26/02/2022 08:43 GMT+7

Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế: Cần chính sách chưa nơi nào có

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM (TTTC) muốn hình thành phải có chính sách "chưa nơi nào có", mạnh dạn áp dụng cơ chế thí điểm "sandbox" để thu hút đầu tư, thay vì phải chờ đợi các cấp phê duyệt.

Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế: Cần chính sách chưa nơi nào có - Ảnh 1.

Phát triển khu tài chính thương mại Thủ Thiêm là một trong những nội dung của việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Để thực hiện được mục tiêu này, TP.HCM phải định hướng được yếu tố riêng, khác biệt khi xây dựng mô hình TTTC trên nền tảng giá trị cốt lõi là tài chính. Đây là ý kiến của các chuyên gia đưa ra tại hội thảo "Đề án phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính quốc tế", được tổ chức ngày 25-2.

Chậm để đi chắc, đi dài

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Thành - Trường đại học Fulbright Việt Nam - cho rằng dù TP.HCM được đánh giá có nhiều lợi thế để phát triển TTTC nhưng vẫn rất cần sự đột phá mạnh về cơ chế, chính sách. Chẳng hạn trong lĩnh vực fintech (công nghệ tài chính), TP.HCM có khoảng 200 doanh nghiệp fintech và có nhiều ngân hàng, công ty chứng khoán nhưng thật sự chưa có tập đoàn tài chính do hạn chế về giấy phép nên không mở rộng ra được.

Tương tự, quá trình tự do hóa tài chính của Việt Nam cũng sẽ khó diễn ra nhanh chóng. Do đó, ông Thành cho rằng cần có bước đi và lộ trình phù hợp để phát triển TTTC. Theo lộ trình này, từ đây đến năm 2025 tập trung chuẩn bị các điều kiện cần thiết để trở thành TTTC khu vực và quốc tế. Từ 2026 trở đi phát triển TP thành TTTC quốc tế, tự tin thực hiện các chính sách mạnh mẽ về tự do hóa tài chính.

TS Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ - cũng cho rằng quá trình xây dựng TTTC cần trải dài và phân kỳ, ban đầu là phát triển các nền tảng vững chắc của một TTTC quốc gia (NFC), sau đó trở thành TTTC khu vực (RFC), tiến tới TTTC quốc tế (IFC) và toàn cầu (GFC). Dù ở cấp độ nào, tầm nhìn của nó phải mang tầm nhìn toàn cầu.

Theo đó, TP phải chọn cách phát triển chắc chắn nhưng phải có đột phá chính sách rất cao. Về mô hình, TTTC phải tập trung thị trường tiền tệ, các hoạt động liên quan đến thị trường vốn ngắn hạn, trung và dài hạn. Làm sao thu hút được các quỹ đầu tư, định chế tài chính quốc tế đến đây, phát triển.

"TTTC cũng cần phải có thị trường hàng hóa phái sinh để chia sẻ rủi ro từ người sản xuất sang thị trường, đây là vai trò giao thương quốc tế quan trọng của TP. Nhưng chúng ta phải dựa trên phát triển công nghệ số để hình thành những sản phẩm mới, mạnh dạn áp dụng cơ chế sandbox (thí điểm) để tạo sức hút", ông Lịch nói.

Cởi nút thắt thể chế bằng "sandbox"

Để phát triển đến năm 2025, TP.HCM đặt ra 4 chương trình hành động: phát triển fintech, ngân hàng số và thị trường giao dịch tài chính số; thúc đẩy hội nhập tài chính khu vực; phát triển khu tài chính - thương mại Thủ Thiêm; phát triển thị trường hàng hóa tại TTTC quốc tế TP.HCM.

Tuy nhiên, ông Vũ Bằng - nguyên chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước - cho rằng thể chế chính là nút thắt của sức hút của một TTTC. Bởi bản chất thị trường hàng hóa phái sinh là giao dịch tài chính. Với công nghệ hiện nay, địa điểm không còn quan trọng mà cần có chính sách, công cụ phù hợp hấp dẫn nhà đầu tư. "TTTC phải xác định tiến tới mở rộng tới nhiều thị trường khác nữa như M&A, mua bán nợ, thu hút các tài chính lớn phát triển…", ông Bằng nói.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng trong bối cảnh cần phải điều chỉnh nhiều luật lệ để có đột phá thu hút đầu tư thì TP.HCM cần thay đổi cách tiếp cận. Như với thị trường hàng hóa phái sinh, có thể đề xuất nghị định của Chính phủ về thành lập thị trường hàng hóa sản phẩm. Riêng với thị trường fintech, ông Cung cho rằng cần ban hành luật riêng về ngân hàng số thay vì sửa đổi các luật hiện nay.

Bà Phan Thị Thắng - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết sau khi lấy ý kiến chuyên gia để hoàn thiện dự thảo đề án, TP.HCM sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành trung ương trước khi chính thức trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện với quyết tâm cao nhất là xây dựng được TTTC quốc tế TP.HCM.

Công thức chung của các trung tâm tài chính

Theo chuyên trang Investopedia, các TTTC thường được đặt tại những thành phố có vị trí chiến lược, quy tụ các tổ chức tài chính hàng đầu và các sàn giao dịch chứng khoán có uy tín. Các ngân hàng, công ty thương mại và bảo hiểm cũng tập trung về những thành phố này.

Các TTTC hàng đầu thế giới như London (Anh), Zurich (Thụy Sĩ), Frankfurt (Đức), Chicago và New York (Mỹ), Singapore, Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Hong Kong và Thượng Hải (Trung Quốc)... có sức hút nhờ được trang bị cơ sở hạ tầng, hệ thống thông tin liên lạc và thương mại hiện đại nhất. Các thành phố này cũng là điểm đến thuận lợi cho các chuyên gia vì mức sống cao cùng với cơ hội phát triển rộng lớn .

Đây còn là những nơi có cơ chế pháp lý và điều tiết minh bạch, hợp lý, được hỗ trợ bởi một hệ thống chính trị ổn định. Chẳng hạn, sức hấp dẫn của Singapore nằm ở khung pháp lý minh bạch và lành mạnh đi kèm sự ổn định kinh tế và chính trị, một lực lượng lao động kỷ luật và hiệu quả…

NGUYÊN HẠNH

Diện mạo của trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM

Sau nhiều đồn đoán và băn khoăn, mô hình và cách thức vận hành của TTTC quốc tế TP.HCM đã dần rõ hơn qua đề án được Tổng công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM tổng hợp và chọn lọc từ các đề án được chuyển giao cho TP. Theo đó, mô hình TTTC quốc tế TP.HCM được xây dựng gồm ba cấu phần.

Thứ nhất là thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng, với mục tiêu thu hút và phát triển ngân hàng theo hướng hình thành các tập đoàn tài chính. Thúc đẩy các dịch vụ và thị trường tiền tệ mới gắn với đổi mới công nghệ tập trung phát triển các start-up về công nghệ tài chính (fintech) và ngân hàng số.

Thứ hai là thị trường vốn, bao gồm phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp; dịch vụ quản lý quỹ đầu tư và quản lý tài sản phục vụ nhà đầu tư nội địa và quốc tế...

Thứ ba là thị trường hàng hóa phái sinh, gồm việc hình thành và phát triển Sở Giao dịch hàng hóa TP.HCM; kết nối với các sở giao dịch hàng hóa và nhà đầu tư toàn cầu...

Mô hình nào cho Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM? Mô hình nào cho Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM?

TTO - TP.HCM là thành phố duy nhất ở Việt Nam được đánh giá xếp hạng so với các trung tâm tài chính quốc tế. Nhưng để phát triển thành phố thành trung tâm tài chính quốc tế vẫn cần có đánh giá tác động cụ thể với tầm nhìn toàn cầu.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên