"Gần 50 tuổi rồi, không ngờ có ngày tôi nhìn thấy cây ngô (bắp) phủ xanh vùng đất này. Cách đây chỉ vài năm, nơi đây là vùng đất khô cằn, bạc màu", ông Lê Phước Hoan (nông dân huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa) nói khi đang nhìn về phía những chiếc máy xúc.

Câu chuyện về cánh đồng xanh của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) để hiện thực tầm nhìn về Net Zero, để ‘khoác áo mới’ cho vùng đất cằn cỗi cùng với nông dân bắt đầu từ đây…

Vinamilk cùng nông dân ‘hồi sinh’ những vùng đất nghèo- Ảnh 1.

Nơi ông Hoan đang đứng vốn là vùng đất bồi cằn cỗi thuộc nông trường Thống Nhất (nay là Công ty TNHH MTV Thống Nhất Thanh Hóa). Địa hình chủ yếu là đất sỏi, vừa nghèo dinh dưỡng vừa không giữ được nước nên người dân chỉ có thể canh tác những loài cây ưa khô hạn như dứa, mía, cao su… với thu nhập cũng bấp bênh theo thời tiết biến động của miền Trung.

Từ năm 2018, vùng đất này được hồi sinh bởi một sự kiện lớn - khánh thành trang trại bò sữa công nghệ cao Vinamilk Thanh Hóa, do Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa (liên doanh giữa Vinamilk và Công ty TNHH MTV Thống Nhất Thanh Hóa) đầu tư.

Vinamilk cùng nông dân ‘hồi sinh’ những vùng đất nghèo- Ảnh 2.

Với quy mô 8.000 con bò sữa, trang trại được đầu tư máy móc thiết bị công nghệ hiện đại và đạt chuẩn thực hành nông nghiệp quốc tế Global G.A.P về quản lý trang trại và chất lượng sữa tươi thơm ngon, thuần khiết.

Câu chuyện về sự hiện đại của trang trại Vinamilk lâu nay chỉ qua lời kể lại trung gian. Nhưng giờ đây, không chỉ ông Hoan mà nhiều người dân vùng trung du xứ Thanh… thành "người trong cuộc".

"Từ doanh nghiệp nuôi bò sữa thuần chủng nhập khẩu với năng suất cao hơn nhiều so với giống bò quê; bò ở trang trại Vinamilk được ăn thức ăn không dư lượng kháng sinh và thuốc trừ sâu, được đeo thẻ chip để theo dõi tình trạng sức khỏe, được tắm mát và tự do massage; trang trại còn có cả robot để đẩy thức ăn tự động… tôi chỉ nghe thôi. Không ngờ có ngày, mình cũng đóng góp một phần trong chuỗi cung ứng của trang trại", ông Hoan bày tỏ niềm vui.

Vinamilk cùng nông dân ‘hồi sinh’ những vùng đất nghèo- Ảnh 3.

Lý do quyết định làm thay đổi một vùng đất, ông Trần Văn Thuấn - giám đốc điều hành Công ty TNHH Bò sữa Thống Nhất Thanh Hóa - cho hay: "Chủ trương của tỉnh cũng như mong ước của chúng tôi khi đưa trang trại về đây là góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn, đặc biệt là chuyển dịch cơ cấu cây trồng thông qua việc liên kết với nông dân để phát triển vùng nguyên liệu thức ăn cho đàn bò".

Ngoài 300ha đồng cỏ được canh tác theo hướng hữu cơ của trang trại, Vinamilk lên kế hoạch hợp tác với các hộ dân xung quanh phát triển vùng trồng bắp sinh khối (bắp được thu hoạch ở giai đoạn bắp chín sáp thay vì lúc chín hoàn toàn), để chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho đàn bò. Tuy nhiên, quá trình chuyển dịch không mấy dễ dàng.

Vinamilk cùng nông dân ‘hồi sinh’ những vùng đất nghèo- Ảnh 4.

"Bắp là cây ngắn ngày nên chịu tác động của thời tiết rất mạnh mẽ. Đang trổ cờ mà gặp nắng hạn một tuần thôi, chất lượng và năng suất cây bắp đã giảm sút rất nhiều. Bắp sinh khối lại là giống bắp mới ở địa bàn huyện Yên Định, người dân chưa bao giờ canh tác trước đó nên họ e ngại khi Vinamilk đặt vấn đề hợp tác", ông Thuấn kể lại.

Để giúp nông dân yên tâm tham gia chuỗi liên kết, Vinamilk đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích và hỗ trợ từ cho vay vốn không lãi suất để đầu tư hệ thống tưới nước tự động, cam kết bao tiêu đầu ra với giá cả ổn định, tư vấn kỹ thuật canh tác… Nhiều cán bộ kỹ thuật của trang trại cũng là người dân địa phương, nhận giao khoán đất nông trường, được vận động tiên phong chuyển đổi từ trồng dứa sang bắp.

Sau 1-2 vụ thành công, số hộ nông dân đăng ký tham gia tăng dần. Sau 6 năm từ khi đi vào hoạt động, trang trại Vinamilk Thanh Hóa đã phát triển vùng nguyên liệu bắp, tạo ra hàng nghìn công ăn việc làm cho lao động địa phương, phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Vinamilk cùng nông dân ‘hồi sinh’ những vùng đất nghèo- Ảnh 5.

Vinamilk cùng nông dân ‘hồi sinh’ những vùng đất nghèo- Ảnh 6.

8h sáng một ngày đầu vụ bắp mới, khu vực xử lý nước thải của trang trại Vinamilk Green Farm Thanh Hóa tấp nập xe cộ ra vào. Những chiếc xe tải hoặc xe công nông được cải tiến kéo theo bồn nước lớn chậm rãi tiến vào hệ thống hồ biogas của trang trại, xếp hàng trước mỗi trụ bơm. Mất khoảng 15 phút để một chiếc xe nạp đầy nước phân đã qua xử lý chạy ra đồng - nơi đây bắp đã được thu hoạch hoặc cỏ đã được cắt gần sát gốc để bón cải tạo đất.

Vinamilk cùng nông dân ‘hồi sinh’ những vùng đất nghèo- Ảnh 7.

Ông Trần Văn Thuấn cho biết nguồn nước phân này là một trong những đầu ra chính từ vòng tròn kinh tế tuần hoàn của trang trại. Với mục tiêu "không còn gì bị loại bỏ", trang trại Vinamilk Green Farm Thanh Hóa cũng như hệ thống 13 trang trại khác của Vinamilk trên khắp Việt Nam áp dụng nghiêm ngặt nguyên tắc: Đầu ra của quá trình này được tận dụng triệt để, để làm đầu vào cho quá trình khác, từ đó giảm khai thác tài nguyên, chi phí xử lý chất thải và ô nhiễm môi trường.

Giải thích cụ thể hơn, ông Thuấn cho biết toàn bộ phân và nước thải từ đàn gia súc được thu gom tự động, vận chuyển qua hệ thống mương kín về khu tập kết. Tại đây, lượng phân rắn được ủ hoai theo công nghệ của Nhật Bản để chuyển hóa thành nguồn dinh dưỡng hữu cơ, thay thế cho phân hóa học và phân bón vô cơ.

Nguồn phân lỏng được xử lý yếm khí tại hồ biogas cho ra khí metan dùng để làm năng lượng chạy máy sấy cỏ, đun nước thanh trùng sữa cho bê, sấy khăn và quần áo… Riêng nguồn nước còn lại sẽ tiếp tục trải qua nhiều công đoạn như sục khí, bể lắng cặn, lọc, tách cặn... để có thể tái sử dụng vào việc rửa chuồng và cải tạo đất.

Vinamilk cùng nông dân ‘hồi sinh’ những vùng đất nghèo- Ảnh 8.

Năm 2023, nguồn nước thải sau xử lý của trang trại đã được lấy mẫu phân tích và chứng nhận đạt quy chuẩn QCVN 01-195:2022/BNNPTNT về nước thải chăn nuôi sử dụng cho cây trồng. Ngay khi có hướng dẫn, Vinamilk đã đầu tư hệ thống máy bơm cung cấp miễn phí nguồn tài nguyên này cho các hộ dân trong chương trình liên kết, để tưới cải tạo đất trồng cho các cánh đồng bắp.

"Những hộ dân sử dụng nguồn nước phân qua xử lý của trang trại Vinamilk Green Farm Thanh Hóa để chăm sóc cho cây bắp đã nhận thấy sự cải thiện đáng kể cả về năng suất cây trồng và độ màu mỡ của đất. Qua đó, nông dân cũng dần thay đổi tập tục canh tác theo hướng sử dụng các tài nguyên thiên nhiên như đất, nước hiệu quả và bền vững hơn. Khái niệm nông nghiệp xanh vì thế không chỉ bó hẹp bên trong ranh giới của trang trại mà lan tỏa mạnh mẽ ra cộng đồng xung quanh", ông Thuấn bày tỏ.

Vinamilk cùng nông dân ‘hồi sinh’ những vùng đất nghèo- Ảnh 9.

Vinamilk cùng nông dân ‘hồi sinh’ những vùng đất nghèo- Ảnh 10.

Đi giữa cánh đồng bắp xanh ngát rộng thênh thang hàng trăm ha, lão nông Lê Văn Long cúi người bốc một nắm đất hào hứng khoe: "Đất ở đây chưa bao giờ tơi xốp, phì nhiêu đến vậy". Những năm trước, ông cũng trồng bắp sinh khối cung cấp cho trang trại Vinamilk Green Farm Thanh Hóa nhưng năng suất chỉ đạt 30 - 35 tấn/ha/vụ.

Từ khi được trang trại hỗ trợ nguồn nước phân đã qua xử lý này, năng suất đã tăng vọt lên 40 - 45 tấn/ha/vụ. Thu nhập của ông từ 1ha liên kết với trang trại đã tăng hơn 35 - 40 triệu đồng/năm so với trước đó.

Vinamilk cùng nông dân ‘hồi sinh’ những vùng đất nghèo- Ảnh 11.

Điều ấn tượng khác là đất đai được cải tạo ngày càng giàu dinh dưỡng, cân bằng hệ vi sinh vật và tăng khả năng lưu giữ nước. Đến độ thu hoạch, cây bắp vẫn xanh từ gốc đến ngọn, chứ không khô lá chân như phương thức canh tác truyền thống.

"Hồi trước trồng bắp, tối đa 2 năm là cây chán đất, cho sản lượng thấp mà chất lượng đôi lúc không đảm bảo theo tiêu chuẩn của trang trại. Từ khi sử dụng nguồn nước phân này, chúng tôi có thể trồng liên tục, thời tiết cho phép có thể canh tác đến 3 - 4 vụ/năm. Nông dân còn tiết kiệm thêm 10 - 12 triệu đồng/ha/năm cho chi phí bón phân hóa học. Thu nhập được nâng lên, bà con ai cũng phấn khởi", ông Long cười nói.

Vinamilk cùng nông dân ‘hồi sinh’ những vùng đất nghèo- Ảnh 12.

Nói về cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (Net Zero 2050) mà Vinamilk đã công bố hồi giữa năm 2023. Ông Lê Hoàng Minh - giám đốc điều hành sản xuất kiêm trưởng dự án Net Zero của Vinamilk - nhiều lần khẳng định không thể đạt được nếu chỉ có nỗ lực từ bên trong Vinamilk. Theo quy đổi, hoạt động của các nhà cung cấp, người tiêu dùng chiếm đến 80% tổng lượng phát thải của Vinamilk.

Vinamilk cùng nông dân ‘hồi sinh’ những vùng đất nghèo- Ảnh 13.

Tầm nhìn này đã phần nào được chứng minh trên thực tế khi Vinamilk trở thành doanh nghiệp sữa đầu tiên của Việt Nam có cả nhà máy và trang trại đạt chứng nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn PAS2060:2014.

Vinamilk cùng nông dân ‘hồi sinh’ những vùng đất nghèo- Ảnh 14.

Theo báo cáo được công bố, tổng lượng phát thải khí nhà kính đã được trung hòa của 2 đơn vị này là 17,560 tấn CO2 (tương đương với khoảng 1,7 triệu cây xanh). Điều này là kết quả của "hành động kép", nỗ lực cắt giảm phát thải trong sản xuất, chăn nuôi của Vinamilk, đồng thời duy trì quỹ cây xanh của công ty để hấp thụ khí nhà kính trong nhiều năm qua.

"Đạt chứng nhận trung hòa carbon theo tiêu chuẩn châu Âu là một quá trình không hề đơn giản. Nhưng đó mới là những đơn vị đầu tiên, chúng tôi sẽ sớm công bố những thành quả tiếp theo ngay trong năm nay", ông Minh bật mí.

Vinamilk cùng nông dân ‘hồi sinh’ những vùng đất nghèo- Ảnh 15.


ÁNH THÚY - PHẠM DƯƠNG
HOÀNG ĐÔNG
HẢI PHI


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên