31/05/2004 05:10 GMT+7

Bát nháo thuốc "bảo vệ gan"

KIM SƠN
KIM SƠN

TT - VN được xếp vào vùng lưu hành cao của viêm gan siêu vi B, với tỉ lệ người nhiễm siêu vi viêm gan B mãn tính khoảng 15% . Vì vậy đây cũng là thị trường “béo bở” của thuốc “bảo vệ gan”.

Q64Aog7g.jpgPhóng to
Quá nhiều loại thuốc "hỗ trợ điều trị" gan xuất xứ từ Hàn Quốc, trong đó có những thuốc đã bị loại khỏi danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu, vẫn được bác sĩ kê toa thoải mái
TT - VN được xếp vào vùng lưu hành cao của viêm gan siêu vi B, với tỉ lệ người nhiễm siêu vi viêm gan B mãn tính khoảng 15% . Vì vậy đây cũng là thị trường “béo bở” của thuốc “bảo vệ gan”.

Thuốc gan...đủ loại

Tại trung tâm bán sỉ, chúng tôi thấy thuốc “hỗ trợ điều trị gan”, “bảo vệ gan” quả là bát nháo! Ít nhất có trên 20 loại, chỉ một loại sản xuất tại Trung Quốc, còn lại hầu hết xuất xứ từ Hàn Quốc. Một dược sĩ cho biết: ngay cả người bán cũng thấy rối mù, nhiều tên thuốc na ná nhau, không biết đâu mà lần. Chưa kể một số loại sản xuất trong nước như BDD, Bedipa...

Có loại cùng hoạt chất với Légalon 70 mg (Silymarine, Đức, giá sỉ 1.325 đồng/viên), chỉ thêm vài vitamin với hàm lượng rất thấp, nhưng thuốc của Hàn Quốc giá sỉ 2.300-2.800 đồng/viên. Cùng công thức, thành phần, hàm lượng, nhưng thuốc giải độc và bảo vệ gan Cigenol (Seoul Pharma Co.Ltd, Hàn Quốc sản xuất) 136.000 đồng/hộp 60 viên, còn Harrier (Arlico, Hàn Quốc sản xuất) 166.000 đồng/hộp 60 viên... Các biệt dược có cùng hoạt chất biphenyl dimethyl dicarboxylat (BDD) như: Nissel 250.000 đồng/hộp 100 viên, Bidica 230.000 đồng/hộp 120 viên...

Những thông tin hướng dẫn sử dụng thì tha hồ. Có nghiên cứu được đưa lên Internet rằng: bên cạnh các thuốc có tác dụng trực tiếp tiêu diệt virus rất đắt tiền như Interferon Alpha... rất cần các thuốc điều trị hỗ trợ có hiệu quả tốt và giá rẻ phù hợp với thu nhập của đại đa số bệnh nhân (?!).

Thử so sánh các toa thuốc có hoạt chất BDD, chúng tôi thấy chỉ định được ghi đủ loại: dự phòng và điều trị các trường hợp viêm gan mãn tính, viêm gan do virus, rượu, thuốc (các kháng sinh, kháng nấm, kháng ung thư, các thuốc sulfamide, thuốc chống lao...), gan nhiễm mỡ, xơ gan, rối loạn chức năng gan (mệt mỏi, chán ăn...).

Kê toa... thoải mái!

Thường là BS cho toa gồm ba loại: Lamivudin kèm với thuốc có Silymarine và BDD. Có BS cho hai loại: Silymarine + BDD. Có BS chỉ cho một loại thuốc có hoạt chất BDD với liều 6 viên/ngày. Nhiều bệnh nhân than trời vì mỗi toa 500.000-600.000 đồng/tháng. Hầu như phải theo cả sáu tháng, có người bỏ cuộc, có người uống đến hai năm mà không biết bệnh mình... đi về đâu.

Một GS chuyên về bệnh gan mật cho biết: các thuốc bảo vệ gan cơ bản chỉ là chất phụ trợ, làm giảm men gan, không chữa được con siêu vi gây viêm gan. Nếu đã dùng thuốc trị con siêu vi - tức điều trị nguyên nhân - thì không cần dùng các thuốc phụ trợ.

Qua kiểm tra việc kê toa và bán thuốc theo toa đối với ba bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đầu tháng 5-2004, Sở Y tế đã ghi nhận 15 bác sĩ có hiện tượng bất thường trong kê đơn: kê đơn nhiều lần với số lượng lớn một hay nhiều loại thuốc thuộc nhóm có hoạt chất BDD, nhóm thuốc bổ gan có nguồn gốc dược liệu và multivitamin.

Đình chỉ, nhưng BDD sẽ lưu hành đến 2010!

Hoạt chất BDD là một chất tổng hợp tương tự schizandrin C, từng được Bộ Y tế đưa vào danh mục thuốc chữa bệnh chủ yếu sử dụng tại các cơ sở khám chữa bệnh (QĐ ngày 19-6-2001), nhưng hơn một năm sau, ngày 3-12-2002 chính Bộ Y tế đã có quyết định loại BDD khỏi danh mục này.

Tiếp theo, ngày 27-8-2003 Cục Quản lý dược VN có văn bản như sau: “Đối với mặt hàng BDD không cấp số đăng ký mới, những sản phẩm đã được cấp số đăng ký được lưu hành đến hết hiệu lực số đăng ký, không cấp lại”.

Các thuốc BDD lưu hành trên thị trường hiện nay có số đăng ký từ năm 2000, 2002, 2003. Hiệu lực mỗi số đăng ký là năm năm, như vậy đến năm 2008 một số thuốc mới hết hiệu lực của số đăng ký, chưa kể vào thời điểm gần hết hiệu lực, các công ty có thể tung ra những lô thuốc cuối cùng mà hạn sử dụng thường là ba năm. Có nghĩa BDD sẽ lưu hành đến 2010!

*Hiệu quả của BDD đến đâu? Trả lời tại buổi tập huấn dược lý lâm sàng tổ chức tại Sở Y tế TP.HCM từ 24 đến 26-3-2004, chuyên gia người Philippines cho biết: qua thử nghiệm lâm sàng tại Indonesia, kết quả giữa nhóm có dùng thuốc BDD và nhóm không dùng thuốc cho thấy không khác nhau rõ và khuyến cáo không nên sử dụng.

Ngày 7-5-2004, Sở Y tế TP.HCM đã kiến nghị Bộ Y tế: đình chỉ việc nhập khẩu thuốc có hoạt chất BDD, đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về thuốc có hoạt chất trên không có tác dụng điều trị để chấm dứt việc bác sĩ kê đơn và người bệnh phải tốn tiền mua thuốc có hoạt chất trên.

KIM SƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên