08/09/2006 06:32 GMT+7

Tình mẫu tử mong manh

YẾN TRINH
YẾN TRINH

TT - Giận chồng: bỏ con! Nghèo khổ: bỏ con! Con dị tật nhẹ: cũng bỏ! Nhiều trẻ thơ vô tội gánh chịu bao oan nghiệt do người lớn gây ra.

26fuRcae.jpgPhóng to
Một em bé bệnh vàng da bị cha mẹ bỏ rơi ở BV Từ Dũ - Ảnh: Y.T.
TT - Giận chồng: bỏ con! Nghèo khổ: bỏ con! Con dị tật nhẹ: cũng bỏ! Nhiều trẻ thơ vô tội gánh chịu bao oan nghiệt do người lớn gây ra.

Kỳ 1: Tiếng khóc “con hoang”

Muốn bỏ là bỏ!

17 tuổi, N.N.M. mang thai với bạn trai cũng chỉ mới 18 tuổi. Khi phát hiện, gia đình đành lòng chấp nhận tổ chức một lễ hỏi. Lúc thai bảy tháng, có lần hai vợ chồng trẻ gây gổ to tiếng, M. quyết định “giết” con từ trong bụng để hù dọa chồng. Trong khi gia đình không hề hay biết, cô đi phá thai. Phá ra, đứa bé không chết! Quá hoảng sợ, M. trốn biệt xứ. Em bé sinh non tháng được chuyển đến BV Nhi Đồng 1 (TP.HCM) trong tình trạng sức khỏe yếu.

Những câu chuyện “thúc” sinh sớm, sinh non mới nghe ai cũng cảm thấy nhức nhối. Nguyên nhân thường do người mẹ không chồng biết có thai khi đã quá muộn hoặc vì mâu thuẫn gia đình. Mới đây, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận điều trị một trẻ sinh non tháng là kết quả của một mối tình vụng trộm. Khi thai được tám tháng, người mẹ vì giận chồng nên đã tự mua thuốc về uống để “thúc” thai ra nhanh với ý nghĩ nó sẽ chết sau đó. Nhưng đứa bé ấy đã là một con người oe oe cất tiếng khóc chào đời. Không đủ can đảm nhìn nhận con, người mẹ bỏ xứ ra đi.

BS Ngô Minh Xuân - trưởng khoa sơ sinh BV Từ Dũ - nói: “Khi chưa muốn có con, tốt nhất người mẹ nên dùng các biện pháp tránh thai. Khi có thai, người mẹ nên khám thai thường xuyên để khi phát hiện thai bị dị tật, bất thường thì có hướng xử lý sớm, tránh tình trạng sinh non hoặc sinh xong rồi bỏ. Dù không khuyến khích việc mang thai ngoài hôn nhân nhưng gia đình và dư luận cũng nên mở rộng vòng tay khi người phụ nữ trẻ lỡ lầm”.

Thỉnh thoảng người ta vẫn tìm thấy những xác thai nhi chết lạnh ở cầu thang, góc đường, trong nhà vệ sinh, dưới ống cống... Cô Bảo - chùa Diệu Giác (Q.2) - vẫn còn xúc động khi kể lại hình ảnh một đứa bé chơ vơ trong buổi sớm lạnh trước cổng chùa: “Tôi cứ tưởng đó là ổ chó, vì người ta vẫn thường bỏ chó, mèo dị tật trước cổng chùa. Nhưng không. Khi đến gần mới phát hiện đó là một em bé. Nó không khóc nổi. Toàn thân tím tái, run bần bật. Hơi thở yếu lắm. Nếu phát hiện chậm 15 phút nữa là nó không sống nổi”.

Mới đây, người ta đã tìm thấy một bé gái bên bờ kênh Tẻ. Khi đó nước đang mấp mé lưng bé, chỉ cần vài mươi phút nữa là dòng nước lớn dâng lên sẽ cuốn theo một đứa trẻ vô tội. Không biết mẹ bé là ai, chỉ biết bé được sinh chưa lâu, dây rốn lòng thòng chảy máu, kiến bu đầy người và bê bết đất. Người ta chỉ đoán mẹ bé là một công nhân vì khu vực này nhiều công nhân tạm cư sinh sống. Dấu vết duy nhất của người mẹ để lại cho con chỉ là những vết “gây” còn bám trên làn da non nớt của bé. Bé gái này đã may mắn được Trung tâm Y tế Q.7 cứu sống.

Nhưng trường hợp trẻ em được cứu sống khi cha mẹ đã cố tình “xóa” sự sống của đứa con không phải là nhiều. Nhiều đứa trẻ ra đời ngoài ý muốn của cha mẹ trẻ, vì một lý do nào đó, vẫn phải gánh chịu số phận oan nghiệt mà kết thúc là cái chết. Trong cuốn sổ dày cộp ghi danh sách những đứa trẻ bị bỏ rơi của điều dưỡng Nguyễn Thị Rảnh ở BV Nhi Đồng 2 có một bé trai vô danh vừa chết. Không cha mẹ, không người thân, bé nằm năm ngày lạnh lẽo trong nhà đại thể.

9C2tCs7i.jpgPhóng to
Nụ cười của em bé khuyết tật đang lớn lên tại chùa Kỳ Quang 2 (Gò Vấp, TP.HCM) - Ảnh: Y.T.
Những đứa con lạc loài

“Trên cửa Phật con đã làm điều ác nhân. Cuối đời con bắt phải lầm lỗi, nhưng có lẽ trời Phật cũng hiểu bước đường cùng con đã làm, xin thầy cưu mang bé. Con ra đi không ngày trở lại. Đây là giấy khai sinh của cháu. Mong thầy tha thứ cho người mẹ ác tâm này…”, những dòng chữ nguệch ngoạc trên một tờ giấy bìa này là vật mà sư Thích Thiện Chiếu - trụ trì chùa Kỳ Quang 2 (Q.Gò Vấp) - nhặt được trước chùa.

Đó là một buổi sớm lạnh căm, khi vừa mở cổng chùa, thầy nghe tiếng khóc yếu ớt vọng lại. Nhìn về hướng tiếng trẻ khóc, thầy phát hiện một đứa bé nằm gọn trong chiếc khăn. Bên cạnh bé là túi quần áo, giấy khai sinh và “bức tâm thư” trên.

Có giấy khai sinh, có tên mẹ ruột, em bé này may mắn hơn hàng trăm em khác ở đây. Cổng chùa này cũng là nơi chứng kiến rất nhiều cuộc đoạn tuyệt tình mẫu tử. Có em được mẹ sắp vào hộp cùng bình sữa, kèm tờ giấy nhàu nhè đẫm nước mắt: “con nghèo khổ quá không nuôi nổi cháu”, “con là một người mẹ tội lỗi nhưng con không thể chịu được đòn roi dư luận”, “con là một người mẹ đau khổ, chưa kịp khai sinh cho con, mong thầy thương nuôi bé nên người”... Có bé chỉ nằm trơ trọi trên đất, không tông tích người thân. Có bé khi được phát hiện đã nhiễm lạnh, cổ cứng đờ. Thương tâm nhất là trường hợp một bé trai bị bỏ bên bãi rác trong tình trạng sắp qua đời.

Nhiều người bỏ một lúc cả hai đứa con song sinh. Riêng tại chùa Kỳ Quang 2 hiện đang nuôi dưỡng ba cặp, tất cả đều bị bỏ trước cổng chùa, trong đó hai cặp hoàn toàn khỏe mạnh. Gần mười năm nhận nuôi các cháu bị bỏ rơi, sư Thích Thiện Chiếu không thể nhớ hết đã gặp bao nhiêu trẻ nằm bơ vơ trước cổng chùa. Chỉ biết con số ấy vẫn không hề giảm đi. Bệnh tật, tâm thần gì thầy cũng nuôi, tổng cộng thầy đã nuôi sống trên 200 đứa trẻ bị cha mẹ bỏ rơi. Trong đó đến phân nửa trẻ bị mù, 75 trẻ mắc các tật đủ loại: Down, não úng thủy, tâm thần.

BS Ngô Minh Xuân - trưởng khoa sơ sinh BV Từ Dũ - cho biết: “Cách nay mười ngày có một cô gái giọng rất trẻ gọi cho tôi nói là muốn cho con. Cô kể hoàn cảnh chưa chồng và đang chung sống với người yêu. Nhưng người yêu cô cũng không phải tác giả bào thai. Vì vậy, cô đành cho con khi nó chào đời”. Theo BS, ngoài những thai đa dị tật phát hiện quá trễ không phá được, còn có những nguyên nhân do người mẹ mang thai hoang ngoài ý muốn, vừa mang tâm lý sợ sệt, vừa phải bó, nịt bụng nên thai phát triển không bình thường. Vậy nên nhiều trẻ bị bỏ rơi là trẻ dị tật, non tháng.

Những năm gần đây, số trẻ có cha mẹ bị nhiễm HIV, trẻ có những bệnh lý về thần kinh, não úng thủy... bị bỏ rơi ngày càng nhiều. Nhưng xót xa nhất có lẽ là những gia đình hoàn toàn có đủ khả năng kinh tế nhưng vẫn bỏ con, dù trẻ bị bệnh tật rất nhẹ và hoàn toàn có thể chữa khỏi.

Những trẻ bị sứt môi, không hậu môn thường bị cha mẹ chối bỏ như chạy trốn một món nợ từ “tiền kiếp”. BS Cam Ngọc Phượng cho biết những bà mẹ này tâm sự rằng điều mà họ sợ nhất không phải sự vất vả, tốn kém mà chính là sự ác miệng của người đời. Họ vẫn tin những người sinh con dị tật là “quả báo” của những người ăn ở ác nhân, nhưng điều đáng nói là họ lại không hề tin rằng có tình mẫu tử thì sẽ vượt qua được mọi khó khăn trên đời.

___________________________

Những người mẹ trẻ đành đoạn bỏ con nơi cửa chùa. Ở đó, nhiều em được đùm bọc lớn lên, được yêu thương, bước vào đời.

Tuy nhiên: “Thầy không thể cho các con tình mẫu tử. Thầy không thể quạt nồng ấm lạnh hơn 200 đứa con như một người mẹ chăm sóc đứa con”...

Kỳ tới: Dưới cội từ bi

YẾN TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên