22/07/2020 09:05 GMT+7

Việt - Trung đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thẳng thắn về Biển Đông

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc về tổng thể đã duy trì xu thế phát triển tích cực thời gian qua. Biển Đông là một trong những chủ đề thảo luận chính trong chương trình nghị sự.

Việt - Trung đẩy mạnh hợp tác kinh tế, thẳng thắn về Biển Đông - Ảnh 1.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đồng chủ trì phiên họp lần thứ 12 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc - Ảnh: TTXVN

Đây là nội dung được phản ánh sau cuộc đối thoại trực tuyến giữa Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị sáng 21-7.

Điểm sáng thương mại

Đồng chủ trì hội nghị trực tuyến phiên họp lần thứ 12 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam - Trung Quốc, hai bộ trưởng Phạm Bình Minh và Vương Nghị đã điểm lại mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua. Theo đó, hai bên nhất trí cho rằng kể từ sau phiên họp lần thứ 11 (tháng 9-2018) đến nay, quan hệ Việt - Trung về tổng thể duy trì xu thế phát triển tích cực.

Điều này được thể hiện qua việc giao lưu cấp cao tiếp tục được duy trì bằng các hình thức linh hoạt. Cụ thể Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình điện đàm, trao đổi thư, điện mừng. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong khi đó đã dự một số diễn đàn kinh tế tại Trung Quốc, cùng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường điện đàm về hợp tác phòng chống dịch bệnh COVID-19. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm chính thức Trung Quốc và có nhiều chuyến thăm, trao đổi của lãnh đạo hai nước.

Nhìn chung, hợp tác giữa các bộ ngành, đặc biệt giao lưu địa phương đã phát triển cả về số lượng, lĩnh vực lẫn chiều sâu. Trong thương mại, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hai bên. Tuy nhiên trong 6 tháng đầu năm 2020, thương mại song phương vẫn tăng trưởng 4,5%. Nhiều mặt hàng có ưu thế của Việt Nam như sữa, măng cụt đã đến với thị trường Trung Quốc...

Hai bên nhất trí tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư phát triển bền vững. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Trung Quốc tạo điều kiện để hoạt động thương mại Việt - Trung, trong đó có thương mại biên giới, được triển khai thuận lợi.

Ông mong muốn Trung Quốc nhập khẩu nhiều hơn nữa các mặt hàng có ưu thế của Việt Nam, nhất là nông sản, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường.

Việt Nam quan ngại về Biển Đông

Tách bạch với xu thế phát triển tích cực nêu trên, Việt Nam và Trung Quốc cũng thẳng thắn đề cập tới một số vấn đề nóng trong quan hệ hai nước.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, hai bên đã trao đổi thẳng thắn về tình hình trên biển thời gian qua và những điểm còn khác biệt về vấn đề trên biển. Bộ trưởng Phạm Bình Minh "đã nêu quan ngại trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông gần đây; đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam, duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông", Bộ Ngoại giao cho biết.

Thông cáo chiều 21-7 cũng cho hay Việt Nam và Trung Quốc nhất trí tuân thủ nhận thức chung cấp cao và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc; tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982; thúc đẩy các cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển đạt kết quả thực chất; thực hiện toàn diện, hiệu quả DOC; thúc đẩy đàm phán COC sớm đạt kết quả thực chất.

Ngoài ra, một số tồn đọng khác trong quan hệ hai nước cũng được đề cập và thảo luận giải quyết, chẳng hạn như nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc; một số dự án do Trung Quốc đầu tư, nhận thầu ở Việt Nam và việc triển khai các khoản vay ưu đãi, viện trợ không hoàn lại của Trung Quốc dành cho Việt Nam tuy được hai bên quan tâm nhưng tiến triển còn chậm.

Theo Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị Trung Quốc chỉ đạo giải quyết triệt để các vướng mắc, tồn đọng tại một số dự án hợp tác.

7/132

FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) của Trung Quốc tại Việt Nam năm 2019 có bước tăng trưởng lớn, hiện đứng thứ 7/132 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam.

Đề nghị Trung Quốc tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông Đề nghị Trung Quốc tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông

TTO - Tại cuộc trao đổi ngày 21-7, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh bày tỏ quan ngại về Biển Đông gần đây, đề nghị Việt Nam và Trung Quốc kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp tình hình.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên