25/07/2013 07:57 GMT+7

Xây dựng không phép ở Bình Chánh: Lãnh đạo xã phải chịu trách nhiệm chính

D.NGỌC HÀ ghi
D.NGỌC HÀ ghi

TT - Thời gian qua dư luận nhiều lần đặt câu hỏi: lãnh đạo địa phương ở đâu khi gần 850 căn nhà tại huyện Bình Chánh xây không phép trong một thời gian ngắn? Tuổi Trẻ xin giới thiệu một số ý kiến về vấn đề này.

“Xây nhà không phép” ở Bình Chánh: Dân xin gia hạn cưỡng chếBình Chánh cưỡng chế thêm 17 nhà không phépĐiều tra việc chung chi xây nhà không phép

QH7rvmcl.jpgPhóng to
Cưỡng chế nhà xây dựng trái phép tại xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, TP.HCM - Ảnh: H.T.V.

* Bà HỒ THỊ KIM LOAN (nguyên chánh thanh tra Sở Xây dựng TP.HCM):

Biết xót xa khi tháo dỡ nhà vi phạm

Trước đây, tôi có nghe nhiều thông tin về việc tiêu cực, chung chi ở các địa phương trong quản lý xây dựng. Có một số thông tin đúng, nhưng cơ quan chức năng khó tìm ra chứng cứ để xử lý. Yếu tố tiêu cực chưa được xử lý tới nơi tới chốn, cộng với thời điểm chuyển giao lực lượng thanh tra xây dựng nên đã bùng phát thành đợt xây dựng không phép với số lượng lớn tại một số quận huyện như Bình Chánh, Gò Vấp...

Theo tôi, yếu tố đầu tiên quyết định cho việc quản lý trật tự xây dựng thành công hay thất bại của xã, phường là con người. Lãnh đạo UBND xã, phường trước tiên phải là người có tâm với công tác quản lý trật tự đô thị, phải trăn trở một khi địa phương mình quản lý còn xảy ra các trường hợp vi phạm xây dựng, biết xót xa khi phải cưỡng chế tháo dỡ căn nhà vi phạm vì dù gì cũng là tài sản của người dân. Nếu có tâm như vậy thì cán bộ lãnh đạo xã, phường sẽ thận trọng ngay từ khâu chọn người để giao việc phù hợp năng lực chuyên môn, đảm bảo có đủ phẩm chất đạo đức, tác phong. Lãnh đạo UBND phường, xã giao việc phải giao rõ trách nhiệm, khi có dấu hiệu tiêu cực phải xử lý nghiêm, không cảm tình, nể nang. Kết quả xử lý phải triệt để và công khai cho người báo tin và cho người dân được rõ để họ có thể tiếp sức cùng UBND xã, phường trong việc quản lý trật tự xây dựng, giám sát công việc của các cán bộ trực tiếp ở địa bàn. Như vậy, nạn tiêu cực chung chi sẽ bị đẩy lùi giúp UBND xã, phường xử lý vi phạm xây dựng dễ dàng hơn.

Theo quy định tại nghị định 180 của Chính phủ, trách nhiệm quản lý địa bàn và xử lý xây dựng không phép thuộc về chủ tịch UBND xã, phường. Do vậy, lãnh đạo xã phường cần phải quan tâm trực tiếp trong việc điều hành quản lý, phải đột xuất kiểm tra địa bàn, xem xét các quy trình xử lý, các báo cáo... của cán bộ địa bàn để phát hiện những sai sót, bất hợp lý mà điều chỉnh kịp thời.

* Ông TRẦN QUANG HẢI (chủ tịch UBND P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức)

Tận dụng “tai mắt nhân dân”

Trước đây, phường Hiệp Bình Chánh là địa bàn nóng về xây dựng không phép. Gần đây, UBND phường phần nào kiểm soát được tình hình vi phạm xây dựng trên địa bàn. Đầu năm 2013, UBND phường Hiệp Bình Chánh đã kỷ luật 10 nhân viên thanh tra xây dựng liên quan đến việc xử lý chưa đến nơi đến chốn một số công trình xây dựng không phép.

Tôi chia sẻ với những đồng nghiệp ở huyện Bình Chánh. Tháo dỡ nhà của dân thật sự là rất xót xa, nhưng để lập lại trật tự xây dựng, giữ cho cái chung thì lãnh đạo phường phải dẹp bỏ những tình cảm riêng tư để làm việc công. Hằng ngày, vừa kiểm tra, giám sát công việc của anh em (cán bộ phụ trách địa bàn), lại phải đối phó với nạn “cò” xây dựng đôi khi rất mệt mỏi. Cán bộ phụ trách địa bàn có người vững chuyên môn, nhưng cũng có người làm việc chưa đúng do khi phân công công việc, lãnh đạo phường chưa có điều kiện sâu sát hết. Vì vậy, ngoài việc tin tưởng vào đạo đức và chuyên môn của nhân viên, lãnh đạo phường, xã cần có những kênh thông tin riêng (ví dụ như dư luận hoặc tai mắt của quần chúng...) để qua đó giám sát lại các cán bộ cấp dưới của mình. Lãnh đạo UBND phường, xã tin tưởng nhân viên của mình nhưng chỉ giao trách nhiệm thôi thì chưa đủ. Đích thân lãnh đạo cũng phải thường xuyên trực tiếp xuống địa bàn để kiểm tra, nắm bắt thông tin cho chính xác để có quyết định kịp thời. Khi phát hiện tiêu cực phải xử lý rốt ráo. Như vậy mới tạo được niềm tin để người dân tố cáo tiêu cực.

* TS. KTS NGÔ VIẾT NAM SƠN:

Phải có cơ chế quản lý đặc thù

Qua việc này, UBND TP nên có cách nhìn khác về khu vực các xã của huyện Bình Chánh giáp với các quận. Bình Chánh giá đất còn rẻ, nhà xây dựng không phép đa số là cấp 3, cấp 4, người xây dựng không phép là người nghèo, có nhu cầu về nhà ở thật (khác với những trường hợp chủ đầu tư xây cơi thêm tầng ở quận 1). Người dân về đây ở nhiều chứng tỏ vùng đất này phù hợp với điều kiện của nhiều người dân. Lỗi để xảy ra xây dựng không phép ở đây thuộc về chính quyền nhiều hơn. Vì sao một địa bàn có nhu cầu xây dựng cao như vậy mà Nhà nước không nhanh chóng tập trung lực lượng làm quy hoạch, xây dựng hạ tầng để nhanh phát triển? Một khi đã có quy hoạch rõ ràng, khu nào được ở thì Nhà nước công khai, người dân được đóng thuế cho Nhà nước và xây nhà. Cũng cần xem lại quan điểm quy hoạch khu vực này thành khu đất nông nghiệp dự trữ hoặc đất sản xuất nông nghiệp vì nền đất cao, chân đất cứng nên dành cho xây dựng sẽ phù hợp hơn. Nếu khu vực này được quy hoạch tốt, nhiều người dân nghèo đang ở những căn nhà nhỏ trong nội thành chuyển về đây lập nghiệp thì mật độ dân số nội thành sẽ giảm.

Theo tôi, những khu vực này là nơi tốt để Nhà nước đầu tư giải quyết nhà ở cho người thu nhập thấp. Vì người dân ở đây có nhu cầu ở thật sự, Nhà nước đầu tư vào thì người dân được hưởng liền. Đầu tư vào những khu vực này, Nhà nước sẽ bỏ vốn không nhiều do không cần hạ tầng cao cấp mà nhanh lấy lại đồng vốn để quay vòng.

D.NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên