04/01/2022 13:18 GMT+7

Xác định phạm vi tư nhân làm truyền tải điện, tránh tác động lớn vào giá bán điện

NGỌC HIỂN
NGỌC HIỂN

TTO - Cần xác định phạm vi giao tư nhân đầu tư, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải để tránh rủi ro, tác động lớn vào giá bán điện, đồng thời quy định rõ 'quyền đấu nối' của các doanh nghiệp.

Xác định phạm vi tư nhân làm truyền tải điện, tránh tác động lớn vào giá bán điện - Ảnh 1.

Hệ thống truyền tải điện 500kV có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỉ đồng do Trung Nam đầu tư tại Ninh Thuận - Ảnh: TRUNG NAM

Đó là những nội dung được Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu ra tại báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật, trong đó có luật Điện lực tại kỳ họp bất thường của Quốc hội vào ngày 4-1.

Theo ông Thanh, xã hội hóa trong hoạt động truyền tải điện là chính sách mới được bổ sung, có ý nghĩa hết sức quan trọng nhưng dự thảo luật sẽ được thông qua trong một kỳ họp. Vì vậy, việc sửa đổi, bổ sung luật cần bảo đảm thận trọng, chặt chẽ. 

Ủy ban Kinh tế Quốc hội đề nghị bổ sung, làm rõ và có hướng xử lý cụ thể một số vấn đề, trong đó cần xác định "phạm vi giao tư nhân đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành lưới điện truyền tải để tránh rủi ro, tác động lớn vào giá bán điện, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh", quy định rõ "quyền đấu nối" của các doanh nghiệp tại các điều liên quan đến quyền, nghĩa vụ của các bên.

Việc bàn giao tài sản cho ngành điện quản lý sau khi nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư, nhất là trong vấn đề nhận tài sản, hạch toán chi phí tài sản bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân...

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế Quốc hội cũng đề nghị cần đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị sửa đổi toàn diện, tổng thể Luật điện lực và đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ ban hành quy hoạch điện VIII. Trong quy hoạch cần xác định rõ 2 loại danh mục dự án do Nhà nước đầu tư xây dựng và do tư nhân đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, ông Thanh cũng cho rằng cần quy định về "quyền đấu nối" trong luật nhằm loại bỏ khả năng độc quyền của tư nhân đối với lưới điện do mình đầu tư cũng như bảo đảm quyền đối với các đơn vị sử dụng lưới điện.

Trước đó, Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật điện lực theo hướng chỉ quy định Nhà nước độc quyền trong "vận hành lưới điện truyền tải, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng" và "Nhà nước thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải, trừ các dự án lưới điện do Nhà nước đầu tư được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực quốc gia theo từng thời kỳ".

Tư nhân làm truyền tải, bàn giao 0 đồng cũng… vướng

trung nam 3

Tư nhân đầu tư trạm biến áp, đường dây truyền tải 500kV tại Ninh Thuận - Ảnh: TRUNG NAM

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết hiện nay có một số nhà đầu tư nguồn điện đã đầu tư các trạm biến áp và một phần đường dây truyền tải để đồng bộ việc đấu nối nhà máy điện vào hệ thống điện quốc gia.

Sau đó nhà đầu tư muốn bàn giao tài sản (trạm biến áp và đường dây truyền tải điện) cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia quản lý, vận hành. Tuy nhiên, việc bàn giao không thực hiện được, ngay cả khi bàn giao 0 đồng vì chưa có quy định về quy trình bàn giao, phương pháp xác định giá trị và hạch toán tài sản.

"Đây là vấn đề cấp bách nhưng chưa thể giải quyết ngay vì tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành. Đề nghị Chính phủ sớm tháo gỡ trong vấn đề nhận tài sản, hạch toán chi phí tài sản bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân" - ông Thanh nhấn mạnh.

‘Trống’ chính sách, nhà đầu tư điện mặt trời rơi vào thế khó ‘Trống’ chính sách, nhà đầu tư điện mặt trời rơi vào thế khó

Một số dự án điện mặt trời đã phát điện lên lưới điện quốc gia cả năm nay song vẫn còn vướng về cơ chế giá, dẫn đến việc thanh toán tiền bán điện “giậm chân tại chỗ” khiến nhà đầu tư gặp khó, đối diện nguy cơ bị cắt giảm.

NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên