21/11/2020 08:22 GMT+7

Vụ 'bỗng dưng bị chiếm nhà' ở Bình Thuận: Không xử lý sẽ tạo tiền lệ xấu

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - Liên quan đến vụ 'bỗng dưng bị chiếm nhà' của anh Lê Thanh Nghị (44 tuổi) ở Bình Thuận (Tuổi Trẻ ngày 15-6-2020), mới đây các cơ quan tố tụng của TP Phan Thiết thông báo vẫn giữ quan điểm không xử lý hình sự.

Vụ bỗng dưng bị chiếm nhà ở Bình Thuận: Không xử lý sẽ tạo tiền lệ xấu - Ảnh 1.

Anh Nghị đứng bên căn nhà mua hợp pháp của mình nhưng không vào được bên trong - Ảnh: ĐỨC TRONG

Trong khi đó, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng diễn biến vụ việc đã có dấu hiệu của tội phạm hình sự, nếu không khởi tố sẽ tạo tiền lệ xấu, không mang tính chất răn đe, hợp thức hóa hành vi vi phạm...

Đã làm toàn diện, khách quan?

Anh Nghị cho biết vừa tiếp tục khiếu nại với thông báo mới nhất của Cơ quan CSĐT Công an TP Phan Thiết. Theo đó, sau khi nhận thông báo không xử lý hình sự về hành vi xâm phạm chỗ ở, anh Nghị đã tố giác ông Phạm Văn Thiền và bà Đặng Thị Khô về hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. 

Tuy nhiên, Công an TP Phan Thiết cho rằng do hai nội dung tố giác này đều cùng diễn biến của một vụ việc nên tiếp tục kết luận không khởi tố hình sự. Viện KSND TP Phan Thiết cũng có thông báo không xử lý hình sự vụ việc này.

Như vậy, đã hơn một năm cầm cuốn "sổ đỏ" trong tay, anh Nghị vẫn chưa vào được căn nhà mới của mình nên đành tiếp tục đi gõ cửa khắp nơi để cầu cứu.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ, thượng tá Trần Long Khánh - trưởng Công an TP Phan Thiết - cho biết đã giải quyết đúng pháp luật. Ông Khánh hướng dẫn anh Nghị nên khởi kiện dân sự tại tòa. Tuy nhiên, anh Nghị cho rằng mình không có bất cứ mối quan hệ mua bán nào đối với ông Thiền và bà Khô nên không thể khởi kiện. 

"Toàn bộ giấy tờ mua bán đã hợp lệ, thông qua thi hành án, nghĩa vụ tài chính đã hoàn thành, cơ quan nhà nước đã cấp giấy chứng nhận và không xảy ra tranh chấp với bên sở hữu căn nhà trước đó. 

Hồ sơ vụ việc cũng thể hiện ông Thiền và bà Khô không có quyền lợi, nghĩa vụ gì liên quan đến căn nhà này. Nếu kiện dân sự, chẳng khác nào tôi thừa nhận hành vi chiếm giữ của họ là hợp pháp" - anh Nghị nói.

Hơn một năm trước, anh Nghị mua căn nhà cấp 3 tại số 06 đường Lê Lai, phường Đức Nghĩa (TP Phan Thiết) của bà Nguyễn Thị Lý thông qua Chi cục Thi hành án dân sự TP Phan Thiết. Ngày 8-5-2019, anh Nghị nhận bàn giao căn nhà từ bà Lý dưới sự chứng kiến của các cơ quan chức năng địa phương và đại diện Chi cục Thi hành án dân sự TP Phan Thiết. 

Tuy nhiên trong lúc giao nhà, một nhóm người xông vào cho rằng chủ căn nhà trước đây bán lại cho bà Lý là bà Nguyễn Thị Ngọc Thoa (49 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) đang thiếu nợ gia đình. Họ yêu cầu ai muốn vào ở nhà này phải trả số nợ thay bà Thoa. 

Đại diện chính quyền địa phương giải thích đây là nhà của bà Lý, không liên quan gì đến bà Thoa. Sau đó, nhóm người này bỏ về.

Tưởng mọi chuyện êm xuôi, anh Nghị thay đổi ổ khóa để chuẩn bị dọn dẹp và sửa sang lại căn nhà thì vợ chồng ông Phạm Văn Thiền và bà Đặng Thị Khô đến phá khóa vào chiếm giữ và ở cho đến nay.

Sẽ tạo tiền lệ xấu

Theo một chuyên gia pháp lý, nếu không khởi tố dễ dẫn đến tiền lệ xấu, đó là tạo ra một tranh chấp giả tạo, dễ hợp thức hóa hành vi vi phạm... Còn nếu vụ việc giải quyết theo hướng dân sự sẽ gây thiệt hại lớn cho chủ sở hữu hoặc người được giao quản lý tài sản hợp pháp.

Cũng theo chuyên gia trên, hành vi xâm phạm chỗ ở không chỉ dừng lại ở việc chiếm giữ tài sản mà còn là cản trở trái pháp luật người đang ở hoặc người đang quản lý hợp pháp tài sản đó. 

"Rõ ràng anh Nghị đã được cơ quan thi hành án bàn giao căn nhà hợp pháp nên việc chiếm giữ căn nhà đã đủ yếu tố để xử lý hình sự" - chuyên gia này nói thêm.

Đồng quan điểm trên, luật sư Nguyễn Toàn Thiện (chủ nhiệm Đoàn luật sư Bình Thuận) cho rằng về mặt pháp lý thì vụ việc đã có dấu hiệu của tội phạm hình sự, không thể là tranh chấp dân sự vì quyền sở hữu của anh Nghị đã bị tước đoạt. 

"Nếu kiện thì kiện ai ở đây? Anh Nghị là chủ sở hữu hợp pháp nhưng không sử dụng được căn nhà, những người kia thì ngược lại. Nếu ông Thiền, bà Khô cho rằng đó là nhà của mình thì cứ chứng minh cho cơ quan điều tra thấy" - luật sư Thiện giải thích.

Với lý do anh Nghị chưa ở căn nhà này ngày nào nên không thể xem là nơi ở ổn định dẫn đến không đủ yếu tố để khởi tố hành vi xâm phạm chỗ ở, luật sư Thiện cho rằng áp dụng Luật cư trú vào là không ổn. Bởi lẽ diễn biến vụ việc là hành vi chiếm giữ, định đoạt tài sản. Còn Luật cư trú được áp dụng, điều chỉnh cho đối tượng khác, không liên quan đến việc xác định chủ sở hữu.

"Nơi cư trú không phải là để xác định chủ sở hữu. Ví dụ anh thuê nhà người ta ở lâu dài, có đăng ký tạm trú thì được xem như là ở ổn định. Nhưng việc đó không đồng nghĩa căn nhà đang thuê là của anh" - luật sư Thiện ví von.

"Cảm thấy áy náy"

Bà Trần Thị Thanh Nga - chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự TP Phan Thiết - nói bà cảm thấy "áy náy". Anh Nghị mua nhà hợp pháp, cơ quan thi hành án làm đúng thủ tục.

"Ngày đọc quyết định bàn giao nhà có một nhóm người xông vào ngăn cản vì cho rằng có tranh chấp với chủ căn nhà trước đây. Sau khi giải thích thì họ bỏ đi. Tôi tưởng mọi chuyện đã ổn, nào ngờ hôm sau nghe nói họ lại phá khóa cổng vào" - bà Nga nói. Cũng theo bà Nga, nếu biết căn nhà trước đây có "lùm xùm" thì đơn vị đã xem xét không thi hành án.

Xin ý kiến 3 ngành tư pháp cấp trung ương giải quyết vụ bỗng dưng bị chiếm nhà Xin ý kiến 3 ngành tư pháp cấp trung ương giải quyết vụ bỗng dưng bị chiếm nhà

TTO - Đại diện các ngành tư pháp TP Phan Thiết và tỉnh Bình Thuận họp nhưng không thống nhất quan điểm giải quyết vụ việc. Lãnh đạo các ngành này thống nhất xin ý kiến 3 ngành tư pháp cấp trung ương về hướng xử lý.

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên