21/10/2020 10:34 GMT+7

Vụ sạt lở núi Cô Tiên làm chết 4 người: Vì sao không khởi tố vụ án?

PHAN SÔNG NGÂN
PHAN SÔNG NGÂN

TTO - Gần hai năm sau vụ sạt lở dự án trên núi Cô Tiên, TP Nha Trang (Khánh Hòa), đến nay thân nhân 4 người bị chết vẫn kêu cứu, khiếu nại đến các cơ quan cấp trên vì Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa không khởi tố vụ án để điều tra.

Vụ sạt lở núi Cô Tiên làm chết 4 người: Vì sao không khởi tố vụ án? - Ảnh 1.

Khu vực bên mép núi Cô Tiên mà chủ dự án đã đào lấy đất, tạo hố sâu nhằm làm “hồ bơi vô cực” nhưng bị biến thành hố chứa nước và đã bị vỡ vào sáng 18-11-2018, gây sạt lở núi Cô Tiên (chụp ngày 19-11-2018) - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Trong khi đó, các luật sư và chuyên gia luật cho rằng cần thiết phải khởi tố vụ án vì đây là một sự kiện pháp lý có dấu hiệu tội phạm.

Chưa đủ căn cứ xác định tội phạm?

Thân nhân của 4 người bị chết trong vụ sạt lở dự án núi Cô Tiên vào sáng 18-11-2018, bà Nguyễn Thị Chung (em ruột nạn nhân Nguyễn Thị Thủy) đã gửi đơn kêu cứu và khiếu nại đến các cơ quan chức năng, sau khi nhận được thông báo của Cơ quan CSĐT (PC03) Công an tỉnh Khánh Hòa về việc không khởi tố vụ án hình sự vụ việc trên. 

Lý do: cơ quan điều tra xác định "không có sự việc tội phạm xảy ra" và việc sạt lở là "hoàn toàn do mưa lũ, thiên tai".

Tuy nhiên trước đó, vào ngày 3-12-2018, giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa Lê Văn Dẽ đã có báo cáo trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về nguyên nhân vụ sạt lở trên có nêu: là do chủ đầu tư tự đào múc đất đổ vào công trình không tuân theo bản vẽ quy hoạch san nền tỉ lệ 1/500 đã được phê duyệt. 

Kè đá tiếp giáp khu dân cư khi thi công không đảm bảo an toàn (xếp đá loca không chèn vữa ximăng) nên khi có tác động của dòng nước gây sạt lở. 

Còn mùa mưa bão đã được thông báo trước nhưng chủ đầu tư không bố trí người và phương tiện túc trực 24/24 giờ để xử lý kịp thời những tình huống xảy ra, để hạn chế thiệt hại.

Ngoài ra, tháng 12-2019, giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa cũng có báo cáo HĐND tỉnh về kết quả xác minh của PC03 nguyên nhân sạt lở như sau: liên tục trong 10 ngày, ngay trước trận mưa bão số 8 (từ ngày 8 đến 17-11-2018), bà Nguyễn Thị Hoài Thanh - tổng giám đốc Công ty Thanh Châu - đã tổ chức điều hành và trực tiếp giám sát hoạt động đào đất tại vị trí khu vực ký hiệu DV-01 chưa được phê duyệt của dự án để thi công san lấp mặt bằng xây dựng nhà hàng.

Theo đó, bà Thanh đã trực tiếp điều động một xe đào bánh xích gàu múc và 2 xe ben để thi công lấy đất san lấp, tạo một hố có kích thước khoảng 50m x 5m, có độ sâu khoảng 1,2 - 1,5m cách mép núi về phía đông khoảng 3 - 5m (phía dưới là khu vực nhà dân) nhưng không có kè bao hoặc các biện pháp đảm bảo an toàn khác.

Đồng thời, theo PC03, do ảnh hưởng của cơn mưa bão số 8, lượng mưa lớn từ núi Cô Tiên đổ xuống dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú chảy theo hệ thống thoát nước, phá vỡ thành hố thu nước, tràn ra ngoài và tạo thành dòng chảy đến hố đào lấy đất nói trên, làm tích nước, phá vỡ thành hố đào, gây sạt lở, làm 4 người thuộc gia đình ông Trần Hoàng Phong chết và gây thiệt hại về tài sản của 11 hộ dân.

Thế nhưng, sau đó PC03 lại kết luận: chưa có cơ sở để khẳng định việc thi công công trình là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả của việc sạt lở xảy ra ngày 18-11-2018 tại dự án. 

Vụ sạt lở còn có tác động lớn của yếu tố thiên tai (do ảnh hưởng mưa lớn của cơn bão số 8). Do vậy, chưa đủ căn cứ xác định dấu hiệu của tội phạm "vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

"Chết 4 người mà không khởi tố là quá lạ"

Một cán bộ Viện KSND tỉnh Khánh Hòa cho biết theo quy định pháp luật, khi xảy ra sự kiện pháp lý có dấu hiệu tội phạm thì phải khởi tố vụ án để tiến hành điều tra. Quyết định không khởi tố vụ án chỉ đối với trường hợp, sự kiện pháp lý đó không có dấu hiệu tội phạm xảy ra. 

Còn việc xảy ra hậu quả chết người, như trong vụ sạt lở dự án trên núi Cô Tiên, là một sự kiện pháp lý có dấu hiệu tội phạm. "Một vụ việc xảy ra làm chết đến 4 mạng người mà không khởi tố điều tra là quá lạ" - vị này nói.

Trong khi đó, luật sư Phan Bạch Mai (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa) cho rằng việc không khởi tố vụ án đã xảy ra hậu quả, chẳng hạn chết người, chỉ trong các trường hợp bất khả kháng như do thiên tai, lũ lụt, hỏa hoạn... 

Còn trường hợp xảy ra hậu quả, làm chết người do hành vi trái quy định pháp luật của con người gây ra thì phải khởi tố vụ án để điều tra. 

Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan công an có nghĩa vụ điều tra, xác minh những hành vi gây ra hậu quả, làm chết người đó có đủ cơ sở khởi tố bị can hay không để quyết định khởi tố hay không khởi tố bị can.

Trong vụ sạt lở dự án khu dân cư cao cấp Hoàng Phú của Công ty TNHH đầu tư phát triển Thanh Châu trên núi Cô Tiên, trước đây đã có các văn bản kết luận, trả lời chất vấn trước HĐND tỉnh Khánh Hòa của giám đốc Sở Xây dựng và giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa. 

Theo các văn bản trả lời đó, chủ đầu tư dự án đã có các hành vi xây dựng công trình không có trong thiết kế, tự ý đào lấy đất trên mép núi để làm hồ bơi, không có biện pháp bảo đảm an tòan... dẫn đến hậu quả gây sạt lở núi Cô Tiên làm chết 4 người và gây thiệt hại cho nhiều hộ dân ở dưới chân núi thì đó là làm trái quy định pháp luật. 

Các hành vi đó cũng đã bị Sở Xây dựng lập biên bản vi phạm để xử lý. Như vậy, về nguyên tắc phải khởi tố vụ án để điều tra những hành vi vi phạm đó có phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các hậu quả, trong đó có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm chết 4 người dân, hay không, để xác định có hay không có cơ sở khởi tố bị can có các hành vi vi phạm pháp luật, gây ra các hậu quả đó.

Cũng theo luật sư Phan Bạch Mai, điều 369 Bộ luật hình sự năm 2015 có quy định về "tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội". 

Do đó, nếu thấy có cơ sở dấu hiệu vi phạm pháp luật về tố tụng thì bà Chung có quyền làm đơn tố cáo người có chức vụ, quyền hạn của cơ quan CSĐT đã ra quyết định không khởi tố vụ án mà quy định pháp luật quy định phải khởi tố vụ án đó.

Sau khi nhận được thông báo không khởi tố vụ án, thân nhân gia đình 4 người bị chết trong vụ sạt lở trên - gồm vợ chồng thầy cô giáo Trần Hoàng Phong, Nguyễn Thị Thủy và hai con nhỏ - đã gửi đơn kêu cứu và khiếu nại đến Thanh tra Bộ Công an và các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Về việc này, một kiểm sát viên cho biết công dân là người bị hại hoặc người liên quan theo quy định của pháp luật có toàn quyền khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án của cơ quan điều tra.

Nạn nhân vụ sạt lở núi Cô Tiên chưa được tái định cư lại bị buộc dỡ nhà tạm Nạn nhân vụ sạt lở núi Cô Tiên chưa được tái định cư lại bị buộc dỡ nhà tạm

TTO - Hơn một năm bị mất nhà do sạt lở dự án khu nhà ở cao cấp Hoàng Phú trên núi Cô Tiên (TP Nha Trang), nhiều nạn nhân vụ sạt lở núi Cô Tiên chưa được tái định cư lại bị buộc dỡ nhà ở tạm.

PHAN SÔNG NGÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên