17/10/2023 10:55 GMT+7

Xả bậy rác thải y tế nguy hại ra môi trường sẽ bị xử lý như thế nào?

Chất thải y tế được xem là nguồn thải độc hại. Việc tiêu hủy, xả bậy rác thải y tế gây nhiều hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Hình ảnh chiếc xe chở rác thải y tế, nhân viên phòng khám và đám cháy xử lý chất thải được người dân quay lại ngày 12-10 - Ảnh cắt từ clip

Hình ảnh chiếc xe chở rác thải y tế, nhân viên phòng khám và đám cháy xử lý chất thải được người dân quay lại ngày 12-10 - Ảnh cắt từ clip

Liên quan vụ việc xe bán tải của Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi - Thủ Dầu Một (Bình Dương) bị người dân phát hiện có hành vi xả bậy rác thải y tế xuống khu vực bờ sông Sài Gòn, đoạn qua khu tái định cư An Sơn (xã An Sơn, TP Thuận An, Bình Dương), ông Nguyễn Hồng Chương - giám đốc Sở Y tế Bình Dương - đánh giá nếu đúng sự thật, đây là "sự việc nghiêm trọng".

Nhiều câu hỏi quanh các lọ thuốc thải bỏ

Thông tư 20/2021 chỉ rõ chất thải y tế phát sinh từ hoạt động của cơ sở y tế, bao gồm chất thải y tế nguy hại, chất thải rắn thông thường, chất thải lỏng không nguy hại và nước thải y tế... Trong đó, chất thải y tế nguy hại rất dễ lây nhiễm, gây ngộ độc, phóng xạ hoặc dễ cháy nổ, gây nguy hại cho sức khỏe con người và hệ sinh thái.

Ghi nhận thực tế của Tuổi Trẻ Online cho thấy trong số các loại rác thải được mang tiêu hủy có hàng trăm lọ thuốc bằng thủy tinh (đã hết hoặc còn 1/3 trong lọ, một số lọ có nhãn hiệu tiếng Trung Quốc).

Đối chiếu theo mục 3, điều 4 thông tư 20/2021, đây là loại rác thải nguy hại. Cụ thể ở đây là vỏ chai, lọ đựng thuốc hoặc hóa chất, các dụng cụ dính thuốc hoặc hóa chất thuộc nhóm gây độc tế bào hoặc có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất.

Đặc biệt cần xác định thêm có hay không việc trong các lọ thuốc này có hóa chất chứa thành phần, tính chất nguy hại vượt ngưỡng chất thải nguy hại, hoặc có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất. Hoặc dược phẩm thải bỏ thuộc nhóm gây độc tế bào, có cảnh báo nguy hại trên bao bì từ nhà sản xuất hay không.

Hàng trăm lọ thuốc được xác định là loại chất thải y tế nguy hại theo điều 4, thông tư 20/2021 được xe của Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi - Thủ Dầu Một chở ra đốt và xả thẳng xuống sông Sài Gòn (đoạn qua Bình Dương) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Hàng trăm lọ thuốc được xác định là loại chất thải y tế nguy hại theo điều 4, thông tư 20/2021 được xe của Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi - Thủ Dầu Một chở ra đốt và xả thẳng xuống sông Sài Gòn (đoạn qua Bình Dương) - Ảnh: CHÂU TUẤN

Xả bậy rác thải y tế có thể bị xử phạt đến 10 năm tù

Cũng theo thông tư 20/2021, các chất thải y tế nguy hại bắt buộc phải được xử lý đúng quy định. Các loại chất thải y tế nguy hại phải được thu gom riêng biệt, quá trình vận chuyển phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về phương tiện vận chuyển, lưu trữ, phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường.

Theo luật sư Sinh Nguyễn (Đoàn luật sư TP.HCM), đối với hành vi tiêu hủy rác thải y tế không đúng quy định, nếu vi phạm nhẹ sẽ bị xử lý hành chính, khắc phục hậu quả về môi trường. Trường hợp có dấu hiệu hình sự như tội gây ô nhiễm môi trường (điều 235), tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (điều 236), mức phạt cao nhất đối với cá nhân có thể lên đến 10 năm tù.

Luật sư Sinh còn nói đối với pháp nhân thương mại, nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại điều 79 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017), tức gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội... có thể bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

"Ngoài ra còn có các tội khác có thể được xem xét, truy tố tùy vào trường hợp vụ án như tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (điều 239); tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người (điều 240). Tùy vào mức độ vi phạm sẽ có mức xử lý phù hợp theo Bộ luật Hình sự đang có hiệu lực pháp luật" - luật sư Sinh phân tích.

Ngoài các loại chất thải y tế nguy hại, Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi - Thủ Dầu Một còn tiêu hủy rất nhiều giấy tờ, hóa đơn giá trị gia tăng, phiếu thu tiền và các phiếu điều trị - Ảnh: CHÂU TUẤN

Ngoài các loại chất thải y tế nguy hại, Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi - Thủ Dầu Một còn tiêu hủy rất nhiều giấy tờ, hóa đơn giá trị gia tăng, phiếu thu tiền và các phiếu điều trị - Ảnh: CHÂU TUẤN

Hồ sơ bệnh án lưu trữ ít nhất 10 năm

Theo ghi nhận, Phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi - Thủ Dầu Một còn tiêu hủy rất nhiều loại giấy tờ, gồm hóa đơn giá trị gia tăng, phiếu thu tiền, phiếu điều trị có tên phòng khám này và chữ ký của các bác sĩ Trung Quốc.

Đánh giá về vấn đề này, luật sư Hồ Thanh Thảo (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết nếu các hồ sơ, giấy tờ trên thuộc danh mục hồ sơ bệnh án thì việc làm này vi phạm Luật Khám chữa bệnh.

Cụ thể, căn cứ khoản 7, điều 58 Luật Khám chữa bệnh 2009, quy định hồ sơ bệnh án nội trú, ngoại trú sẽ được lưu trữ ít nhất 10 năm; hồ sơ bệnh án tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt được lưu trữ ít nhất 15 năm và hồ sơ bệnh án đối với người bệnh tâm thần, người bệnh tử vong được lưu trữ ít nhất 20 năm.

Cũng theo luật sư Thảo, trường hợp lưu trữ hồ sơ bệnh án bằng bản điện tử, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có bản sao dự phòng và thực hiện theo các chế độ lưu trữ quy định như đối với hồ sơ bệnh án, theo điều 59 Luật Khám chữa bệnh quy định.

Phi tang xóa dấu vết xả bậy rác thải y tế

Chiều 16-10, ngay sau khi Tuổi Trẻ Online phản ánh, xe bán tải biển số 61C-517.97 chở theo nhóm người lại xuất hiện tại khu vực đốt, xả bậy các loại rác thải y tế nhằm phi tang, xóa dấu vết. Rất may các hình ảnh tài liệu đã được phóng viên ghi lại.

Công an TP Thủ Đức thụ lý vụ hút hầm cầu xả bậyCông an TP Thủ Đức thụ lý vụ hút hầm cầu xả bậy

TTO - Hai tuần sau loạt bài phản ánh của Tuổi Trẻ về việc xe hút hầm cầu xả bậy ra môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã xác định hành vi, mức độ vi phạm và đề nghị cơ quan chức năng TP Thủ Đức sớm hoàn tất hồ sơ xử phạt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên