05/06/2015 10:12 GMT+7

Dân không đồng tình, chưa gắn điện kế điện tử

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - Ông Ngô Phước Đức, phó giám đốc kinh doanh Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC), thừa nhận như vậy tại buổi làm việc với báo Tuổi Trẻ sáng 4-6 liên quan đến những phản ảnh “dân kêu trời với hóa đơn tiền điện” tại tỉnh Kiên Giang.

Theo ông Đức, chương trình thay thế điện kế điện tử (ĐKĐT - thay điện kế cơ sau năm năm) triển khai từ năm 2011 đến nay đã thay được hơn 1 triệu ĐKĐT tại 21 tỉnh thành phía Nam.

Quy trình triển khai là ngành điện phải làm việc với UBND tỉnh, sở công thương từng địa phương cũng như người dân và phải được sự đồng ý mới triển khai.

Tất cả trường hợp khiếu nại đều được giải quyết theo quy trình: ngành điện sẽ kiểm tra điện kế, nếu khách hàng không đồng ý với kết quả kiểm tra sẽ niêm phong điện kế đưa đến đơn vị kiểm định độc lập theo yêu cầu của khách hàng.

Về các trường hợp mà báo Tuổi Trẻ phản ánh, sau khi kiểm tra, ông Đức cho biết có một khách hàng đang sử dụng điện kế cơ, ba trường hợp còn lại sử dụng ĐKĐT một pha.

Riêng trường hợp khách hàng Quách Huy Thịnh địa chỉ 29/2 Thành Thái, Rạch Giá phản ảnh “không đồng ý lắp đặt côngtơ cũng phải chịu”, EVN SPC nhận khuyết điểm vì “chưa tuyên truyền, giải thích cho khách hàng hiểu đầy đủ tính năng của ĐKĐT... trước khi thay điện kế”.

Cũng theo ông Đức, trường hợp này khi đưa điện kế đi kiểm định tại một đơn vị độc lập cho kết quả trong mức sai số cho phép. Ông Đức khẳng định: “Trường hợp người dân chưa đồng tình gắn ĐKĐT thì EVN SPC chưa gắn”.

Về ý kiến người dân đề nghị được lắp đặt điện kế đối chứng sau khi phát sinh khiếu nại và trước khi thay điện kế, ông Đức cho rằng có thể thực hiện được theo yêu cầu của người dân nhưng trong phạm vi hẹp và giữa hai điện kế mới chứ không dùng điện kế đã xài rồi đối chứng.

Ông Đức viện dẫn việc này nằm ngoài quy trình xử lý khiếu nại liên quan đến ĐKĐT và nếu triển khai đại trà sẽ làm phát sinh nguồn kinh phí rất lớn, chi phí này có khả năng được đưa vào cơ cấu giá điện.

Có ý kiến cho rằng phần mềm thu thập dữ liệu qua ĐKĐT (đọc chỉ số tự động) hiện chưa được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận về chất lượng, không loại trừ ngành điện tác động để có thể hiệu chỉnh chỉ số ĐKĐT.

Ông Đức thừa nhận hiện nay quy trình triển khai gắn ĐKĐT còn mới nên đơn vị cung cấp phần mềm tự chịu trách nhiệm về chất lượng là chính. “EVN SPC cam kết với khách hàng ĐKĐT không hiệu chỉnh được chỉ số đo đếm và chỉ phát thông tin một chiều về trung tâm dữ liệu và ngành điện không thể điều chỉnh chỉ số điện để gian lận khách hàng” - ông Đức nói.

Tuy vậy, ông Đức nhìn nhận đây là kẽ hở và phản ảnh của người dân có cơ sở. Vì vậy EVN SPC sẽ sớm kiến nghị Bộ Công thương và các đơn vị liên quan cử một đơn vị có đủ chức năng thẩm định và công bố chất lượng phần mềm này để công khai minh bạch với khách hàng.

Để khách hàng hiểu hơn về tính năng cũng như chủ trương lắp đặt ĐKĐT, ông Đức thừa nhận công tác tuyên truyền để người dân hiểu dù có nhiều cố gắng nhưng chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, sắp tới EVN SPC đẩy mạnh công tác này.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên