13/04/2013 08:37 GMT+7

Xây dựng trái phép để... chờ đền bù

VĂN ĐỊNH
VĂN ĐỊNH

TT - Hiện nay ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có rất nhiều dự án được quy hoạch, triển khai nên nhiều người dân và doanh nghiệp đua nhau xây dựng, cơi nới trái phép để... chờ nhận đền bù.

iWPAMKuK.jpgPhóng to
Xây dựng mồ mả trái phép tại khu sinh thái Đèo Con - Ảnh do Công an xã Kỳ Nam cung cấp

Ông Đặng Hoài Sơn - phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh kiêm chủ tịch hội đồng đền bù tái định cư giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh - cho biết mấy năm gần đây ở huyện Kỳ Anh luôn xảy ra tình trạng người dân xây nhà cửa, các công trình phụ tràn lan để chờ đền bù dẫn đến việc phải cưỡng chế, phá dỡ rất lãng phí...

Dân xây dựng tràn lan

Đã tháo dỡ 200 công trình vi phạm

Theo ông Đặng Hoài Sơn, từ đầu năm tới nay lực lượng chức năng huyện Kỳ Anh đã tổ chức ba lần cưỡng chế và phá dỡ hơn 200 công trình, nhà cửa xây dựng vi phạm quy hoạch, sai mục đích sử dụng.

Chưa đầy một tháng kể từ ngày chính quyền công bố quy hoạch xây dựng dự án khu du lịch sinh thái hồ Tàu Voi, có đến 120 hộ dân ở thôn Trường Sơn, xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh xây dựng cơi nới trái phép. Trước tốc độ xây dựng trái phép nhanh như thế, ngày 9-4 UBND huyện Kỳ Anh đã huy động lực lượng, phương tiện đến thôn Trường Sơn cưỡng chế, tháo dỡ hơn 130 công trình xây trái phép để chờ đền bù như nhà tạm bợ, kiôt, bờ tường, chuồng trại...

Ông Đặng Hoài Sơn cho biết dù huyện đã có công văn yêu cầu xã nhắc nhở người dân không được xây dựng cơi nới, nhưng chỉ một thời gian ngắn các công trình tạm bợ chờ đền bù mọc lên như nấm...

Bị ảnh hưởng của dự án Formosa, hơn 1.200 hộ dân thôn Đông Yên, xã Kỳ Lợi phải di dời đến nơi ở mới. Phụ trách việc áp giá đền bù ở xã Kỳ Lợi, ông Hà Huy Cận - phó chủ tịch hội đồng đền bù tái định cư giải phóng mặt bằng huyện Kỳ Anh - cho biết hiện nay ở thôn Đông Yên còn hơn 80 hộ dân chưa được kiểm đếm, áp giá đền bù nên vẫn diễn ra tình trạng người dân xây dựng nhà kiên cố, nhà tạm bợ để chờ đền bù. “Dù địa phương đã đình chỉ rất nhiều hộ dân ở thôn Đông Yên xây dựng trái phép nhưng họ không nghe, vẫn tiếp tục tái diễn. Xây dựng các công trình trái phép ở đây thì người dân phải chịu khi không được áp giá đền bù” - ông Cận nói.

Doanh nghiệp cũng cơi nới

Ngay sau khi tỉnh Hà Tĩnh có quyết định thu hồi khu du lịch sinh thái Đèo Con thuộc xã Kỳ Nam, huyện Kỳ Anh để làm khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Formosa, tại khu du lịch sinh thái này đã mọc lên nhiều công trình xây dựng, cơi nới trái phép...

Ông Lê Văn Đông, trưởng Công an xã Kỳ Nam, cho biết cuối năm 2012 công an xã đã tổ chức nhiều lần kiểm tra và phát hiện Công ty cổ phần Tiến Kình - doanh nghiệp quản lý, khai thác khu sinh thái nói trên - cho người xây dựng hàng loạt công trình trái phép như mồ mả, nhà tạm, dựng hàng rào bằng sắt, đổ thêm đường bêtông... “Trước việc lợi dụng xây dựng, cơi nới để chờ đền bù của Công ty Tiến Kình, chính quyền xã đã báo cáo lên các cơ quan chức năng. Khu du lịch này thuộc tỉnh quản lý nên chúng tôi chỉ biết đứng nhìn người ta xây dựng tràn lan chứ không có thẩm quyền xử lý” - ông Đông nói.

Những ngày này, đến khu du lịch sinh thái Đèo Con, chúng tôi không nhìn thấy một khu du lịch sinh thái đẹp và nổi tiếng ở đất Kỳ Anh sắp bị thu hồi mà thay vào đó là một khu du lịch đang được xây dựng, cơi nới tràn lan... Ông Đặng Hoài Sơn cho biết Công ty cổ phần Tiến Kình đưa ra rất nhiều lý do cho chuyện xây dựng cơi nới trái phép của mình. Như việc xây dựng dãy nhà lợp fibrô ximăng, công ty giải thích vì có hợp đồng làm ăn buộc phải xây gara để ôtô nhưng thực chất khi cơ quan chức năng kiểm đếm, công ty yêu cầu phải được áp giá đền bù...

Theo ông Sơn, những hạng mục nào Công ty cổ phần Tiến Kình xây dựng trước mốc của ủy ban tỉnh đưa ra thì được đền bù, còn xây sau đó sẽ không được đền bù.

Ông Sơn cho hay: “Doanh nghiệp Tiến Kình đòi đền bù tài sản trên đất hơn 400 tỉ đồng, nhưng hội đồng áp giá của huyện chỉ áp giá theo giá Nhà nước quy định hơn 100 tỉ đồng. Những hạng mục nào doanh nghiệp xây trái phép thì chúng tôi không thể áp giá được nên hiện nay việc áp giá đền bù ở khu du lịch sinh thái Đèo Con rất căng thẳng”.

VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên