22/01/2006 12:00 GMT+7

Trường Sơn phố

THẾ ANH - NGUYỄN BÌNH
THẾ ANH - NGUYỄN BÌNH

TTXUÂN - Con đường Trường Sơn huyền thoại của một thời máu lửa giờ đây đã tít tắp với đại lộ, với những thị tứ sầm uất bắt đầu mọc lên. Điện nay đã về từng buôn làng, con đường đã thênh thang lót nhựa, một sức sống mới đang trỗi dậy giữa núi rừng. Chúng tôi gọi đó là Trường Sơn phố!

bFlIBaXM.jpgPhóng to
TTXUÂN - Con đường Trường Sơn huyền thoại của một thời máu lửa giờ đây đã tít tắp với đại lộ, với những thị tứ sầm uất bắt đầu mọc lên. Điện nay đã về từng buôn làng, con đường đã thênh thang lót nhựa, một sức sống mới đang trỗi dậy giữa núi rừng. Chúng tôi gọi đó là Trường Sơn phố!

Dòng Pôcô trở mình...

Sau hai ngày vật lộn với những cung đường còn thi công dang dở trên quốc lộ 14, băng qua thị trấn Đắc Tô - ngã ba Đông Dương, chúng tôi đến thị trấn Đắc Glei trong buổi bình minh của tiết trời mùa đông.

Thị trấn Khâm Đức được thành lập từ năm 1986 nhưng vẫn ì ạch, biệt lập mãi cho đến khi con đường Hồ Chí Minh được mở ra. Cách nay mười năm, toàn thị trấn chỉ có khoảng 800 hộ với 3.000 dân, nay đã gần gấp đôi. Mà không chỉ thế, nếu như năm 1995 có đến 60% là nhà tranh tre vách ván thì nay đã có tới 50% là nhà kiên cố, nhà tầng, số nhà tạm bợ chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Năm 1997 thị trấn mới có một cư dân đậu đại học đầu tiên, nay đã có gần 30% học sinh trúng tuyển đại học!

Từ trên cao nhìn xuống, Đắc Glei hiện ra trong nền xanh của núi rừng. Nắng mai sóng sánh hắt lên từ những khúc uốn mềm mại của dòng Pôcô như làm sáng thêm những ngôi nhà mới vừa xây xong.

Chợ Đắc Glei đã được xây dựng khang trang với cảnh người mua kẻ bán tấp nập. Ngoài những sản phẩm nông nghiệp truyền thống của miền nắng gió còn có những bó xà lách non mơn mởn của xứ Đà Lạt, những chú cá còn tươi roi rói của miền biển Nha Trang.

“Cái thời cá khô, canh măng, rau rừng đã qua lâu rồi chú ơi. Bây giờ dưới miền xuôi các chú có gì thì chúng tôi cũng có món đó!” - chị Nga, chủ một gian hàng ở chợ Đắc Glei, khoe với chúng tôi. Ở cửa hàng bán quần áo, một cô bé người dân tộc Giẻ Triêng cứ đứng tần ngần mãi bên tấm áo màu hồng nhạt đang là hàng thời trang ở miền xuôi.

r7uBiyVY.jpgPhóng to
Nụ cười rạng rỡ của hai mẹ con người dân tộc Pakô trên đường Hồ Chí Minh, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế
“Người Đắc Glei bây giờ đã biết làm đẹp, biết làm dáng rồi. Lên phố rồi mà!” - một cụ bà cất tiếng khi thấy chúng tôi ngắm nhìn cô bé Giẻ Triêng.

“Hồi trước cán bộ tỉnh nghe đi công tác Đắc Glei ớn lắm. Có những lần cán bộ huyện vượt ngầm về tỉnh công tác, lũ quét bất ngờ tràn về nuốt chửng cả chiếc Uoat” - cô Kim Dung, thế hệ đầu tiên lên đây công tác, nhớ lại.

Còn cô Ngoan, người thoát chết trong một đợt sốt rét ác tính vào năm 1990, thì xuýt xoa: “Hồi đó, cơ quan tụi tôi có đến ba người đang mang thai bị chết vì sốt rét ác tính. Bệnh viện không có mà đường sá xa xôi, cách trở nên khi về đến bệnh viện tỉnh thì chỉ còn kịp mua nén nhang!”. Đó là hình ảnh của Đắc Glei cái thời mà tăng thêm đến năm bậc lương nhưng cán bộ miền xuôi vẫn từ chối lên đây công tác.

Nhưng Đắc Glei bây giờ đã là phố. Tối đến, cây cầu Đắc Pét lung linh dưới ánh đèn điện, bên thành cầu là những đôi trai gái rì rầm tâm sự. Tiếng nhạc trữ tình từ quán xá hai bên đường ngân nga trong đêm. Dòng Pôcô đang uốn mình trườn qua phố...

Thị xã giữa đại ngàn

OarPTB4Z.jpgPhóng to

Thị trấn P’rao - phố giữa rừng Trường Sơn

Từ xa, trong làn mưa bụi, thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) hiện ra như một nhánh lan rừng. Chín giờ tối, thị trấn giữa rừng Trường Sơn vẫn còn nhộn nhịp. Những quán ăn trên đường dẫn vào thị trấn đã đầy ắp thực khách của những chuyến xe muộn...

Dạo quanh Khâm Đức về đêm cũng là một thú vui, cái se lạnh luôn níu chân lữ khách vào những quán cà phê nhạc, nhớ quá miền xuôi ấm áp thì đã có một dãy các tiệm Internet với khá đông những bạn trẻ miền núi miệt mài với bàn phím. Thiên Hương, học sinh lớp 11 của thị trấn, vừa lướt web vừa nói: “Thỉnh thoảng em vẫn ra đây chat với mấy bạn khắp nơi để luyện thêm tiếng Anh. Phải biết tiếng Anh để nói chuyện với khách du lịch chứ anh, dạo này mấy ông Tây balô lên đây nhiều lắm”.

7nRv8KUN.jpgPhóng to
Tuyến đường Hồ Chí Minh

Chúng tôi tìm đến nhà bác Hồ Văn Điều - người đã có gần 20 năm làm bí thư Huyện ủy Phước Sơn. Từ góc rẫy của bác Điều nhìn rõ thị trấn Khâm Đức nhộn nhịp dưới kia, ông cựu bí thư huyện ủy nói:

“Ngày xưa thị trấn này chỉ là những ngôi nhà xiêu vẹo, còn bây giờ đã là phố, là đường ngang dọc theo thế bàn cờ, là nơi dừng chân của nhiều đoàn khách vượt Trường Sơn từ Nam ra Bắc hay từ Bắc vô Nam. Tôi nghe mấy anh ở huyện nói đang chuẩn bị đầu tư để lên thị xã rồi. Thật không ngờ, nhanh quá!”.

Người dân Khâm Đức tin rằng khi quốc lộ 14E trục hành lang Bắc - Nam và Đông - Tây hoàn thành, khi sân bay quân sự Khâm Đức được sửa sang thành sân bay dân sự, công trình thủy điện Đakmi 1, Đakmi 4 đi vào hoạt động, nơi này sẽ là một khu thị tứ sầm uất bậc nhất Trường Sơn.

“Chậm nhất là năm năm nữa, chúng tôi đang phấn đấu xây dựng Khâm Đức thành một thị xã - một trong những thị xã đầu tiên của đường Trường Sơn huyền thoại” - anh Đỗ Ngọc Thắng, chủ tịch UBND thị trấn Khâm Đức, cho biết.

Phố đang nối tiếp phố

sruR7SZR.jpgPhóng to
Cư dân trẻ đường Trường Sơn

Tiếp tục rong ruổi trên con đường khi oằn mình giữa rừng già nguyên sinh, khi uốn lượn theo những dòng sông mềm mại, chúng tôi đến thị trấn P’rao (huyện Đông Giang, được tái lập trên cơ sở huyện Hiên cũ từ năm 2003).

Đường vào P’rao như chạm phải mây cao và hôm nay đầy cờ và băngrôn đỏ tươi. “Ngày mai thị trấn của mình đón danh hiệu anh hùng, nhớ ghé nhà mình uống chén rượu chung vui nhé” - Arâl Hon, một chàng trai dân tộc Cơtu, vui vẻ nói khi chúng tôi hỏi chuyện.

EVEV368p.jpgPhóng to
Đường Hồ Chí Minh đi qua thị trấn Phố Châu, tỉnh Hà Tỉnh
Zqx6Ofa8.jpg
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua thị trấn Ngọc Hồi, tỉnh Kontum

P’rao không lớn nhưng đã mang trong mình một thị trấn đông đúc cư dân. Nhà máy thủy điện Sông Côn 2 là niềm tự hào của hơn 4.000 người dân nơi đây. Là người Cơtu, ông Arất Hơn - cựu chủ tịch HĐND huyện Hiên - hiểu rõ thị trấn P’rao hơn ai hết:

“Hồi mới thành lập, bộ mặt của thị trấn chỉ là mấy căn nhà cấp bốn, giờ đây P’rao đã được tô điểm với hơn 30% nhà lầu kiên cố. Con số này với miền sơn cước như chúng tôi là cả một cuộc cách mạng”.

Anh Nguyễn Bằng, bí thư Huyện ủy Đông Giang, nhấp một hớp rượu bakích tím nồng rồi bồi hồi nhớ lại: “Ngày xưa, để về được Đà Nẵng chúng tôi phải đi mất cả ngày đường, có khi xe hư phải ngủ lại giữa rừng là chuyện thường. Nhưng bây giờ buổi sáng có thể ăn điểm tâm ở miền biển, trưa đã dùng cơm ở núi rừng P’rao này rồi, con đường đã mở ra nhiều cơ hội cho dân miền núi chúng tôi lắm”.

Con đường Trường Sơn tiếp tục mở ra hàng loạt thị trấn, thị tứ sầm uất: A Lưới của Thừa Thiên - Huế, Khe Sanh của Quảng Trị, Quy Đạt của Quảng Bình...

Những con phố, thị tứ sầm uất đang dần mọc lên trên con đường chạy giữa đại ngàn Trường Sơn - con đường thiên lý thứ hai đã gắn chặt vào một giai đoạn trong lịch sử dân tộc với những chiến công hào hùng.

THẾ ANH - NGUYỄN BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên