14/03/2023 18:19 GMT+7

Vụ ‘siêu lừa’ chiếm đoạt 430 tỉ: Các ngân hàng xin chuyển tư cách 'bị hại'

Trong vụ án Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt 430 tỉ của ba ngân hàng, nhiều đại gia đứng tên đồng sở hữu sổ tiết kiệm gửi tiền cùng “siêu lừa” than vãn đang gặp khó khăn.

Vụ ‘siêu lừa’ chiếm đoạt 430 tỉ: Các ngân hàng xin chuyển tư cách bị hại - Ảnh 1.

"Siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG

Ngày 14-3, phiên tòa xét xử "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt 430 tỉ đồng của ba ngân hàng tiếp tục phần thẩm vấn. Các luật sư được tham gia xét hỏi các bị cáo và những người liên quan.

Các đại gia gửi tiền tiết kiệm tại ba ngân hàng NCB, VietAbank và Pvcombank đã bị "siêu lừa" Hà Thành chiếm đoạt, được xác định là những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Trong phiên tòa hôm qua và hôm nay, những đại gia này lần lượt trả lời các câu hỏi do luật sư đưa ra. 

Tại tòa, những người này đều than cuộc sống bị xáo trộn, công việc làm ăn gặp nhiều khó khăn vì tiền gửi tiết kiệm bị các ngân hàng "giam" nhiều năm nay.

Các đại gia dính hàng chục tỉ với "siêu lừa"

Một trong những đại gia đang bị các ngân hàng "giam" tiền nhiều nhất trong vụ án là ông Đặng Nghĩa Toàn. Ông có một sổ 20 tỉ đồng ở VietABank, 4 sổ trị giá 50 tỉ đồng ở NCB và 4 sổ 52 tỉ đồng tại PVcombank.

Trong phiên thẩm vấn sáng nay, khi được luật sư hỏi thời điểm gửi tiền có nhận thấy "dấu hiệu bất thường gì không", ông Toàn trả lời "thời điểm đó không thấy gì bất thường nên mới gửi tiền vào ngân hàng". 

Vị đại gia này khẳng định việc gửi tiền của mình vào cả ba ngân hàng là "đúng quy trình".

Tuy nhiên, quá trình theo dõi vụ việc suốt bốn năm qua, ông Toàn cho biết nhận thấy "có nhiều điều bất thường" mặc dù khâu kiểm soát của các ngân hàng rất chặt chẽ.

"Tại sao lại có chuyện khách hàng gửi tiền vào ngân hàng buổi sáng nhưng chiều cùng ngày chính khách hàng lại làm hồ sơ vay tiền ra ngay trong khi nếu cần thì rút toàn bộ ra vì vay chỉ được 95% tiền và phải chịu lãi suất cao.

Tiếp tục, khi đến hạn tất toán, khách hàng cần tiền vẫn không rút mà lại tất toán khoản vay cũ để vay mới và chịu lãi suất cao. Cứ thế vòng tròn lặp lại mà ngân hàng không thấy bất thường", ông Toàn phân trần.

Cũng theo ông Toàn, vụ việc xảy ra trong suốt thời gian dài, với nhiều khách hàng mà ngân hàng không biết là một bất thường lớn.

Vị đại gia than cuộc sống gia đình, kinh doanh gặp nhiều xáo trộn vì hơn 122 tỉ bị "kẹt" tại ba ngân hàng trong nhiều năm qua.

Trong số những người đứng tên đồng sở hữu với "siêu lừa" Nguyễn Thị Hà Thành gửi tiền tiết kiệm còn có ông Triệu Hùng Cường.

Bảo vệ cho ông Cường, luật sư Đặng Thành Tài đưa ra quan điểm khách hàng ký hợp đồng hợp pháp với ngân hàng và việc "siêu lừa" Hà Thành cấu kết cùng nhân viên ngân hàng làm giả chữ ký của khách để thế chấp và vay tiền, đó là hai khoản tiền khác nhau.

"Khách hàng không thế chấp thì phải trả lại tiền cho họ. Hà Thành giả chữ ký khách để chiếm đoạt tiền của VietAbank thì buộc Thành bồi thường cho VietABank, không thể lấy tiền của khách để đền VietABank", luật sư nêu quan điểm.

Ngoài ông Cường, ông Toàn, một số đại gia khác cũng bị các ngân hàng liên quan vụ án "giam" sổ tiết kiệm. Trong đó, bà Triệu Thị Tuyết Trinh cho hay bị VietABank "giam" 3 sổ trị giá 75 tỉ đồng.

Tại tòa, các đại gia đều đề nghị ba ngân hàng NCB, VietABank và PVcombank chấm dứt việc phong tỏa các sổ tiết kiệm và sớm trả toàn bộ tiền bị "giam".

Các ngân hàng nói "siêu lừa" phải chịu trách nhiệm

Tại phiên tòa chiều nay, đại diện PVcombank đề nghị hội đồng xét xử thay đổi tư cách tố tụng của ngân hàng từ bị hại sang người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Theo giải thích từ phía đại diện PVcombank, bản chất giao dịch giữa "siêu lừa" Hà Thành và vợ chồng ông Toàn là vay tiền trả lãi.

"Thành cố tình lừa dối vợ chồng ông Toàn để chiếm dụng số tiền trong sổ tiết kiệm. Vì thế, nếu có tranh chấp, Thành phải chịu trách nhiệm trả gốc và lãi cho vợ chồng ông Toàn theo thỏa thuận giữa hai bên", đại diện PVcombank lập luận.

Vụ ‘siêu lừa’ chiếm đoạt 430 tỉ: Các ngân hàng xin chuyển tư cách bị hại - Ảnh 3.

Đại diện Ngân hàng PVcombank tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG

Tương tự, đại diện NCB cũng mong muốn được thay đổi tư cách tố tụng như PVcombank.

Đại diện ngân hàng này cho rằng "siêu lừa" Hà Thành có quan hệ vay mượn với người tham gia tố tụng khác, bị cáo dùng thủ đoạn gian dối để lấy tiền của những người này chứ không phải lấy tiền của ngân hàng.

Tuy nhiên khi được hỏi ý kiến, ông Toàn không đồng ý với đề nghị trên vì tiền ông gửi vào ngân hàng theo đúng quy trình. 

Việc "siêu lừa" Hà Thành chiếm đoạt tiền gửi tiết kiệm của khách hàng là do có sự giúp sức của nhân viên ngân hàng.

"Tôi muốn ngân hàng trả lại tiền của tôi trong các sổ tiết kiệm, bao gồm cả tiền lãi tính đến thời điểm hiện tại, theo đúng quy định pháp luật", ông Toàn trình bày tại tòa.

Tương tự đại diện của hai đại gia khác đang bị ngân hàng "giam" tiền cũng không đồng ý với đề xuất trên của ngân hàng và yêu cầu các ngân hàng phải trả toàn bộ tiền gốc và lãi theo hợp đồng tiền gửi.

Đại gia gửi tiền vụ Đại gia gửi tiền vụ 'siêu lừa’ 430 tỉ đồng: 'Tôi không bị Hà Thành lừa'

Tại tòa, ông Đặng Nghĩa Toàn - người có số tiền gửi tại ba ngân hàng - khẳng định rằng "không bị Hà Thành lừa", bởi theo ông, tiền trong sổ rất khó mất, khâu kiểm soát của ngân hàng rất chặt chẽ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên