07/12/2005 05:04 GMT+7

Chỉ cắt cơn, suyễn nặng hơn

BS LÊ THỊ TUYẾT LAN
BS LÊ THỊ TUYẾT LAN

TT - Bệnh suyễn kéo dài, không được chẩn đoán hoặc không điều trị đúng đắn sẽ dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), một loại bệnh tắc nghẽn đường thở không thể nào hồi phục hoàn toàn.

gqwI80Jg.jpgPhóng to
Bệnh nhân BHYT chờ khám bệnh. Tại TP.HCM, có nơi bác sĩ chỉ có 144 giây khám một bệnh nhân nên không còn thời giờ lập hồ sơ từng bệnh nhân trình duyệt để "xin" thuốc ngừa cơn suyễn - Ảnh: N.C.T.
TT - Bệnh suyễn kéo dài, không được chẩn đoán hoặc không điều trị đúng đắn sẽ dẫn đến bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), một loại bệnh tắc nghẽn đường thở không thể nào hồi phục hoàn toàn.

Điều trị chưa hữu hiệu

Tỉ lệ bệnh nhân (BN) COPD có nguyên nhân từ bệnh suyễn kéo dài do không được điều trị thích hợp, theo y văn thế giới, là khoảng 10%. Nhưng công trình của thạc sĩ Cao Thị Mỹ Thúy thực hiện tại Bệnh viện (BV) Đại học Y dược TP.HCM cho thấy tỉ lệ này là 50%.

Con số này nói lên thực trạng và hậu quả của việc điều trị suyễn chưa hữu hiệu ở nước ta trong những thập niên qua. Bài học này đang được trả giá bằng tiền triệu chi cho những đợt kịch phát của COPD, cho oxy liệu pháp, cho thở máy nhưng kết cục phần lớn vẫn là tử vong.

Trong khi đó y học hiện đại khẳng định bệnh suyễn có thể kiểm soát hoàn toàn.

Thật ra điều trị suyễn không quá tốn kém. Bậc nặng nhất cũng chỉ tốn 10.000 đồng/ngày cho loại thuốc ngừa cơn Corticosteroid dạng hít tiên tiến nhất. Tiền thuốc được giảm dần, sau một năm thường chỉ còn tốn 1.000 đồng/ngày. Nhưng vì thuốc đóng gói ở dạng bơm xịt dùng cả tháng nên lại thành gần 300.000 đồng/hộp. Trong khi đó có BN nói: “Tôi là giáo viên về hưu, nay con tôi bị suyễn nhưng tôi không đủ khả năng mua hộp thuốc ngừa cơn suyễn gần 300.000 đồng, đành thôi vậy!”. BN khác bảo: “Hộp thuốc xịt đó tôi không mua nổi, thôi thì cứ xài Asmin (thuốc cắt cơn suyễn - NV), 8.000 đồng/100 viên, tới đâu hay tới đó!”.

Lạc hậu 35 năm

Corticosteroid dạng hít, loại thuốc ngừa cơn suyễn tiên tiến nhất, sau những nỗ lực từ nhiều phía cuối cùng đã được đưa vào danh sách thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) cho BN suyễn nội trú ở một số BV cấp 1 của TP.HCM. Tuy nhiên, chỉ tập trung nguồn lực để cắt cơn cho những BN suyễn phải nhập viện, mà không ngừa cơn cho BN suyễn trong cộng đồng đến khám ngoại trú là một kiểu điều trị suyễn đã lạc hậu.

Không nên đợi BN lên những cơn suyễn có thể nguy hiểm đến tính mạng mới chữa, rồi lại trả BN về cộng đồng mà không tiếp tục điều trị ngừa cơn đúng đắn, để BN lại vào cơn mới với nguy cơ có thể tử vong hoặc tàn phế bởi COPD! Thế giới từ bỏ kiểu điều trị cắt cơn này đã 35 năm nay mà tập trung vào việc kiểm soát suyễn tại cộng đồng với mạng lưới bác sĩ đa khoa có trang bị dụng cụ và thuốc men ngừa cơn lẫn cắt cơn khi cần thiết.

Lách qui định

Đã có BV cấp 1 thông báo có thuốc ngừa cơn suyễn cho BN ngoại trú BHYT nhưng thực tế chỉ dành cho dạng B5 (đóng phí cao).

Không được phép ghi toa, các bác sĩ khám suyễn ngoại trú “mách nước” cho BN có BHYT: “Nhập viện lấy thuốc Corticosteroid dạng hít rồi xin ra viện”. Thỉnh thoảng bác sĩ, BN khá giả cho BN nghèo tiền hoặc thuốc.

Một bác sĩ giám đốc BV cấp 1 phân trần: “Tôi cũng như bà nội trợ, chỉ có chừng đó tiền, mua thịt thì không có tiền mua gạo, nên không thể đưa Corticosteroid dạng hít vào danh mục thuốc BHYT của BV được. BN nào cần, BS cứ trình lên ban giám đốc duyệt”. Nhưng với cường độ khám hàng trăm BN một ngày, có nơi chỉ có 144 giây cho một BN như một tờ báo đã tính toán, thời giờ đâu để bác sĩ lập hồ sơ đem duyệt cho từng BN một?

Những giải pháp đã ở ngoài tầm tay của những người thầy thuốc. Có lẽ chỉ còn một khâu phải được tác động để giải quyết vấn đề chăm sóc suyễn trong cộng đồng một cách rốt ráo: BHYT.

BS LÊ THỊ TUYẾT LAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên