Xâm nhập mặn: Không phải chuyện một sớm một chiều

C.VĂN 26/03/2024 13:33 GMT+7

TTCT - Hằng năm, nước mặn từ biển vẫn chảy vào sông Mekong trong hệ thống nước tự nhiên của đồng bằng này, nhưng tình trạng xâm nhập mặn chưa bao giờ nghiêm trọng như khoảng năm năm trở lại đây.

Một nông dân tại ruộng đã nhiễm mặn ở Sóc Trăng, tháng 5-2022. Ảnh: Reuters

Một nông dân tại ruộng đã nhiễm mặn ở Sóc Trăng, tháng 5-2022. Ảnh: Reuters

Bình thường nước sông Mekong chỉ nhiễm mặn trong khoảng một tháng, nhưng những năm gần đây thời gian nhiễm mặn thường lên tới 4-5 tháng.

Ghi nhận vào năm 2019 chẳng hạn, cho thấy từ giữa tháng 11 tới tháng 1-2020, nước mặn đã vào sâu hơn tới 30-40km so với mức trung bình hằng năm của mùa khô. Năm nay tình trạng xâm nhập mặn cũng đã kéo dài và dự báo có thể là tới giữa tháng 4, chỉ giảm nhẹ khi mùa mưa tới. 

Tình trạng này xảy ra có nhiều nguyên nhân, bao gồm thiếu nước ngọt ở đầu nguồn và lòng sông sâu hơn, cũng như sạt lở ở cuối nguồn, cộng thêm các hiệu ứng của biến đổi khí hậu.

Khi vận hành bình thường, hệ thống sông Mekong sẽ ngập mỗi mùa mưa. Nước ngọt từ thượng nguồn sẽ chảy qua đồng bằng và vào biển. 

Biển hồ Tonle Sap ở Campuchia, ước tính chiếm 30-35% nguồn cung cấp nước cho đồng bằng hạ nguồn, sẽ đầy tràn vào mùa mưa, rồi khi mùa khô tới, từ từ tuôn về đồng bằng. Điều này giúp duy trì nước ngọt ở hạ nguồn dù không có mưa. 

Hồ Tonle Sap thường sẽ cạn vào khoảng tháng 3 cao điểm mùa khô, dẫn tới nước mặn cao hơn ở hạ nguồn, nhưng thường chỉ trong khoảng một tháng, trước khi lũ lại về.

Nhưng những năm vừa qua, hồ Tonle Sap thường không có đủ nước. Thủ phạm chính là các đập thủy điện ở thượng nguồn, vốn kiểm soát lượng nước và phù sa một cách nhân tạo trong mùa mưa, và hoạt động khai thác cát ồ ạt ở hạ nguồn, vốn đào sâu thêm lòng sông và gây sạt lở.

Hiện có 11 đập thủy điện ở Trung Quốc, hai ở Lào và ít nhất 300 đập nữa ở các chi lưu của sông Mekong. "Nước sẽ được xả từ từ ở các đập này nhưng với tốc độ ngày càng chậm hơn" - Sepehr Eslami, kỹ sư về vùng bờ biển, nhà nghiên cứu và chuyên gia tư vấn ở Đại học Utrecht, Hà Lan, nói. 

Cũng theo Sepehr, Đồng bằng sông Cửu Long hiện thiếu khoảng 10 tỉ m3 nước vào mùa khô so với bình thường. Biến đổi khí hậu khiến thời tiết thất thường, mùa khô đôi khi kéo dài và tình trạng "no dồn đói góp" giữa lụt và hạn khiến tình hình thêm phức tạp.

Nhưng "nếu các đập nước không được xây lên và hoạt động khai thác cát là hạn chế, đây đã không phải vấn đề lớn - Sepehr nói - ... Quy mô [khai thác cát] không chỉ là khổng lồ ở Việt Nam, mà cả ở Campuchia. Chúng ta đang nói tới khối lượng... 50-100 triệu tấn mỗi năm". 

Cát này chủ yếu phục vụ cho nhu cầu xây dựng, nhưng hoạt động khai thác bừa bãi đào sâu thêm lòng sông, gây sạt lở, khiến nước biển dễ xâm nhập hơn cũng như làm đảo lộn hệ sinh thái lòng sông.

Các nhà khoa học ước tính trước kia trung bình mỗi năm khoảng 160 triệu tấn phù sa được tự nhiên vận chuyển qua sông Mekong mỗi năm, nhưng con số này đang giảm mạnh. Lượng phù sa đi qua các đập ước tính mất 90%, còn khai thác cát, do xúc mang đi nơi khác, là 100%. 

Hệ quả là lòng sông Mekong đang sâu xuống 200-300mm mỗi năm. Theo Sepehr, nếu các bên liên quan tiếp tục khai thác theo kiểu hiện giờ, tình trạng xâm nhập mặn vào đồng bằng Mekong như hiện nay sẽ trở thành chuyện thường tình trong 10-20 năm nữa, kèm theo nhiều tác động kinh tế - xã hội nghiêm trọng khó lường. 

"Toàn bộ... chuỗi thức ăn sẽ sụp đổ" - Sepehr cảnh báo. "Nhiều mô hình kinh doanh sẽ phải thay đổi. Các nông hộ và doanh hộ nhỏ sẽ khó lòng duy trì trạng thái cũ". ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận