28/02/2024 12:16 GMT+7

Xây 5 quảng trường Xuân, Hạ, Thu, Đông quanh hồ Thiền Quang, chuyên gia nói phải thận trọng

Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) dự kiến xây 1 quảng trường trung tâm, 4 quảng trường mang tên 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông xung quanh hồ Thiền Quang. Chuyên gia nói gì?

Đàn thiên nga đen bơi lội ở hồ Thiền Quang - Ảnh: NAM TRẦN

Đàn thiên nga đen bơi lội ở hồ Thiền Quang - Ảnh: NAM TRẦN

Chuyên gia cho rằng cải tạo các công viên, vườn hoa là ý tưởng tốt, tuy nhiên đối với khu vực hồ Thiền Quang "cần phải thận trọng".

Cần phải thận trọng với hồ Thiền Quang

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 28-2, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm - phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam - cho biết xung quanh hồ Thiền Quang là một khu vực có độ đậm về giá trị văn hóa và đã có chủ trương cải tạo từ lâu nhưng chưa được đồng thuận cao nên tạm hoãn.

Đến nay, quận Hai Bà Trưng có động thái tái khởi động đề án trên.

Cụ thể, về tính lịch sử, ông Nghiêm cho rằng đây là khu vực công viên gắn kết với công viên Thống Nhất, là dấu ấn biểu tượng của Chủ nghĩa xã hội, được hoàn thành năm 1958.

Quanh hồ Thiền Quang cũng có nhiều di tích lịch sử quan trọng của đất nước.

Đồng thời, đây cũng là địa điểm tổ chức nhiều nút giao thông xung quanh như Nguyễn Du - Quang Trung, nút giao công viên với đường Lê Duẩn...

Ngoài ra, theo ông, đây còn là khu vực có đặc thù về an ninh quốc phòng, không chỉ có các cơ quan an ninh mà cũng "có những ngôi nhà đặc thù" cần được bảo vệ để đảm bảo an toàn.

"Với đặc trưng như vậy, chúng ta cần phải nhận diện và rút ra được bài học từ những khu vực khác. Bài học vừa qua, tại khu vực hồ Gươm mời chuyên gia nước ngoài về tư vấn, tổ chức hội thảo rất hoành tráng nhưng không thực hiện được vì nhân dân phản ứng.

Vì vậy, với khu vực hồ Thiền Quang cũng phải rất thận trọng khi tổ chức không gian.

Để đảm bảo được quy hoạch có chất lượng, trước mắt phải tập hợp được lực lượng chuyên gia chuyên ngành về lĩnh vực này, hiểu sâu về Hà Nội để có thống nhất về giải pháp" - ông Nghiêm nói.

Tượng đài Công an nhân dân tại khu vực phố đi bộ hồ Thiền Quang - Ảnh: DANH KHANG

Tượng đài Công an nhân dân tại khu vực phố đi bộ hồ Thiền Quang - Ảnh: DANH KHANG

Ngoài ra, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm cho rằng phải lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, bởi đây là khu vực đặc trưng nên không chỉ lấy ý kiến người dân xung quanh mà phải lấy ý kiến rộng rãi; lấy ý kiến của các đơn vị an ninh quốc phòng nằm trong phạm vi khu vực trên.

Ông lý giải, khi tổ chức thành 5 quảng trường, chắc chắn sẽ tổ chức rất nhiều sự kiện, việc đảm bảo về vấn đề an ninh quốc phòng như thế nào cần phải quan tâm.

"Ý tưởng là tốt, nhưng vì tính đặc thù cần phải chú trọng lấy ý kiến rộng rãi. Ngoài ra, việc làm sao để không bê tông hóa công viên cũng là vấn đề phải đặt ra.

Theo tôi nghĩ, không nên tổ chức nhiều quảng trường, bởi đi kèm đó là các tượng đài, tổ chức giao thông, sự kiện. Đây là vấn đề chưa thích hợp đối với đặc thù khu vực này, cần phải hết sức thận trọng, không nên dàn trải nhiều" - ông Nghiêm lưu ý thêm.

Phối cảnh 5 quảng trường dự kiến xây dựng quanh hồ Thiền Quang - Ảnh: UBND quận Hai Bà Trưng

Phối cảnh 5 quảng trường dự kiến xây dựng quanh hồ Thiền Quang - Ảnh: UBND quận Hai Bà Trưng

Lo ngại bê tông hóa là "có cơ sở"

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng cùng ngày, TS Ngô Hoàng Ngọc Dũng - giảng viên khoa kiến trúc và quy hoạch, Trường đại học Xây dựng Hà Nội - cho rằng ông rất ủng hộ kế hoạch chỉnh trang không gian hồ Thiền Quang.

Bởi việc này sẽ giúp các không gian công cộng tại đây hấp dẫn hơn, phục vụ nhiều hơn các loại hình sinh hoạt cộng đồng của người dân và du khách.

Ngoài ra, sẽ hỗ trợ tốt hơn cho không gian phố đi bộ hồ Thiền Quang, cải thiện môi trường sinh thái. Đề án cũng cơ bản giữ được số lượng cây bóng mát và tỉ lệ mặt nước hiện có.

"Tuy nhiên, các không gian lớn (quảng trường, đường dạo) vẫn được lát bằng đá, gạch. Đây là các vật liệu hấp thụ nhiệt mạnh và không thấm nước, các bề mặt này sẽ giữ nhiệt rất lâu đến tận tối muộn, có thể ảnh hưởng tới an toàn của người sử dụng trong những ngày trời nắng nóng.

Tỉ lệ thảm cỏ tại nơi có quy hoạch quảng trường nước bị giảm so với hiện trạng nên cân nhắc điều chỉnh. Đồng thời, các yếu tố, giải pháp giúp che nắng, tránh nóng cho người sử dụng không gian còn ít (mới chỉ dựa vào cây bóng mát) nên cân nhắc bổ sung" - TS Dũng lo ngại một số điểm bị bê tông hóa.

Điểm nhấn không chỉ nằm ở hình thức

Về ý kiến xây 5 quảng trường quanh hồ "sẽ không có điểm nhấn", TS Ngô Hoàng Ngọc Dũng nêu quan điểm "điều làm nên điểm nhấn không chỉ nằm ở hình thức".

Theo ông, một không gian xanh có điểm nhấn thực thụ ngoài việc có cây xanh, mặt nước hay yếu tố thiên nhiên được thiết kế đẹp thì cần phải là không gian bảo vệ người dân trong điều kiện thời tiết cực đoan khắc nghiệt, và cải thiện môi trường sinh thái đô thị. Hiện khu vực hồ Thiền Quang có đủ 3 yêu tố: cây xanh, thảm cỏ và mặt nước.

"Tận dụng tốt điều này để làm cho môi trường quanh hồ tốt hơn, là nơi người dân muốn đến hằng ngày để tận hưởng một môi trường trong lành chính là đang tạo nên điểm nhấn, song song với việc nghiên cứu tạo thẩm mỹ của không gian này.

Xác định được định hướng này thì sẽ có những giải pháp cụ thể phù hợp để bảo tồn không gian xanh quanh hồ và tránh bê tông hóa" - ông nói thêm.

Quanh hồ Thiền Quang sẽ xây 5 quảng trường?Quanh hồ Thiền Quang sẽ xây 5 quảng trường?

Quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) dự kiến sẽ xây 13 phân khu chức năng quanh hồ Thiền Quang. Riêng phân khu văn hóa nghệ thuật đa năng có một quảng trường trung tâm; đồ án cũng thiết kế thêm 4 quảng trường mang tên 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông xung quanh hồ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên