12/09/2006 05:04 GMT+7

Vụ án đất đai ở Đồ Sơn: Sẽ điều tra đất của các quan chức

N.V.HẢI - MINH QUANG
N.V.HẢI - MINH QUANG

TT - Đó là khẳng định của thiếu tướng Phạm Quý Ngọ, thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an, tại cuộc họp báo ngày 11-9.

D1Bp58M1.jpgPhóng to
Thiếu tướng Phạm Quý Ngọ (đứng) - đại diện Tổng cục Cảnh sát tại cuộc họp báo - Ảnh: N.V.HẢI

Vụ án Đồ Sơn: sẽ kháng nghị hủy án

Về vụ án Đồ Sơn, thiếu tướng Phạm Quý Ngọ - thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Bộ Công an, nói rằng Tòa án nhân dân TP Hải Phòng đã lượng hình và tuyên án phạt không tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo, gây thêm bức xúc, khiến vụ án trở nên phức tạp hơn.

Ông Ngọ nói: “Bốn đối tượng chính của vụ án, chúng tôi đã khởi tố bị can, đề nghị truy tố trước pháp luật. Nhưng do nhiều yếu tố khách quan nên mức xử lý sau này là quá nhẹ. Vấn đề này, viện trưởng Viện KSND tối cao Hà Mạnh Trí (chủ tọa phiên họp liên ngành) kết luận sẽ kháng nghị hủy bỏ án sơ thẩm, tiến hành điều tra, truy tố lại với mức án nghiêm khắc hơn, đồng thời truy tố ông Chu Mạnh Tuấn (nguyên giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Hải Phòng) về tội thiếu tinh thần trách nhiệm”.

Theo ông Ngọ, cuối tháng chín này vụ án sẽ được đưa ra xét xử phúc thẩm. Khi hội đồng xét xử phát hiện có những tiêu cực và tuyên hủy án, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục vào cuộc. Cơ quan điều tra dự tính phải tiến hành giai đoạn 2 của vụ án, trong đó sẽ xem xét lại toàn bộ danh sách xin giao đất và danh sách được cấp đất mà Đài truyền hình VN cùng nhiều báo chí đã nêu. Danh sách mấy chục hộ quan chức không thuộc diện tái định cư nhưng vẫn được đề nghị cấp đất. Còn giai đoạn một sẽ tạm “gói lại” với việc truy tố bốn đối tượng.

Ông Ngọ còn nói rằng cơ quan điều tra có nhận văn bản của UBND TP Hải Phòng nhưng “chúng tôi không trả lời cũng là thể hiện việc không chấp nhận đề nghị của họ”, đồng thời không đồng ý miễn truy cứu bất cứ trường hợp nào trong số bốn người bị khởi tố. “Đến nay, chúng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm này” - ông Ngọ kết luận.

700.000 USD tiền "bôi trơn"

Về việc Nguyễn Đức Chi từng khai để nhận được dự án đã phải chi khoảng 700.000 USD - “bôi trơn”, đại tá Nguyễn Tiến Lực cục trưởng C15 - nói rằng Nguyễn Đức Chi “mặc cả” với cơ quan điều tra sẽ khai báo các quan chức nhận hối lộ để được thoát tội, cơ quan điều tra đã không chấp nhận.

Ông đã chỉ đạo các điều tra viên sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để tập trung làm rõ chuyện “bôi trơn” này, làm rõ những ai đã nhận hối lộ của Chi để xử lý. Ông Lực còn kể khi bị bắt Nguyễn Đức Chi đã có hành vi thách thức cơ quan điều tra, Chi nói: “Hôm nay các anh bắt tôi. Ngày mai có người bắt các anh”.

Thông tin từ Cục C15 cũng cho biết trong thời gian tới, C15 sẽ tập trung xem xét hành vi phạm tội của một số cán bộ thuộc Bộ KH&ĐT, tập trung vào những người liên quan trực tiếp đến việc cấp dự án và điều chỉnh vốn đầu tư cho dự án Rusalka.

Vụ Nguyễn Lâm Thái: “bôi trơn” trên 1 tỉ đồng

Đại tá Nguyễn Tiến Lực cho biết Nguyễn Lâm Thái đã khai nhận trong quá trình thực hiện hợp đồng đã chi trên 1 tỉ đồng hối lộ cho các cán bộ là giám đốc, phó giám đốc, trưởng phó phòng thuộc chín đơn vị bưu điện. Ngoài ra, khi phát hiện bị điều tra, Nguyễn Lâm Thái cũng nhanh chóng đưa hối lộ hai trinh sát của Cục C15 mỗi người một phong bì 1.000 USD nhằm chạy tội. Tuy nhiên, các trinh sát đã báo cáo lãnh đạo C15.

Theo đại tá Tiến Lực, đến thời điểm này chưa có tài liệu nào về việc một số lãnh đạo của Bộ Bưu chính - viễn thông, Tổng công ty Bưu chính viễn thông có liên quan tới hành vi lừa đảo của Nguyễn Lâm Thái. Riêng trường hợp phó chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Trọng Hỷ, người có thư giới thiệu Thái đến các Sở TDTT với mục đích bán các thiết bị, cơ quan điều tra xác minh Thái chỉ bán được hơn 800 triệu đồng, xảy ra ở các bưu điện, sân bãi thi đấu khác nhau nên số tiền không lớn. Do đó, cơ quan điều tra cũng chưa xem xét trách nhiệm hình sự của đơn vị chủ quản và một số cá nhân có liên quan.

Vụ ABN-AMRO Hà Nội: “rút ruột” Nhà nước 5,4 triệu USD

Theo đại tá Lực, Cơ quan điều tra đã xác định một số cán bộ, nhân viên của Ngân hàng Công thương Hải Phòng và Ngân hàng ABN-AMRO Hà Nội đã có hành vi cố ý làm trái, gây thiệt hại hàng triệu USD đối với Nhà nước VN. Cụ thể, các bị can đã sai phạm về chủ thể giao dịch và ký kết hợp đồng kinh tế; sai phạm về thực hiện hợp đồng và hạch toán kế toán; thông đồng, móc ngoặc giữa một số cá nhân ở hai ngân hàng và sau cùng, việc thanh toán chuyển đổi ngoại tệ giữa hai ngân hàng trái với thông lệ quốc tế.

Ông Nguyễn Tiến Lực cho biết trong số khoảng 600 hợp đồng mua bán ngoại tệ giữa hai ngân hàng trên, chỉ thanh toán thực với nhau ở một số hợp đồng ban đầu có lãi, nhưng lãi rất ít. “Các hợp đồng sau đó đều là mua bán khống trên mạng và Nhà nước VN đã bị họ “rút ruột” 5,4 triệu USD” - ông Lực cho hay.

N.V.HẢI - MINH QUANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên