World Cup: Cuộc chơi đã sòng phẳng hơn

HUY ĐĂNG 02/12/2022 17:49 GMT+7

TTCT - Cho tới giờ, World Cup 2022 không chỉ hấp dẫn về chuyên môn, mà còn mang đến những cảm xúc đặc biệt khi các đại gia liên tiếp ngã ngựa trước các đối thủ dưới cơ.

Sau 32 trận đấu đầu tiên của 2 lượt đấu vòng bảng, người hâm mộ có thể kể được không dưới 10 trận đấu bất ngờ ngoạn mục: Saudi Arabia quật ngã Argentina, Nhật Bản ngược dòng thắng Đức, rồi hạ cả Tây Ban Nha để giành ngôi đầu bảng, Hàn Quốc áp đảo Uruguay, Morocco đánh bại Bỉ, hay Iran thắng thuyết phục xứ Wales...

World Cup: Cuộc chơi đã sòng phẳng hơn - Ảnh 1.

Takefusa Kubo là quả ngọt điển hình cho sự kết tinh giữa tố chất châu Á và lò đào tạo châu Âu. Ảnh: REUTERS

Một thời chênh lệch

Các đội bóng châu Á - châu lục được xem là vùng trũng của bóng đá thế giới - đã góp phần không nhỏ vào những bất ngờ đấy. Vài ngày sau khi World Cup khởi tranh, báo Ấn Độ Indian Express dùng một cách gọi khác, lãng mạn và hợp lý hơn về bóng đá châu Á - "lục địa ngủ quên của bóng đá toàn cầu".

Một thời, các đại diện châu Á được mặc định là đội lót đường, có mặt cho vui, ở các kỳ World Cup. Những trận thua "lấy rổ đựng bóng" là chuyện quen thuộc. Thống kê cho thấy trước World Cup này, các đội châu Á có tổng cộng 43 lần tham dự (Hàn Quốc nhiều nhất, 11 lần), nhưng chỉ có 7 lần vượt qua vòng bảng.

Để so sánh, các đại diện châu Phi đã 9 lần vượt qua vòng bảng trong số 49 lần tham dự, các đội Bắc Trung Mỹ - Caribe là 17/46, Nam Mỹ 53/89, và châu Âu hiển nhiên không phải bàn. Châu Á cũng chưa từng tiến xa ở World Cup, ngoài kỳ tích của Hàn Quốc cách đây 20 năm. Nhưng chuyến phiêu lưu đó của họ hoen ố phần nào vì những quyết định đáng ngờ của trọng tài.

20 năm sau, Nhật Bản, Hàn Quốc, và cả Saudi Arabia hay Iran đã không còn đến World Cup với tâm thế đội yếu nữa. Họ không cần đến sự thiên vị của trọng tài, những lợi thế vụn vặt về sân bãi hay giờ thi đấu, và không còn chơi tử thủ chỉ để kiếm 1 điểm hay một trận thua đỡ mất mặt nữa.

Nguyên nhân khách quan

Các trận đấu ở World Cup 2022 cân bằng hơn một phần có lẽ vì lịch thi đấu, vấn đề đã được tranh luận rất nhiều từ trước khi World Cup khởi tranh.

Nỗi lo của các HLV ở cấp độ CLB là có cơ sở. Thống kê của trang premierinjuries.com cho thấy sau 2 lượt trận đầu tiên, đã có 25 cầu thủ dính chấn thương khá nặng.

Sự quá tải của cầu thủ còn thể hiện qua khoảng thời gian cộng thêm cho mỗi hiệp đấu thường xuyên lên đến hơn 10 phút: cầu thủ liên tiếp nằm sân sau những pha va chạm, và nhiều người đã phải nói lời chia tay sớm.

Các ngôi sao châu Âu hầu hết chỉ có đúng một tuần để chuẩn bị cho World Cup 2022, khi các giải lớn đều thi đấu đến tận ngày 13-11.

Trong khi đó, trận đấu cuối cùng của J-League (Giải vô địch quốc gia Nhật Bản) là 5-11, Hàn Quốc 23-10, Saudi Arabia 17-10, và Iran 2-11.

Nhiều cầu thủ châu Á nhờ vậy được nghỉ ngơi nhiều hơn 2-3 tuần so với đồng nghiệp châu Âu. World Cup năm nay cũng diễn ra trong điều kiện môi trường, khí hậu và múi giờ thuận lợi hơn cho dân châu Á, đặc biệt là các cầu thủ vùng Vịnh.

Trong trận thắng Argentina, HLV Herve Renard của Saudi Arabia đã khiến đại diện Nam Mỹ rơi vào cái bẫy của ông. Argentina vào trận hùng hổ đến mức HLV Lionel Scaloni đẩy Lionel Messi xuống đá tiền vệ và sử dụng tới 4 tiền đạo. 

Ông Scaloni có lẽ tưởng rằng đề bài với ông chỉ là xuyên phá hàng phòng ngự dày đặc của đối phương. Nhưng Saudi đã chẳng hề phòng ngự co cụm. Họ khắc chế Messi và các đồng đội bằng bẫy việt vị, rồi kết liễu Argentina sau 10 phút dồn ép tưng bừng đầu hiệp 2.

Đại diện Trung Đông đã chiến thắng bằng chiến thuật hợp lý, nhưng điều quan trọng hơn là họ cho thấy một đội bóng châu Á hoàn toàn đủ sức dồn ép đại gia của bóng đá thế giới trong suốt gần 20 phút. 

Vòng đấu tiếp theo, Saudi Arabia chơi đôi công cả trận với Ba Lan, và chỉ thua vì một vài khoảnh khắc, bao gồm một quả phạt đền hỏng ăn.

World Cup: Cuộc chơi đã sòng phẳng hơn - Ảnh 3.

Lò đào tạo ở Nhật Bản là trung tâm bóng đá trẻ lớn và quan trọng nhất của Barcelona bên ngoài Tây Ban Nha. Ảnh: fcbarcelona.com

Bóng đá đi cùng xã hội

Những tiến bộ này mang tính đại diện. Các cầu thủ châu Á ngày nay đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với những ngôi sao châu Âu hoặc Nam Mỹ về thể lực, tốc độ, kỹ thuật và cả chiến thuật. 

Đó là kết quả của hàng chục năm trời đầu tư, những học viện mới xây, những ngôi sao sang nước ngoài thi đấu, hay những HLV ngoại chất lượng được mời về.

Năm 2012, giáo sư Ben Weinberg của Đại học Khoa học thể thao Đức công bố nghiên cứu tựa đề: "Châu Á là tương lai của bóng đá". 

Trong đó, ông dẫn chứng nhiều điểm mạnh mà châu Á còn chưa khai thác được như lợi thế về dân số, phẩm chất khéo léo, tinh thần tập thể... 

Cũng theo giáo sư Weinberg, trong thời đại khoa học công nghệ hiện giờ, các lò đào tạo mẫu mực không còn là lợi thế riêng của bóng đá phương Tây nữa.

Đầu năm nay, Barcelona thông báo thành lập học viện thứ 5 tại Nhật Bản ở thành phố Hiroshima, nơi sẽ đón khoảng 300 học viên, nâng tổng số học viên Barca ở Nhật lên khoảng 1.350. 

Đất nước mặt trời mọc như thế trở thành một trong những quốc gia được tư duy bóng đá tiki-taka của Barca phổ biến rộng rãi nhất bên ngoài Tây Ban Nha. 

Hệ thống học viện Barca này đã được khởi động từ năm 2009, và đến nay cho ra lò gần 10.000 cầu thủ, gồm những ngôi sao hàng đầu của bóng đá Nhật Bản hiện nay, như Takehiro Tomiyasu và Takefusa Kubo, đều đang đá ở châu Âu trong màu áo Arsenal và Mallorca.

Ngoài Barca, nhiều CLB hàng đầu thế giới khác cũng đã nhìn thấy tiềm năng và chia sẻ "công thức" với châu Á. Real Madrid, Juventus, Arsenal, hay Dortmund đều đã xây dựng hệ thống học viện ở châu lục này.

Trung Quốc, Qatar, Saudi Arabia, UAE, Nhật Bản, Hàn Quốc, và cả Thái Lan đều đã đầu tư ồ ạt cho môn túc cầu, trở thành đất hứa mới của bóng đá châu Âu.

Gần như mọi đội bóng lớn của châu Âu đều có quan hệ chặt chẽ với châu Á. Manchester City, PSG và Newcastle thuộc sở hữu các ông chủ Trung Đông. 

Barca ký hợp đồng hàng trăm triệu euro với Qatar, Atletico Madrid được Tập đoàn Wanda của Trung Quốc bảo trợ nhiều năm qua, Chelsea có hợp đồng lớn với Hyundai Hàn Quốc, Arsenal ký kết với Konami Nhật Bản, và cả Thái Lan cũng có riêng một đội bóng lừng danh là Leicester.

Với sức ảnh hưởng mạnh mẽ về thương mại, bóng đá châu Á đã buộc phương Tây trở thành đối tác với họ, theo tôn chỉ "bóng đá cho toàn cầu" của FIFA. 

Khi các công thức đào tạo trẻ, khoa học công nghệ, dinh dưỡng, y học thể thao, giáo án chiến thuật... được phổ biến rộng rãi, châu Á dần dà rút ngắn khoảng cách với đẳng cấp thế giới. ■


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận