Xa hơn tranh chấp Vinasun - Grab

NGUYỄN VẠN PHÚ 03/11/2018 20:11 GMT+7

TTCT - Mô hình Grab không phải là kinh tế chia sẻ. Ở đây làm gì có chuyện chia sẻ nguồn lực nhàn rỗi tạm thời không sử dụng hết công suất! Các tài xế phải vay tiền ngân hàng, phải chạy xe suốt từ sáng đến tối mịt để trả nợ chứ đâu phải chỉ chạy khi rảnh rỗi.

minh họa

Ngắn hạn

Nếu Vinasun dùng Luật cạnh tranh để kiện Grab, người viết bài này sẽ ủng hộ 100% và tin chắc công lý cũng như công luận sẽ đứng về phía Vinasun. Này nhé, Luật cạnh tranh 2004 cũng như Luật cạnh tranh 2018 đều cấm “Bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ dưới giá thành toàn bộ nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh”.

Thiết nghĩ chứng minh Grab tính giá cước dưới giá thành là không khó - theo thông tin từ báo chí, doanh nghiệp này đã lỗ tổng cộng hơn 1.700 tỉ đồng trong 4 năm hoạt động, mức lỗ ngày càng tăng. Chứng minh Grab là công ty vận tải chứ không chỉ là công ty công nghệ cũng không khó: Nếu chỉ là công ty công nghệ, vì sao ghi nhận toàn bộ doanh thu từ khách hàng là doanh thu của Grab? Nếu chỉ là công ty công nghệ, vì sao Grab có những khoản lỗ lớn, bao gồm cả tiền trả cho lái xe?

Bán phá giá để dìm chết đối thủ cạnh tranh là lối chơi không đẹp, chẳng khác nào lấy tiền từ các nhà đầu tư, san sẻ cho khách hàng (trợ giá), lái xe (trợ cấp) để chiếm thị phần, đẩy giá trị thị trường của họ lên cao và hưởng lợi từ thị giá cao này!

Thế nhưng lập luận của Vinasun tại phiên tòa chẳng khác nào là lập luận thay cho ông Nhà nước đi soi Grab làm đúng luật hay chưa (vi phạm đề án 24), đóng thuế bao nhiêu, thậm chí lo cả chuyện Grab sẽ “tháo chạy” như Uber(?).

Trung hạn

Với những người sớm sử dụng dịch vụ gọi xe tự động Uber ngày trước và Grab hiện nay, điều khiến họ thích thú có lẽ là cảm giác mình nắm được quyền kiểm soát toàn bộ quy trình: chỉ cần mở ứng dụng lên, bấm bấm vài cái là chẳng bao lâu sau chiếc xe mà mình đã nắm đúng thông số xuất hiện, sẵn sàng chở bạn đi công việc.

Hai bên chẳng cần trao đổi gì nhiều ngoài cái gật đầu chào nhau. Kết thúc chuyến đi, cũng chẳng cần móc túi ra trả cho nhiêu khê, tiền trừ ngay vào thẻ tín dụng - tất cả đều tự động. Nó như một game điện tử nhưng rất thật.

Có lẽ ứng dụng gọi xe tự động sẽ không lan rộng nếu không có các nhà đầu tư mạo hiểm. Họ trông thấy một cơ hội “đầu tư sớm” vào một Google hay Facebook mới khi giá còn rẻ để chờ khoản đầu tư của họ tăng gấp 10 lần, 100 lần trong vài năm tới.

Bố mẹ Jeff Bezos đầu tư 250.000 đôla vào Amazon năm 1995, nay khoản đầu tư này trị giá chừng 30 tỉ đôla. Thế là tiền rót vào Uber, Grab không tài nào tiêu hết trong khi kỳ vọng của nhà đầu tư càng tăng.

Cách duy nhất để thỏa mãn kỳ vọng này là tăng thị phần, tăng lượng xe, lượng tài xế, số cuốc, số kilômet trên các biểu đồ thuyết minh. Uber, Grab hay bất kỳ doanh nghiệp nào đi theo mô hình kinh tế chia sẻ kiểu này đều lỗ nặng.

Mức lỗ này trước mắt làm cho khách đi xe hài lòng vì giá giảm, thấp hơn đáng kể so với taxi truyền thống; lái xe cũng hài lòng vì giá cuốc xe tuy thấp nhưng đủ thứ mức thưởng níu kéo họ mở ứng dụng chạy ngoài đường. Chỉ có các hãng taxi truyền thống là nổi giận vì bị cạnh tranh theo kiểu phá giá, cả khách hàng lẫn lái xe bị lôi kéo qua sân chơi kỳ lạ này.

Chính yếu tố giá rẻ làm Uber ngày trước và Grab hiện nay thâm nhập thị trường một cách mãnh liệt, gây khó khăn cho các hãng như Vinasun. Giả dụ một doanh nghiệp khác cũng khởi nghiệp như Grab liệu có phát triển nổi chăng?

Làm ra ứng dụng không khó, tuyển mộ lái xe cũng không khó nhưng sẽ không có hãng taxi nào cũng như doanh nghiệp khởi nghiệp nào trụ nổi khoản lỗ vài trăm tỉ mỗi năm trừ phi có tiền từ các quỹ đầu tư rót vào. Như vậy cuộc chiến giữa Grab và Vinasun không phải là cuộc chiến công nghệ, không liên quan gì đến 4.0 hay 5.0 gì cả. Nó chỉ là sự đọ sức xem ai trường vốn hơn. 

Một mình Vinasun làm sao địch nổi hàng chục nhà đầu tư tài chính với các nguồn vốn khổng lồ, kiểu như Microsoft, Softbank, Toyota... đang đầu tư vào Grab. Điều đáng buồn là Vinasun biết lấy tiền đâu đầu tư mua xe mới cho sạch, cho thơm trong khi Grab không cần dùng tiền của các nhà đầu tư làm chuyện đó.

Chính các tài xế Việt Nam phải vay tiền mua xe chạy cho Grab nhằm thu một phần dòng tiền đầu tư kia nhưng rủi ro trước mắt là rất lớn. Cứ nhìn bài học của Uber là sẽ hiểu ngay những rủi ro này.

Uber sắp sửa phát hành cổ phiếu ra công chúng lần đầu tiên (IPO) vào đầu năm 2019, dự kiến đưa giá trị doanh nghiệp này lên đến 120 tỉ đôla Mỹ, đem lại những khoản lãi khổng lồ cho những nhà đầu tư từng rót vốn cho nó. Chắc chắn một thời gian sau đó nó sẽ phải chuyển đổi phương thức phát triển, phải chấm dứt lỗ dưới đòi hỏi của thị trường.

Tương lai Grab cũng vậy nhưng chưa biết bao giờ. Nay nó cứ sẽ tiếp tục lỗ và tiếp tục gây khó cho Vinasun trong sự thích thú của những người muốn đi xe giá rẻ.

Bảo vệ Vinasun là nhiệm vụ bất khả thi vì nếu Vinasun không đem lại gì cho mô hình kinh tế mới, làm sao tồn tại lâu dài được, chứ nói gì chuyện lời lỗ. Ngược lại, bảo vệ các lái xe giảm bớt rủi ro khi tham gia các mô hình mới, bảo vệ người tiêu dùng trước sự bất ổn của các chủ thể mới... là nằm trong tầm tay.

Dài hạn

Nhà sử học Do Thái Yuval Harari ví von thế mà đúng: Loài người từ bỏ cuộc sống du canh du cư, săn bắt, hái lượm tự do thoải mái để chôn chân bên cánh đồng, làm nô lệ cho cây lúa, cây ngô, bỏ công chăm sóc chúng suốt ngày đêm rồi chịu thiên tai, địch họa, chiến tranh, đói kém. Có bao giờ tổ tiên chúng ta tự hỏi vì sao lại bỏ mô hình này chọn mô hình kia cho cực khổ thế không? Chắc là không.

Những xu hướng kinh tế mới nảy sinh, cho dù đem lại nhiều phiền toái, nhiều rủi ro và bất công, vẫn sẽ là xu hướng không thể tránh khỏi. Thiết nghĩ bản chất mô hình Grab không phải là kinh tế chia sẻ. Ở đây làm gì có chuyện chia sẻ nguồn lực nhàn rỗi tạm thời không sử dụng hết công suất!

Các tài xế phải vay tiền ngân hàng, phải chạy xe suốt từ sáng đến tối mịt để trả nợ chứ đâu phải chỉ chạy khi rảnh rỗi. Grab là mô hình kinh tế bỏ bớt tầng nấc trung gian để cá nhân giao dịch với cá nhân.

Mô hình kinh tế này xảy ra trong nhiều lĩnh vực chứ không chỉ xe cộ, đi lại. Trong thanh toán bằng điện thoại di động, nó bỏ Visa, Mastercard; trong hẹn hò, nó bỏ các ông mai, bà mối; trong lưu trú, nó bỏ các công ty quản lý khách sạn... Giai đoạn đầu, nó cần những khoản vốn lớn để phát triển vì thu về cho nơi tạo sự kết nối giữa cá nhân và cá nhân không đáng kể.

Đồng thời nó sẽ phá vỡ các mối quan hệ trước đó như người lái xe với hãng taxi, như các cửa hàng nhỏ lẻ làm trung gian phân phối. Nhiều công việc mất đi, nhiều công việc khác được sinh ra, thay chỗ.

Cũng giống tổ tiên chúng ta đâu biết cái nào hơn cái nào, giờ cũng khó phân định làm chủ một tiệm tạp hóa sướng hơn hay khi thương mại điện tử xóa sổ các tiệm tạp hóa này thì làm anh giao hàng sướng hơn. Cái duy nhất có thể nói được là xu hướng này khá rõ, nhà nước phải bỏ công tìm hiểu, nhận định lại vai trò của mình và xác định mình sẽ bảo vệ lợi ích cho ai, số đông người dân hay thiểu số có tiền, có quan hệ.■

 

Tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ

Cuộc cách mạng CN 4.0 là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là một cuộc cách mạng về công nghệ. Đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, các công nghệ mới thay đổi ngành, gọi là X-Tech, như Fintech, EduTech, AgriTech, thường là sự sáng tạo mang tính phá huỷ cái cũ.

Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ sẽ về, người sẽ về, và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện, và cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm có thể xuất khẩu. Nhưng phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác.

Đi sau người khác, đi cùng người khác thì sẽ không có cơ hội thay đổi thứ hạng Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới, chúng ta có thể mất một số thứ. Nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất, đó là cơ hội của chúng ta.

Cách tiếp cận chính sách theo kiểu truyền thống thì thường là: Quản được thì mở, quản đến đâu thì mở đến đó, không quản được thì đóng. Cách tiếp cận mới mà nhiều nước theo, gọi là cách tiếp cận Sandbox: Cái gì không biết quản thế nào thì không quản, cho tự phát triển.

Nhưng trong một không gian nhất định, trong một thời gian nhất định, để các vấn đề được bộc lộ một cách rõ ràng, mà thường là không nhiều như lúc đầu các Nhà quản lý dự đoán. Sau đó mới hình thành chính sách, quy định quản lý. Đây là một trong những cách tiếp cận phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, phù hợp đẻ đón nhận các mô hình kinh doanh mới, để đón nhận các sáng tạo đổi mới, các sáng tạo mang tính phá hủy cái cũ.

Và cuối cùng, khi một cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra thì tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Các nước như Việt Nam chúng ta có cơ hội bứt phá. Nhưng phải là một tư duy mới, không truyền thống, không tuần tự. Cả quản lý nhà nước, cả doanh nghiệp, cần một sự đột phá trong tư duy, trong chính sách, trong cách tiếp cận.

 

(Trích phát biểu đề dẫn tại Hội thảo Smart IoT Vietnam 2018 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng).

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận