10/09/2006 13:56 GMT+7

Những đứa trẻ bán hoa đêm

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TTCT - Những giỏ hoa trong tay các em vẫn đầy ắp. Khách ra vào quán bar, vũ trường rảo bước nhanh, không ai để ý đến những ánh mắt trẻ thơ nài nỉ dõi theo...

4cynziBV.jpgPhóng to
Những cánh hoa đêm
TTCT - Những giỏ hoa trong tay các em vẫn đầy ắp. Khách ra vào quán bar, vũ trường rảo bước nhanh, không ai để ý đến những ánh mắt trẻ thơ nài nỉ dõi theo...

Cơn mưa tối bất ngờ ập xuống làm mặt đường nhớp nhợp. Những đứa trẻ ngồi co ro trên vỉa hè. Môi lạnh tím tái và ánh mắt buồn ngủ đờ đẫn, nhưng chúng vẫn bồn chồn lo lắng: “Lạy trời đừng mưa dai để tụi con còn bán, chứ ế ẩm về nhà thế nào cũng bị đánh!”. Các em tâm sự với tôi như muốn ngỏ với ai đó trên cao.

Một đêm như mọi đêm

ds0qCsjW.jpgPhóng to
23 giờ. Trận mưa rền rĩ rồi cũng nhẹ hạt dần. Nhiều nhà dân đã tắt đèn, đóng cửa. Các bác tài xe ôm, xích lô đêm vắng khách cũng ngồi lơ mơ ngáp ngắn ngáp dài. Nhưng lúc này, những đứa trẻ bán hoa đêm mới bắt đầu dấn thân vào “phiên chợ” chính. Cu Tèo với thằng Đực lon ton chạy tới chạy lui các bar rượu, quán cà phê vẫn đang nườm nượp khách ra vào. Chúng gầy gò, nhỏ xíu luồn lách dưới chân những vị khách Tây dềnh dàng. Mải chạy theo nài nỉ một phụ nữ tóc vàng, thằng Đực đâm sầm vào đầu gối một ông Tây mặt mũi đỏ gay mới bước ra từ quán rượu. Nó té bật ngửa. Giỏ hoa văng tung tóe.

Anh bảo vệ quán rượu chạy ra xin lỗi khách và nắm tai nó kéo dậy. Hình như quá quen với chuyện này, nó chỉ mếu máo lồm cồm nhặt nhạnh những cành hoa, rồi lại lon ton chạy tới chạy lui. “Lou. Lou. Oan đôla...”. Nó khản cổ mời mọc nhưng cái giọng ngọng nghịu, non nớt lọt thỏm trong tiếng ồn ào của quán rượu đường phố.

Hầu hết quán xá đều không cho đám trẻ bán hoa vào bên trong. Chúng chỉ có thể đứng dáo dác bên ngoài, nài nỉ khách ra vào. Một vị khách Tây già cúi xuống, mua một bó hoa tặng vợ. Tèo sáng mắt, xòe một ngón tay, ngọng nghịu: “Oan đôla”. Ông khách chỉ móc tờ 10.000 đồng. Nó toe toét gật đầu, nhét vội tờ bạc nhàu nhĩ vào cái túi nhỏ đeo trước cổ...

Mưa trở nặng hạt. Đám trẻ bán hoa lại dạt vô hàng hiên. Hai khách balô xăm vằn vện cả lên trán khật khưỡng đi qua chúng, rồi bất ngờ quay trở lại, ngồi sụp xuống với bọn trẻ. Họ vừa nói xi xô xi la (mà tôi tin chắc bọn trẻ không thể hiểu gì) vừa vuốt ve chúng. Tôi ái ngại hỏi anh xe ôm: “Chắc thấy con nít dễ thương...”.

Anh ta nói ở phố Tây Phạm Ngũ Lão này đó là chuyện thường ngày. Nhưng ngoài những vị khách tốt bụng thật sự, cũng có nhiều tay cứ lân la dò hỏi “mua” cái vụ kia. “Chỉ vài chục đô là OK hết! Muốn bé gái hay trai gì cũng có. Tôi từng thấy nhiều bé hớn hở nhận tiền lên phòng khách sạn, nhưng hai giờ sau bước ra mếu máo, chân đi không nổi!” - anh xe ôm thở dài.

Ở khu vực chợ Bến Thành và công viên 23-9 gần đó, những đứa trẻ bán hoa đêm nay có vẻ làm ăn đỡ hơn. Một số cặp tình nhân đi chơi đêm, mua hoa tặng nhau và “bo” luôn cả tiền lẻ. So với em nam, các bé gái có vẻ dễ lấy lòng khách mua hoa. Có em được trang bị cả váy áo học sinh duyên dáng, mặc dù không giấu nổi gương mặt hốc hác, xanh xao vì thức đêm và một chữ cắn đôi cũng không biết. Thậm chí nhiều em còn xáp vào bóp vai hay lấy khăn lau mũi giày cho khách và nài nỉ khéo léo: “Chú mua hoa tặng người yêu dễ thương đi, nếu không anh khác tặng chị ấy bây giờ...”.

Thảo, một bé gái 13 tuổi, hớn hở khoe với tôi: “Tối đến giờ em bán được sáu cành hồng rồi. Chỉ còn chín cành nữa là xong”. Tiếng “xong” lẫn trong tiếng cười ngây thơ. Tôi liếc nhìn đồng hồ, đã gần sang ngày mới. Từ 20 giờ đến lúc này em mới bán được sáu cành, còn chín cành nữa sẽ đến bao giờ?

Nửa đêm, đám trẻ bắt đầu tản đến các vũ trường. Đây là những nơi có nhiều khách mua hoa nhất và cũng lắm chuyện phức tạp nhất. Không hiểu bằng cách nào khi tôi vừa rà xe đến vũ trường Đại Nam đường Trần Hưng Đạo, đã thấy lô xô đủ mặt đám trẻ mới lúc nãy còn ở đường Phạm Ngũ Lão, chợ Bến Thành...

Tay đeo giỏ hoa, tay cầm cành hoa vẫy vẫy, chúng tất tưởi chạy tới chạy lui, mời mọc các đôi trai gái đang tấp nập ra vào. Các bé gái vẫn tiếp tục may mắn bán được thêm vài cành nữa, nhưng một thằng bé lại gặp nạn. Nó mời trúng ngay một nhóm “gay” nước hoa thơm phức, tóc vàng chải keo xù như bờm sư tử ở Thảo cầm viên. Một “chị” hào phóng mua luôn một lúc ba cành hoa hồng để tặng “bạn trai”, nhưng một tay trả tiền, còn tay kia bất ngờ thò xuống bóp nghiến bên dưới thằng bé. Nó đau quá, khóc thét.

Đám “gay” càng khoái chí cười hô hố: “Dưa chuột, bé tí”! Vài vị khách nhảy đứng tuổi lắc đầu ái ngại, rồi lặng lẽ rảo qua. Gần đó, một bà xồn xồn (chăn dắt đám trẻ) văng miệng chửi tục, nhưng im ngay khi thấy thằng bé vừa gạt nước mắt vừa nhận tờ 50.000 đồng mới cứng. Không chỉ trông chừng thái độ lao động và túi tiền đám trẻ, bà ta còn tiếp thêm hoa cho những đứa may mắn bán hết sớm.

Trong lúc các em đang tất tưởi bán hoa ở khu vực trung tâm, thì nhiều trẻ khác cũng đang ôm giỏ hoa lang thang trước các quán xá ở đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), Trường Sơn (quận Tân Bình), Hai Bà Trưng (quận 1)... Gần 4 giờ sáng, đám trẻ mới kết thúc “phiên chợ hoa” đêm. Những gương mặt bé thơ gầy gò lại càng hốc hác, xanh xao hơn vì đói lạnh! Một cuộc “quyết toán” khắc nghiệt của những tay chăn dắt diễn ra ngay trên hè phố. Những cái túi bị lật tung. Không một đứa trẻ nào còn được giữ lại xu teng, kể cả tiền “bo”. Mấy em bán ế bị mắng té tát.

Rồi đám trẻ bán hoa lầm lũi lê bước về chiếu trọ. Những đôi mắt non mệt mỏi díp vào giấc ngủ muộn màng khi bạn trẻ đồng lứa ở thành phố sắp thức dậy, ăn sáng, chờ cha mẹ đưa đến trường.

Những đường dây chăn dắt trẻ thơ

8NxAIcRB.jpgPhóng to
Các em bán hoa đêm được người nước ngoài tội nghiệp mời ăn
Hầu hết trẻ bán hoa đêm đều ở nông thôn, do các đường dây dẫn dắt vào thành phố. Lời mời mọc ban đầu bao giờ cũng hấp dẫn những gia đình nghèo khó với viễn cảnh: “Vừa làm vừa đi học, ăn uống đàng hoàng. Bé nào ngoan ngoãn, dễ thương còn được người nước ngoài nhận làm con nuôi, tha hồ sung sướng...”.

Em Nguyễn Văn Cần, 12 tuổi, ở huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, gia đình chỉ có cha làm nghề cá kiếm sống. Cần là con út trong bốn anh em có đến hai người không được đi học. Một hôm, bà D., người đồng hương đang quản lý rất nhiều trẻ bán hoa ở TP.HCM, đến nói với mẹ em cho em vào Sài Gòn phụ bán đồ với “giá” 2,5 triệu đồng/năm. Thương con, nhưng mẹ Cần cũng gật vì chẳng còn lối thoát nào.

Việc đầu tiên của Út Cần ngay khi vừa đặt chân đến Sài Gòn không phải là đi học mà ôm ngay giỏ hoa ra vỉa hè Phạm Ngũ Lão. Mỗi đêm, em phải lê la từ 19 giờ tối đến tận 5 giờ sáng hôm sau. Chỉ tiêu tối thiểu là mười cành hoa (10.000 đồng/cành) và một bó hoa 100.000 đồng, nhưng dù có cố bán nhiều hơn nó cũng chẳng được giữ lại đồng nào. 5 giờ sáng, về nhà trọ ở đường Trần Văn Đang, Phạm Ngũ Lão, nó vật vạ ngủ trên manh chiếu cùng với các bạn đến chiều. Nhờ vậy, bà D. chỉ phải cho bọn trẻ ăn ngày hai bữa, thậm chí chỉ một bữa.

Út Cần nhỏ tuổi, gương mặt dễ thương, nên thường bán đạt chỉ tiêu nhưng thỉnh thoảng vẫn bị đòn. Có lần, khách Tây thấy tội nghiệp mua một cành hoa, cho em 500.000 đồng. Út Cần chỉ dám xén 3.500 đồng ăn tô mì gõ thì bị “cai” là thằng T., con bà chủ, phát hiện. Nó đè xuống giữa đường, đánh thằng bé rách đầu vì tội “ăn cắp tiền và dám ăn giữa giờ làm việc”. Vừa rồi, Út Cần chịu đựng hết nổi phải xin về. Bà chủ trả 2 triệu đồng tiền công mười tháng thức đêm ròng rã của thằng bé 12 tuổi.

Tuy nhiên, Út Cần vẫn còn may mắn vì có tiền về. Em Trần Việt, 13 tuổi, cùng quê Cần, vào TP.HCM bán hoa cho bà H. ròng rã hơn bốn tháng nhưng chỉ được trả tiền chưa đủ vé xe để về. Gia đình Việt ở quê có chín anh em thì đến năm người không được đi học. Cha làm thuê cho ghe cá, mẹ bệnh tật ở nhà, gia đình bữa đói bữa no. Việt đang học dở chừng lớp 5 thì bà H. đến nhà đề nghị ba mẹ Việt cho em vào TP.HCM làm. “Lương mỗi năm vài triệu, lại được cho đi học thêm”.

Lên đến xe, Việt mới biết không chỉ có một mình mà còn nhiều bạn nữa cũng được bà chủ dắt đi. Vô đến thành phố, lập tức Việt bị tống vô “trại” là một nhà trọ gần ga xe lửa cùng với chín đứa trẻ khác từ 12-15 tuổi, và đêm đêm lại ôm giỏ hoa lê la đường phố... Nghe tin con khổ quá, chị Hoa xin cho con về. Bà H. dứt khoát chỉ trả 300.000 đồng và lạnh lùng: “Muốn về thì vào đây mà đón”. Chị gái Việt phải vay tiền, lần mò vào tìm em. Việt vừa về đến nhà thì những đứa trẻ khác lại được bà H. đưa vào thế chỗ ngay.

Kể lại chuyện bị đòn, bị bỏ đói với tôi, nhiều em vẫn không giấu nổi nét sợ hãi trên gương mặt ngây thơ. Trần Văn Ngọc, 14 tuổi, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế, cùng bạn bán hoa dưới sự chăn dắt của ông C. Mỗi đêm em bán được 150.000-200.000 đồng/15-20 cành hoa. Mặc dù mỗi cành hoa lời đến 8.000-9.000 đồng, nhưng ông C. ép đám trẻ phải cố bán thêm vì ông ta phải nuôi một đứa con gái bị nghiện ma túy. Cô gái này là “cai” hung thần thường xuyên đánh đập đám trẻ để chặn tiền thỏa mãn nghiện ngập. Nhiều lần Ngọc bị “cai” lột guốc nhọn đánh ngay giữa phố.

Không chỉ nam mà nhiều bé gái cũng bị đánh đập dã man. Hồ Thị Hồng, 13 tuổi, bán hoa cho bà H. được 15 tháng, tuần nào cũng bị đòn vài trận. Một lần, em giấu vài ngàn đồng lẻ để gọi điện về cho mẹ thì bị bắt gặp. Bà chủ và hai đứa con túm tóc đánh cho một trận và ác cảm luôn với cô bé “ăn cắp”. Nhiều đêm, em đi bán hoa ở công viên bị đám nghiện trấn lột, về nhà lại bị bà chủ đánh vì tội ăn cắp. Tuy nhiên, điều làm Hồng tủi nhất lại là những câu chì chiết mỗi ngày của hai đứa con bà chủ: “Ba má mày nghèo xác, cho mày ở đợ nhà tao mà còn ăn cắp”.

Những lúc hiếm hoi tránh được sự quản lý của ông bà chủ và đám “cai”, những đứa trẻ bán hoa đêm đều tâm sự với tôi rằng rất muốn được về nhà, được đi học. “Ở nhà khó khăn nhưng cũng không đói khổ bằng ở đây chú ạ!”. Tiếng kêu của những trẻ thơ này không biết có vọng được đến ai?

Khảo sát chưa đầy đủ cho thấy chỉ riêng huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế có khoảng 50 em đã và đang bán hoa ở TP.HCM. Vừa rồi, Michael - một giáo viên Úc - và các bạn Việt Nam nghỉ ở phố Phạm Ngũ Lão nhìn thấy cảnh khổ sở của các đứa trẻ bán hoa, đã tìm về tận nhà các em ở Huế để tìm cách giúp các em hồi gia, đi học lại. Sau đó, họ xin lập một trung tâm để giúp đỡ, và gửi cả đơn thư ra cơ quan công an địa phương để cảnh báo về tình trạng khổ cực và nguy hiểm của các em.

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên