09/09/2006 06:04 GMT+7

Thu thuế thu nhập đối với tiền lãi gửi tiết kiệm: Nhiều băn khoăn!

N.LINH - N.HẰNG
N.LINH - N.HẰNG

TT - Không chỉ người dân mà cả các ngân hàng đều băn khoăn trước việc tới đây sẽ thu thuế thu nhập cá nhân đối với khoản lãi tiết kiệm có mức trên 5 triệu đồng/tháng. Dưới đây là một số ý kiến.

Bà Nguyễn Thị Uyên, cán bộ nghỉ hưu: Người nghỉ hưu cũng phải đóng thuế

Việc áp dụng mức thu 5% đối với tiền lãi tiết kiệm trên 5 triệu đồng/tháng nếu không tính toán kỹ có thể dẫn đến không công bằng. Theo dự thảo, người làm công ăn lương được giảm trừ gia cảnh cho bản thân và những người phụ thuộc. Trong khi đó, với người chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ gửi tiết kiệm, họ cũng phải nuôi người phụ thuộc nhưng lại không được giảm trừ, cứ trên 5 triệu đồng là phải nộp thuế. Bên cạnh đó, cũng cần phải xem lại vì đối với những người đã nghỉ hưu, tiền gửi tiết kiệm chủ yếu là phần tằn tiện khi còn lao động được để phòng lúc ốm đau, mất sức lao động, nay gửi ngân hàng cũng bị thu thuế.

Một quan chức Ngân hàng Nhà nước: Làm sao giữ được bí mật tài khoản NH?

Hiện nay, theo qui định của Luật ngân hàng (NH), các NH thương mại phải giữ bí mật số dư tiền gửi của khách hàng. Về nguyên tắc, nộp thuế là nghĩa vụ của người dân, không liên quan đến NH, làm sao có thể yêu cầu NH báo cáo danh sách khách hàng cho cơ quan thuế. Xét ở điều kiện VN bây giờ, tôi cho rằng thu thuế đối với các khoản thu nhập từ tiền gửi tiết kiệm là phải hết sức thận trọng, nếu làm không khéo sẽ biến thành chuyện “khuyến khích” người dân sử dụng giao dịch tiền mặt nhiều hơn.

Ông Nguyễn Thanh Toại, phó tổng giám đốc Ngân hàng ACB: Sẽ rối nếu NH thu hộ cho cơ quan thuế

Hiện nay VN có khoảng 5 triệu tài khoản tiền gửi cá nhân, nếu phải khấu trừ tại nguồn các sổ tiết kiệm thì chắc NH phải đi thu hộ cho cơ quan thuế. Nhưng liệu các NH có làm nổi không khi con số khách hàng tại mỗi NH lên đến vài trăm ngàn người? Còn cuối năm khi quyết toán lại, cơ quan thuế có đủ sức rà soát lại ai là người có tiền gửi chưa đạt đến con số 700-800 triệu đồng có mức lãi dưới mức phải chịu thuế để trả lại tiền khấu trừ không. Vì trên thực tế làm sao có thể tìm ra mối liên hệ giữa ông Nguyễn Văn X gửi tiền tại NH A với ông Nguyễn Văn X gửi tiền tại NH B? Ta còn đang thu thuế quá thủ công, vì thế cho dù các NH sẵn lòng hợp tác, tôi cũng e là qui định này sẽ gặp nhiều trở ngại khi triển khai vào cuộc sống.

Tổng giám đốc Ngân hàng Ngoại thương VN Vũ Viết Ngoạn: Thêm áp lực về tăng lãi suất

Nếu tính cụ thể thì mức thuế suất 5% dự kiến áp dụng đối với phần lãi tiền gửi tiết kiệm sẽ khiến lãi thực mà người gửi tiết kiệm được nhận giảm đi 0,02-0,03%/tháng. Có thể theo tính toán của ban soạn thảo Luật thuế TNCN, số người có tiền gửi trên 700 triệu đồng (có mức lãi trên 5 triệu đồng/tháng) không nhiều. Tuy nhiên điều này vẫn sẽ tạo ra một hiệu ứng tâm lý e dè, ảnh hưởng đến mức vốn huy động được từ trong dân.

Khi có những hiệu ứng như vậy, rất có khả năng các NH sẽ phải điều chỉnh tăng thêm lãi suất để giải tỏa vấn đề tâm lý cho khách hàng. Mức đó có thể không phải là cao đối với một người, nhưng nếu tính với một lượng vốn huy động trong dân lớn như hiện nay, phần tăng thêm đó sẽ không phải là một con số nhỏ. Và kéo theo chuyện này là lãi suất cho vay của các NH cũng sẽ nhích lên. Một vấn đề nữa là không ít người dân không gửi tất cả tiền trong một sổ, thậm chí còn gửi ở nhiều NH khác nhau. Như vậy còn phải tính một bài toán nữa là tính toán phần khấu trừ tại nguồn như thế nào. Nếu NH không trang bị công nghệ đủ mạnh để xử lý vấn đề quản lý các sổ tiết kiệm của khách hàng, sẽ rất khó có thể tính đúng, tính đủ phần thuế phải khấu trừ.

N.LINH - N.HẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên