05/03/2022 10:40 GMT+7

Vững 'tuyến ngoài' ở trạm y tế lưu động

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Hàng trăm tình nguyện viên là đoàn viên thanh niên TP Đà Nẵng đang được tăng cường về các trạm y tế lưu động. Họ đã lao vào xây dựng tuyến ngoài vững vàng để cùng các y bác sĩ hỗ trợ cho hàng chục ngàn F0 đang điều trị tại nhà.

Vững tuyến ngoài ở trạm y tế lưu động - Ảnh 1.

Tình nguyện viên túc trực tại một trạm y tế lưu động ở phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Các trạm y tế lưu động với hai lực lượng chính là nhân viên y tế và tình nguyện viên đang được vận hành một cách nhịp nhàng và hiệu quả.

Những cuộc gọi lúc nửa đêm

Khoảng 1h30 một đêm lạnh, tiếng chuông điện thoại reo liên hồi. "Alô, trạm y tế lưu động phường Hòa Minh xin nghe!". Ở đầu dây bên kia, tiếng người thân của một bệnh nhân nhiễm COVID-19 gấp gáp. Chỉ nghe được những ý rời rạc: "Không thở được, co giật dữ lắm, phải làm sao…".

Ở đầu dây bên này, các "tổng đài viên" áo xanh vừa trấn an người thân bệnh nhân vừa hướng dẫn các bước sơ cứu tạm thời và nhanh chóng liên hệ bác sĩ. Hai tình nguyện viên khác nhanh chóng vác bình oxy rẽ màn đêm lao đến nhà F0 - nơi một F0 đang tranh giành từng nhịp thở với con virus vô hình.

Rất nhanh chóng, các tình nguyện viên đã cấp cứu ban đầu cho người bệnh, sau đó dẫn đường cho bác sĩ đến hỗ trợ và liên hệ xe cấp cứu đưa bệnh nhân vào bệnh viện. Nhờ được cấp cứu kịp thời mà bệnh nhân đã ổn định và hiện đang dần bình phục.

Một trong các tình nguyện viên ca trực hôm ấy là Tôn Nữ Xuân Thương (22 tuổi) - cô sinh viên năm cuối Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng. Đó là đêm trực như bao đêm khác của Thương cùng ba tình nguyện viên nữa tại trạm y tế lưu động phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng).

Từ những ngày cuối tháng chạp năm ngoái, khi trạm y tế lưu động được lập ở từng khu phố, Thương xin phép gia đình đăng ký tham gia. "Bữa đó ba mẹ cũng la dữ lắm. Vì lo cho tôi con gái mà đi miết, còn trực đêm rồi việc học ban ngày sợ không chịu nổi. Tôi cũng năn nỉ, thuyết phục dữ lắm ba mẹ mới cho đi" - Thương nhớ lại.

Thế là suốt những ngày Tết Nguyên đán, cứ một ngày Thương trực 24/24 giờ rồi một ngày nghỉ để… ngủ bù. Đến nay khi quay lại việc học, Thương lại đăng ký trực ca đêm để ban ngày lo bài vở.

Những cuộc gọi lúc 1h - 2h sáng cũng dần quen. Không ít lần cô phải theo xe cấp cứu trong đêm, đưa những bệnh nhân lớn tuổi đến Bệnh viện Hòa Vang cách đó hơn chục cây số. Từ dìu bệnh nhân lên xuống xe, xách đồ đạc, hỗ trợ thủ tục… các bạn "áo xanh" chẳng nề hà việc gì. Thương bảo rằng công việc này trui rèn cho mình sự bình tĩnh để xử lý tình huống, sự kiên trì và đặc biệt cho bản thân thêm niềm vui khi được cống hiến, giúp đỡ mọi người.

Cánh tay nối dài của lực lượng y tế

Vững tuyến ngoài ở trạm y tế lưu động - Ảnh 2.

Ngoài hỗ trợ tại trạm y tế lưu động, Xuân Thương thường theo xe cấp cứu để hỗ trợ bệnh nhân khi cần - Ảnh: THU HIỀN

Hiện mỗi phường, xã đều có những trạm y tế lưu động để hỗ trợ điều trị F0 tại nhà. Các trạm y tế này dùng chính nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở các khu dân cư làm "nơi trực chiến". Trạm có một góc dành riêng để các vật dụng y tế, bình oxy. Chính giữa là những chiếc bàn với máy tính để nhập liệu và những chiếc điện thoại bàn kết nối đường dây nóng. Một góc khác đặt hai chiếc giường xếp để ca trực đêm các tình nguyện viên thay phiên nhau chợp mắt.

Cùng với lực lượng y tế, các tình nguyện viên phân chia nhau trực điện thoại, nhập dữ liệu danh sách F0, cấp giấy chứng nhận đã khỏi bệnh và sẵn sàng hỗ trợ khi người bệnh cần… Ban ngày có nhân viên y tế nhưng ban đêm đa số chỉ có 4 tình nguyện viên túc trực, khi có tình huống cần can thiệp chuyên môn thì mới gọi các bác sĩ.

Theo Trần Nguyễn Như Phong (26 tuổi, một tình nguyện viên tại trạm y tế lưu động thuộc phường Hòa Minh), nếu ca trực đêm là những cuộc chạy đua với thời gian cùng các bệnh nhân nặng thì ca ngày căng thẳng với những cuộc điện thoại liên hồi. Ở các trạm y tế này, suốt mỗi ca trực kéo dài 12 giờ, các bác sĩ và tình nguyện viên liên tục nhận cuộc gọi cần "gỡ rối" từ các F0.

"Có khi mỗi ca trực nhận cả trăm cuộc điện thoại. Không ít cuộc gọi có chút khó chịu từ người bệnh nhưng mọi người đều bình tĩnh xử lý. Có lần khi dẫn bác sĩ đến nhà một F0, bệnh nhân không bình tĩnh đã đạp đổ hết bình oxy, đạp vào người bác sĩ và tôi. Bác sĩ chắc đã quen nhưng tôi có chút bối rối" - Phong nói.

Chị Phạm Trần Trúc Mai (bí thư Đoàn phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho biết trước khi tham gia hỗ trợ các trạm y tế lưu động, tất cả tình nguyện viên đều được y bác sĩ của Trung tâm y tế quận tập huấn kiến thức, quy trình điều trị F0 tại nhà, kỹ năng xử lý khi có tình huống F0 trở nặng cần can thiệp y tế.

Anh Nguyễn Mạnh Dũng, bí thư Thành đoàn Đà Nẵng, nhìn nhận phong trào thanh niên "2 sẵn sàng" vẫn còn nguyên giá trị của nó. Bất kỳ nơi nào cần thì lực lượng đầu tiên vẫn là thanh niên xung kích, tham gia các công việc mà cấp ủy, chính quyền địa phương yêu cầu.

"Các bạn không nề hà giờ giấc, công việc để hỗ trợ lúc dân cần. Tôi vẫn cảm nhận tinh thần ấy trong những ngày thành phố căng mình chống dịch suốt hai năm qua" - anh Dũng nói.

'Giữ lửa' cho trạm y tế lưu động

TTO - Hơn 1.600 sinh viên trường y sẽ thực tập tại các trạm y tế lưu động trên địa bàn TP.HCM, là một tín hiệu đáng mừng trong công cuộc "giữ lửa" tuyến đầu khi lực lượng quân y đã rút đi.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên