20/04/2005 06:04 GMT+7

Cuốn nhật ký thời hậu chiến của một cựu chiến binh

Bài & ảnh: XUÂN ĐÔNG - CHÍ HIẾU
Bài & ảnh: XUÂN ĐÔNG - CHÍ HIẾU

TT - Từ Thái Bình vào chiến trường miền tây Thanh - Nghệ - Tĩnh, chiến trường đường 9 Nam Lào, rồi lên với chiến trường Tây nguyên, qua chiến trường Đông Nam bộ..., đó là hành trình được ghi trong cuốn nhật ký tìm đồng đội của người cựu chiến binh tuổi đã thất thập.

Cuộc thi Ký sự nhân vật 2005

w9iLNoER.jpgPhóng to
Ông Thuấn đang kể về hành trình 10 năm đi tìm đồng đội của mình
TT - Từ Thái Bình vào chiến trường miền tây Thanh - Nghệ - Tĩnh, chiến trường đường 9 Nam Lào, rồi lên với chiến trường Tây nguyên, qua chiến trường Đông Nam bộ..., đó là hành trình được ghi trong cuốn nhật ký tìm đồng đội của người cựu chiến binh tuổi đã thất thập.

10 năm ròng với chiếc ba lô con cóc và chiếc xe đạp cũ nát, ông đã lặng lẽ qua không biết bao nhiêu dặm đường để thu thập thông tin về mộ phần của liệt sĩ.

25 năm rồi bạn vẫn nơi đâu…

Ông là Lê Quang Thuấn - người nông dân quê lúa đã từng hai lần tham gia quân ngũ. Bật khóc như một đứa trẻ, ông xúc động kể về trận đánh hồi năm 1967 ở chiến trường Nam Lào. Trận ấy đơn vị ông nhiều người phải nằm lại trên đất bạn, trong đó có anh Nguyễn Văn Hội quê Hưng Yên.

25 năm sau ông Thuấn mới có dịp tìm về quê đồng đội, mong thắp lên mộ bạn một nén hương, nhưng khi đến gia đình liệt sĩ Hội mới hay đến giờ gia đình chỉ biết giỗ anh theo ngày ghi trên giấy báo tử. Còn anh hi sinh ra sao, mộ anh giờ nơi nào gia đình cũng chưa rõ!Trở về nhà, hình ảnh anh Hội và đôi mắt buồn rầu của những người thân trong gia đình anh cứ ám ảnh ông mãi. Ký ức về những năm tháng chiến tranh sống dậy mãnh liệt. Thế là ông tự hứa với lòng mình: phải tìm cho được hài cốt đồng đội để đưa anh về với quê hương.Ngày ấy nhà ông Thuấn quá nghèo. Hai vợ chồng già, ba đứa con chỉ trông chờ vào 2 sào ruộng khoán. Ăn còn phải chạy từng bữa nói chi đến chuyện đi xa!

Nhưng ông vẫn âm thầm nuôi ý định đi tìm đồng đội của mình. Mãi đến năm 1995, khi các con trưởng thành ra ở riêng, ông mới có điều kiện để bắt đầu nghĩa cử thiêng liêng ấy.

Cuộc hành trình thầm lặng

“Hồi ấy tôi cứ nghĩ đơn giản, mình đi tìm hài cốt đồng đội là việc tốt chắc đến đâu cũng sẽ được mọi người giúp đỡ. Nhưng… - ông Thuấn trầm ngâm giây lát - hành trình ấy cũng thật lắm gian nan!

Lần vào nghĩa trang Anh Sơn (Nghệ An), đang ghi chép thông tin thì tôi bị quản trang giữ lại, kiểm tra giấy tờ rồi đuổi không cho ghi tiếp. Họ còn dọa sẽ cho dân quân nhốt lại nếu không rời khỏi nghĩa trang. Khi đó tôi buồn và nản vô cùng.

Nhưng trấn tĩnh lại, tôi hiểu chính quyền địa phương cũng có cái khó của họ. Nhất là khi nghe tin có kẻ lợi dụng danh nghĩa đi tìm hài cốt liệt sĩ để trục lợi tôi mới thấm thía! Thì ra ranh giới giữa cái tốt và cái xấu thật mong manh”.Sau lần ấy, trở về địa phương ông Thuấn chạy từ xã lên tỉnh xin giấy chứng nhận đi tìm hài cốt liệt sĩ nhưng không nơi nào đồng ý vì gia đình ông không thuộc diện gia đình liệt sĩ. Cuối cùng ông cũng xin được của xã tờ giấy giới thiệu “đi tìm hài cốt đồng đội”.Có giấy giới thiệu trong tay, cùng số tiền 700.000đ gom góp từ hai cây táo, từ nhặt sắt vụn, đến cả tiền bà nhà nhọc nhằn mót lúa, năm 1996 ông bắt đầu hành trình xuyên Việt của mình.Và cuốn nhật ký tìm đồng đội của ông cứ dày dần lên theo những chuyến đi.

Ngày 14-3, nghĩa trang Bá Thước, Thanh Hóa: thông tin về 384 mộ liệt sĩ.Ngày… nghĩa trang Anh Sơn, Nghệ An…Ngày… nghĩa trang TP Buôn Ma Thuột…Ông bảo: “Có được thông tin về các anh rồi tôi bắt đầu xếp theo từng địa phương, rồi đối chiếu, dịch chuyển. Sau đó báo về cho người nhà các anh”. Nhưng không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.

Ông kể tiếp: “Đã 30 năm rồi, người ta chia tỉnh, đổi tên đơn vị hành chính nhiều nên có khi báo 2-3 lần mà không thấy thư hồi âm. Như trường hợp liệt sĩ Nguyễn Văn Cát (an nghỉ tại nghĩa trang Bá Thước, Thanh Hóa), quê ở Chợ Đông, Bắc Thái. Sau này mới biết là Chợ Đồn, Bắc Cạn”. Thế là ông lại kỳ công đi sưu tập tên của hơn 10.000 làng xã trên cả nước.

Người “giao liên” già và những lá thư “kết bạn”

Mười năm ròng ông Thuấn làm việc không biết mệt mỏi như một người giao liên cho các liệt sĩ đã hi sinh vì Tổ quốc. Hơn 7.000 gia đình liệt sĩ nhờ ông đã tìm được mộ phần người thân.

Năm nay ông đã bước sang cái tuổi 67, sức khỏe giảm sút, thỉnh thoảng lại đau ốm làm ông không thể đi tiếp được nữa. Nhưng không chịu ngồi yên. Ông nghĩ ra cách viết thư “kết bạn” khắp mọi nơi. Đến khi thân quen rồi mới nhờ họ ra nghĩa trang địa phương chép toàn bộ thông tin về các liệt sĩ an nghỉ ở đó.

Nhờ những bức thư như thế mà đến bây giờ ông Thuấn đã có thông tin của hơn 10.000 mộ liệt sĩ. Nhưng xung quanh những lá thư kết bạn ấy cũng có lắm chuyện cười ra nước mắt!Có dạo người làng cứ xì xào chuyện “lão Thuấn con cháu đề huề rồi mà còn thích cưa sừng làm nghé”. Ông bảo: “Cũng phải thôi, vì một lão già như tôi mà mỗi ngày nhận gần 50 lá thư kết bạn, người ta không xì xào mới lạ!”.Căn nhà nhỏ chưa đầy 20m2 của ông Thuấn ở thôn Đông Hạ, xã Vũ Phúc, TP Thái Bình tuềnh toàng chẳng có gì ngoài một chiếc tivi nhỏ, chiếc đài pin con và chiếc giường cũ nát bên trên là rất nhiều tập giấy vở.

Ai đến nhà ông lần đầu cũng tưởng trong nhà có con hay cháu học đại học. Nhưng tất cả đều chỉ là sổ ghi chép thông tin về mộ liệt sĩ của ông. Ông Thuấn tâm sự: “Mỗi ngày gửi ít nhất chục bức thư báo tin cho gia đình liệt sĩ. Trước đây tem chỉ có 400đ, bây giờ lên đến 800đ nên nhiều khi không biết lấy tiền đâu mua”.

Vậy là ông bàn với bà nhà tiết kiệm mọi khoản chi tiêu. Nhà có điện đấy nhưng hai ông bà dùng đèn dầu cho đỡ tốn. Trong nhà có chiếc bóng điện duy nhất thì được lắp ngay trên giường ông nằm.

Công tắc điện cũng để ngay đầu giường. Ông bảo như thế “tác chiến” nhanh hơn. Đêm nằm nghe đài thấy thông tin về mộ liệt sĩ ở đâu là ông vùng dậy bật đèn chép ngay lại.Nhìn ông già gầy guộc, hom hem, đôi gò má nhô cao, đen sạm, hai bàn tay chai sạn của một lão nông cả đời vất vả, mấy ai ngờ rằng ông có thể làm được điều kỳ diệu vậy! Ông cười: “Đôi khi nhìn lại hành trình của mình, tôi cũng không ngờ đôi chân tôi lại dẻo dai đến thế!”.Ấy là ông nói thế. Còn tôi, tôi biết sức mạnh nào đã giúp ông làm được công việc thiêng liêng, thấm đẫm tình đồng chí, tình người ấy. Ngày ngày từ căn nhà nhỏ của ông, những lá thư vẫn bay đi khắp mọi miền...

Bài & ảnh: XUÂN ĐÔNG - CHÍ HIẾU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên