07/12/2023 08:50 GMT+7

Việt Nam cần khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz đánh giá cao các bước đi quyết liệt của Việt Nam trong thực hiện cam kết giảm phát thải. Tuy nhiên theo ông, Việt Nam cần khung pháp lý rõ ràng và vai trò đi đầu của đầu tư công.

Dự án điện gió ngoài khơi mang tên Thor với công suất tới 1.000MW tại Đan Mạch - Ảnh: RWE

Dự án điện gió ngoài khơi mang tên Thor với công suất tới 1.000MW tại Đan Mạch - Ảnh: RWE

Bên lề Hội nghị COP28 tại Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen. 

Cuộc gặp diễn ra không lâu sau khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược xanh vào ngày 1-11-2023. Nhân dịp này, Tuổi Trẻ đã phỏng vấn Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam NICOLAI PRYTZ về những gì Việt Nam nên làm để đẩy nhanh chuyển đổi xanh và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.

Khi có khung pháp lý chính sách phù hợp, tôi tin Việt Nam không những có thể trở thành trung tâm sản xuất điện gió trong vùng mà còn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng các dự án này ở khu vực. Điều đó sẽ thu hút những khoản đầu tư khổng lồ từ khối tư nhân vào sản xuất nội địa và nâng cao chất lượng tay nghề lao động.
Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam NICOLAI PRYTZ

Ấn tượng với quyết tâm của Việt Nam

* Tại UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện quan hệ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), trở thành nước đang phát triển đầu tiên thực hiện bước đi này. Động thái này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Đại sứ Đan Mạch tại Việt nam NICOLAI PRYTZ

Đại sứ Đan Mạch tại Việt nam NICOLAI PRYTZ

- Tôi xin chúc mừng Việt Nam vì đã công bố kế hoạch chỉ một năm sau tuyên bố chính trị về JETP. Đây là bước đầu tiên rất quan trọng trong việc triển khai JETP, bởi nó bao gồm bản đánh giá các đầu tư nào cần ưu tiên. 

Kế hoạch này cũng thừa nhận sự cần thiết phải tạo ra một môi trường thuận lợi, thu hút đầu tư tư nhân cần cho chuyển đổi xanh, trong đó bao gồm một khuôn khổ pháp lý phù hợp. 

Đây cũng là trọng tâm của Chương trình đối tác năng lượng Đan Mạch - Việt Nam. Đại sứ quán Đan Mạch sẽ tiếp tục giữ vai trò là cầu nối cho các nhà đầu tư tiềm năng Đan Mạch tham gia quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam.

* Ông đánh giá thế nào về quá trình Việt Nam thực hiện các cam kết từ sau Thỏa thuận Paris và COP26?

- Với gần 50% điện năng sẽ đến từ các nguồn tái tạo và hơn 20GW điện mặt trời và điện gió được lắp đặt chỉ trong vài năm, Việt Nam là quốc gia đi đầu về năng lượng xanh ở Đông Nam Á. Mức độ cam kết này đã gây ấn tượng với nhiều người và thu hút các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài mới đang tìm kiếm nguồn năng lượng tái tạo cho các nhà máy của họ.

Một loạt cam kết quan trọng đã được Việt Nam đưa ra như cam kết phát thải ròng bằng 0 tại COP26, tham gia JETP cùng với các nước G7, EU, Đan Mạch và Na Uy. 

Đặc biệt là việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện 8 với ưu tiên rõ ràng năng lượng tái tạo sẽ là nguồn năng lượng cho sự tăng trưởng trong tương lai của Việt Nam. 

Thách thức hiện nay là chuyển các cam kết thành kế hoạch thực hiện và khuôn khổ pháp lý. Đây là một quá trình đầy thử thách nhưng không có cách nào khác.

Chính phủ cần đi đầu và chia sẻ rủi ro với tư nhân

* Các nước đang phát triển như Việt Nam cần rất nhiều nguồn lực để thực hiện các cam kết về khí hậu. Đan Mạch có cam kết nào tại COP28? Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ gì từ Đan Mạch nói riêng và các nước phát triển nói chung?

- Đan Mạch là một nước khá giàu có, nhưng chúng tôi luôn đứng về phía các quốc gia đang phát triển. Tại COP26, chúng tôi đã cam kết tài trợ 1 tỉ USD cho thích ứng với khí hậu và chuyển đổi xanh, tương đương 1% trong số cam kết 100 tỉ USD của các nước phát triển. 

Tại COP28, thủ tướng của chúng tôi đã công bố khoản hỗ trợ 50 triệu USD cho các nước dễ bị ảnh hưởng khí hậu nhất, với một nửa trong đó sẽ dành cho Quỹ tổn thất và thiệt hại mới. 

Cùng với các nước đối tác quốc tế, Đan Mạch cũng đưa ra hai sáng kiến nhằm giảm rủi ro cho đầu tư tư nhân vào những giải pháp xanh ở các nước đang phát triển.

Nguồn tài trợ của Chính phủ không đủ để thực hiện các khoản đầu tư cần thiết trên toàn cầu, nhưng chúng tôi tin rằng các khoản tiền của Chính phủ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc huy động thêm vốn tư nhân thông qua việc gánh chịu rủi ro bước đầu nhiều hơn.

Đối với Việt Nam, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và lâu dài với Bộ Công Thương trong Chương trình đối tác năng lượng Đan Mạch - Việt Nam. 

Chúng tôi tập trung vào quy hoạch dài hạn hệ thống năng lượng, tích hợp hiệu quả điện gió và điện mặt trời vào lưới điện quốc gia cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong công nghiệp.

Khuôn khổ Đối tác chiến lược xanh Việt Nam - Đan Mạch sẽ cho phép chúng ta tăng cường hơn nữa hợp tác vốn đã chặt chẽ và hiệu quả về chuyển đổi năng lượng, các lĩnh vực quan trọng khác của chuyển đổi xanh cùng các vấn đề biến đổi khí hậu. 

Đan Mạch cũng là đối tác với Việt Nam thông qua JETP và chúng tôi hy vọng điều này sẽ giúp đẩy nhanh quá trình khử carbon trong nền kinh tế, đồng thời giải quyết các hệ quả xã hội.

* Các doanh nghiệp Đan Mạch rất quan tâm đến lĩnh vực điện gió ngoài khơi ở Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây có một doanh nghiệp lớn đã quyết định không đầu tư nữa là Orsted. Ông có thể chia sẻ thêm về điều này?

- Theo như tôi biết, Orsted xem Việt Nam là một thị trường gia công quan trọng. Chỉ trong năm nay, những hợp đồng rất lớn đã được ký kết với Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) để xây dựng các móng trụ tuốc bin cho trang trại điện gió và trạm biến áp ngoài khơi. PTSC là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên nhận được đơn hàng lớn như vậy cho các cấu kiện của điện gió ngoài khơi.

Đúng là gần đây Orsted đã thông báo họ sẽ không tham gia phát triển các dự án điện gió ngoài khơi ở Việt Nam, song tôi nghĩ đây thuần túy là quyết định xuất phát từ mục tiêu kinh doanh. 

Nói cách khác, quyết định này không phải là từ bỏ thị trường Việt Nam mà là theo đuổi cơ hội kinh doanh ở những thị trường khác có điều kiện kinh doanh chín muồi và sẵn sàng hơn.

Mặc dù vậy, điều này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng một khuôn khổ pháp lý hấp dẫn cho ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Nếu trong tương lai gần mà khuôn khổ pháp lý này vẫn chưa sẵn sàng, Việt Nam có thể phải đối mặt với rủi ro khi các nhà đầu tư chuyển hướng sang thị trường khác.

* Thưa ông, từ kinh nghiệm của Đan Mạch, làm thế nào để giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch mà vẫn đảm bảo phát triển kinh tế và hạn chế những tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội?

- Đan Mạch tin rằng điều quan trọng, mục tiêu cuối cùng là dần dần loại bỏ - chứ không phải giảm dần - nhiên liệu hóa thạch và tăng năng lượng tái tạo quy mô lớn, đầu tư vào việc sử dụng năng lượng hiệu quả.

Quá trình chuyển đổi năng lượng của Đan Mạch bắt đầu vào những năm 1970 sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ. Thông qua các quyết định chính trị có tầm nhìn, chúng tôi đã đầu tư ồ ạt vào năng lượng tái tạo và các công nghệ tiết kiệm năng lượng, thông qua quan hệ đối tác công-tư và tham vấn rộng rãi với các thành phần khác trong xã hội.

Kết quả là, trong hơn bốn thập kỷ, chúng tôi đã phát triển nền kinh tế một cách đáng kể đồng thời giảm tổng mức tiêu thụ năng lượng hơn 10% và lượng phát thải khí nhà kính hơn 40%. Đó là minh chứng cho thấy chúng ta có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế mà không làm tăng mức tiêu thụ năng lượng và phát thải khí nhà kính.

Doanh nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng điện gióDoanh nghiệp Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi cung ứng điện gió

Đan Mạch, quốc gia có nhiều kinh nghiệm về điện gió ngoài khơi, nhìn thấy tiềm năng lớn về hợp tác trong lĩnh vực này với Việt Nam. Đó là một trong những lý do thúc đẩy hai nước thiết lập Đối tác chiến lược xanh ngày 1-11 vừa qua.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên