lung vui vẻ nhận tiền trọ 200.000 đồng, không quên yêu cầu thêm 50.000 đồng nữa tiền hướng dẫn tham quan. Chúng tôi chia tay với người đầu nguồn thời kinh tế thị trường. Anh tỏ ra lưu luyến đặc biệt với Hải Anh. Trở về lại Cao Bằng chúng tôi đi tiếp lên cửa khẩu biên giới Tà Lùng. Cũng một quãng đường dài 70km nhưng phong cảnh ngoạn mục hơn đường đi Pắc Bó. Mây mù bao phủ khắp núi rừng.

Một vài làng bản thưa thớt thấp thoáng dưới thung lũng trong sương mờ. Chúng là hiện thân của cô đơn và hiu quạnh. Không gì hoang mang cho bằng lạc lối giữa chốn này trong những buổi chiều mù sương khi bốn bề không thấy le lói một ánh lửa. Qua cánh nương chiều ai đi cho mau sớm về... Tôi nhớ một câu hát trong những ngày còn ở Việt Bắc.

Thì ra Tà Lùng chính là Thủy khẩu, cửa ngõ biên giới duy nhất thông thương với Trung Quốc sau chiến dịch giải phóng Cao Bắc Lạng. Năm 1951, le petit bonne home (thằng bé) là tôi đã từng bước qua con sông biên giới này để sang nước bạn học. Bên kia sông, các chiến sĩ giải phóng quân Trung Quốc bế chúng tôi lên những chiếc xe tải Molotova để đưa đến Nam Ninh. Bao lâu nay tôi vẫn tìm nó, nào ngờ bây giờ tôi đang đứng đây. Một sự tình cờ thật kỳ diệu.

Trên lãnh thổ VN ngay sát cửa khẩu, người ta đang xây một casino với vốn đầu tư của Trung Quốc dự định sẽ khánh thành vào cuối năm 2005. Người dân biên giới ở hai nước được tự do qua lại trong vòng 12 tiếng đồng hồ chỉ cần trình sổ thông hành. Theo ông giám đốc cửa khẩu, buôn lậu qua biên giới là chuyện không sao kiểm soát nổi. Bọn buôn lậu dù ở đâu tới cũng phải dựa vào dân địa phương, mà dân địa phương thì cứ có ai trả tiền là trèo núi băng rừng gùi hàng trên vai chẳng hề quản ngại.

Ông nói thật chí lý: chừng nào không có công ăn việc làm cho họ thì buôn lậu vẫn còn đất sống. Ông giám đốc người dân tộc Nùng, từng đánh nhau với Trung Quốc năm 1979 ở Lạng Sơn nay hằng ngày thân mật tiếp các bạn bên Trung Quốc sang. Ông cho biết ngay cả họ cũng không sao hiểu nổi tại sao lại có cuộc chiến tranh ấy.

Nó có vẻ kỳ quặc, phi lý như chưa từng xảy ra, nhưng những nghĩa trang dọc hai bên biên giới minh chứng điều đó là có thật. Đức được nhờ về bên Mỹ kêu gọi đầu tư. Ai cũng ước mơ có được một khu kinh tế với vốn đầu tư nước ngoài ở chốn biên cương heo hút này. Ước mơ xem ra còn xa vời lắm, chỉ có cái casino là chắc chắn sắp trở thành hiện thực.

Trở về Hà Nội, chúng tôi không lấy đường cũ mà rẽ sang đường 4 qua Đông Khê, Thất Khê, Na Sầm... để tới Lạng Sơn. Đến Đông Khê, chúng tôi dừng xe uống cà phê trong một quán ven đường. Nơi đây 55 năm trước đã nổ phát súng đầu tiên mở màn cho chiến dịch biên giới. Đức tranh thủ bật máy ghi âm phỏng vấn tôi về ngày 30-4-1975.

Một sáng kiến hay: ngồi tại nơi từng diễn ra chiến dịch đầu tiên để kể những kỷ niệm về chiến dịch cuối cùng. Giữa hai chiến dịch đó là một chặng đường 25 năm với biết bao xương máu. Chẳng biết tôi đã nói những gì làm Hải Anh ngồi bên cạnh chăm chú lắng nghe rồi khen hay.

Hẳn điều gì tôi kể đối với cô cũng đều lạ bởi vì đêm 30-4 năm ấy, khi tôi đang quay phim trong dinh Độc Lập thì nữ văn sĩ Phạm Hải Anh mới lên năm, đang ngủ vùi trong lòng mẹ ở Hà Nội. Về chuyện đi làm phim trong chiến dịch Hồ Chí Minh tôi đã viết nhiều trên báo, nhưng có một chi tiết đến hôm nay mới sực nhớ ra.

Đêm ấy tôi vào một căn phòng dưới tầng trệt của dinh Độc Lập, nơi chất đầy những con búp bê. Tôi chọn một con búp bê thật đẹp coi như chiến lợi phẩm đem về làm quà cho con gái. Món quà ấy con gái tôi chắc đã quên từ lâu. Con búp bê quí giá nhất đối với nó bây giờ là đứa con trai xinh xắn đầu lòng vừa mới sinh được tám tháng.

Xe lại tiếp tục lăn bánh trên đường số 4. Tôi nhớ tới người lính già Đặng Văn Việt, từng được mệnh danh là con hùm xám đường 4. Ông có tặng tôi cuốn hồi ký thật cảm động. Cuộc đời ông là một chuỗi những thăng trầm gian truân của một thanh niên xuất thân từ một gia đình quan lại phong kiến đi theo cách mạng.

Từng là trung đoàn trưởng trung đoàn 174 với những trận đánh oanh liệt trong chiến dịch Cao Bắc Lạng, phải xuất ngũ chuyển ngành rất sớm, lúc về hưu khó khăn có lúc đạp xe đi bán rau ở chợ. Nhưng rồi nghị lực của một con người có bản lĩnh, có văn hóa đã giúp ông vượt lên tất cả mọi thách thức của số phận. Tôi kính phục ông ở cái nghị lực đó không kém gì những chiến tích của ông trên đường 4.

Trời tối dần. Chẳng mấy chốc xe ra tới quốc lộ 1B. Hà Nội coi như đã ở trong tầm tay mặc dù phía trước còn gần 200km. Quá khứ đã qua... tương lai chưa tới... chỉ có hiện tại cùng những ký ức...

ĐẶNG NHẬT MINH (Tháng 4- 2005)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên