26/09/2013 09:16 GMT+7

Xây mới quần thể chung cư Thanh Đa: tiến thoái lưỡng nan

DƯƠNG NGỌC HÀ
DƯƠNG NGỌC HÀ

TT - Sau buổi khảo sát hôm 25-9, Sở Xây dựng TP.HCM đã bàn với quận Bình Thạnh sớm di dời dân ra khỏi các chung cư Thanh Đa đang xuống cấp nghiêm trọng. Nhưng liệu có doanh nghiệp nào chịu đầu tư xây mới các chung cư này?

Giải quyết chung cư cũ: An sinh hay đầu tư?Bàn phương án di dời dân ở chung cư cũ Thanh Đa

Ea8agyJm.jpgPhóng to
Phía sau của lô VI, cư xá Thanh Đa, quận Bình Thạnh, TP.HCM bị nghiêng vào nhau (ảnh chụp chiều 25-9) - Ảnh: Minh Đức
GwomLtzG.jpgPhóng to
Mặt sau lô VI cư xá Thanh Đa bị nghiêng vào nhau (ảnh chụp chiều 25-9) - Ảnh: Minh Đức

Việc kêu gọi đầu tư xây dựng mới các lô chung cư ở Thanh Đa (TP.HCM) được xây từ năm 1960 đang gặp khó khăn do nhà đầu tư không thấy lợi nhuận. Trong khi đó, lô IV và lô VI hư hỏng nặng, đời sống của bà con gặp vô vàn khó khăn.

Ngày 25-9, giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn đã đến khảo sát thực tế tại lô IV và lô VI chung cư Thanh Đa, P.27, Q.Bình Thạnh. Sau buổi khảo sát, ông Tuấn đã bàn với địa phương về những phương án di dời, tái định cư cho gần 300 hộ dân ở đây.

17 năm thấp thỏm

Chung cư 53 tuổi

Chung cư Thanh Đa (cư xá Thanh Đa) là một trong những chung cư đầu tiên tại Sài Gòn, xây dựng từ những năm 1960 để bố trí nơi ở cho các sĩ quan của chính quyền Sài Gòn. Đây là dạng nhà ở theo kiểu cư xá, có công viên, chợ, hàng quán... gần nơi ở. Các căn hộ ở cư xá có diện tích khoảng 80m2. Sau năm 1975, một số căn hộ được chính quyền bố trí cho các công chức, viên chức, người có công, số khác bị người dân lấn chiếm hoặc được UBND phường bố trí. Hiện nay, chung cư đã xuống cấp một phần do xây dựng đã lâu và do người dân tự cơi nới, chia tách căn hộ để bán...

Ông Hồ Đắc Ẩn, chủ căn hộ số 0.04 lô IV chung cư Thanh Đa, cho biết ông đã sống ở chung cư này trên 20 năm. Nền nhà đã lún sâu hơn ngón tay so với những năm ông mới về đây ở, mỗi lần triều cường là nhà của ông ngập nước mênh mông, đi lại trong nhà phải dùng ủng cao su. Những đợt triều cường gần Tết Nguyên đán hằng năm nước dâng cao 3-4 tấc, ngập tới bếp nấu.

Ông Ẩn cho hay tuy đã thuê căn hộ trên 20 năm, nhưng ông vẫn chưa được mua nhà thuộc sở hữu nhà nước do chủ trương di dời chung cư sắp sập đã có từ năm 1996. Giữa năm 2012, ông Ẩn làm hồ sơ mua nhà gửi Công ty Dịch vụ công ích Q.Bình Thạnh nhưng chờ cả năm nay cũng chưa được giải quyết. “Mỗi năm, cứ gần đến tết là chúng tôi nhận được thông tin Nhà nước sẽ di dời người dân đến nơi ở mới vào năm sau làm gia đình tôi nửa mừng nửa lo. Mừng vì mình sắp thoát cảnh nhà xuống cấp, nước ngập hằng tháng, lo vì không biết được Nhà nước bồi thường, hỗ trợ ra sao... Nhưng ra tết thì đâu lại vào đấy, không thấy chính quyền phổ biến di dời hay công bố phương án gì hết” - ông Ẩn kể.

Còn ông Triệu Xuân Xanh, hiện thuê căn hộ số 020 lô VI, bức bối: Hơn 10 năm nay, năm nào cũng có thông tin sẽ giải tỏa chung cư, di dời các hộ dân, nhưng cuối cùng lại không di dời. “Dân chúng tôi hoang mang lắm. Gần 10 năm nay, lô VI không được tu sửa ống nước, nạo vét cống, vệ sinh môi trường cũng vì chủ trương sắp di dời khiến đời sống của bà con đã khó càng thêm khó. Trong khi Nhà nước kết luận chung cư này là chung cư cũ hư hỏng nhưng lại thu tiền thuê nhà theo giá chung cư hạng 2” - ông Xanh cho biết.

Cùng tâm trạng với ông Ẩn và ông Xanh, nhiều người dân của hai lô chung cư này rất ủng hộ chủ trương di dời khỏi chung cư và mong Nhà nước sớm công bố phương án bồi thường hỗ trợ để dân yên tâm. Trong khi đó, việc di dời dân lại đang rơi vào thế kẹt.

Tăng thêm dân số để chủ đầu tư “dễ thở”

Năm 1996, hai lô chung cư đã được Công ty Kiểm định xây dựng Sài Gòn kết luận có độ nghiêng lún, mất ổn định. Khi UBND TP.HCM công bố kết quả kiểm định và có chủ trương di dời, nhiều người dân ở hai chung cư không đồng ý. Năm 2004, Phân viện Khoa học công nghệ miền Nam kiểm định lại cũng cho kết quả tương tự, nhìn mắt thường có thể thấy rõ độ nghiêng của hai dãy nhà trong mỗi lô, khoảng cách giữa hai dãy nhà ở mặt đất lớn hơn ở các tầng trên tạo thành hình chữ V ngược. Thậm chí, người dân sống ở đây nói hai người đứng tầng trên cùng của hai dãy nhà có thể bắt tay nhau! Những căn hộ ở đầu lô phía sông Sài Gòn bị lún nhiều hơn ở đầu còn lại. Phòng Tài nguyên - môi trường Q.Bình Thạnh cho biết phía bờ sông Sài Gòn còn có nguy cơ sạt lở bởi nền đất nơi đây bị xói hàm ếch.

Năm 2010, UBND TP.HCM đồng ý cho Công ty cổ phần địa ốc Vườn Xanh làm chủ đầu tư dự án phá dỡ, xây dựng lại hai lô chung cư. Công ty Vườn Xanh dự kiến tổng số tiền bồi thường cho 22 lô chung cư Thanh Đa khoảng 1.900 tỉ đồng, bố trí tái định cư cho gần 4.300 hộ dân thuộc 22 lô chung cư. Như vậy để có lãi, chủ đầu tư phải được xây dựng cao tầng để dư ra nhiều căn hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, quy hoạch của P.27 lại bị khống chế dân số, chỉ cho thêm khoảng 3.300 dân đến năm 2020 nên tầng cao của chung cư cũng bị khống chế theo. Không được xây cao tầng thì nhà đầu tư không có lãi nên dự án không được triển khai. UBND Q.Bình Thạnh kiến nghị tăng thêm dân số khoảng 5.000 dân (đến năm 2020) tại P.27 để các chủ đầu tư “dễ thở” hơn nhằm sớm triển khai dự án.

Sau khi bàn bạc, đoàn khảo sát của Sở Xây dựng và UBND quận thống nhất chính quyền địa phương sẽ đứng ra di dời hai lô chung cư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Người dân ở hai lô này sẽ được bố trí tái định cư tại các chung cư khác trên địa bàn Q.Bình Thạnh. Sở Xây dựng cùng địa phương sẽ trình UBND TP.HCM chính sách tái định cư có lợi nhất cho người dân. Theo UBND Q.Bình Thạnh, sau khi di dời dân có quỹ đất sạch, UBND quận sẽ kêu gọi đầu tư để tạo quỹ nhà tái định cư cho người dân ở những lô khác của chung cư Thanh Đa. Theo kế hoạch, UBND Q.Bình Thạnh sẽ tổ chức di dời và xây dựng mới 22 lô chung cư Thanh Đa theo cách “cuốn chiếu”, tức lấy đất của lô di dời trước để xây nhà tái định cư cho người dân ở các lô sau.

Chung cư đã 53 tuổi rồi, nhưng tất cả những kế hoạch trên đây chưa biết bao giờ thực hiện.

Ông Trần Trọng Tuấn (giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM):

Có đất sạch sẽ dễ mời chủ đầu tư

“Tôi ủng hộ phương thức “cuốn chiếu” khi thực hiện kế hoạch xây dựng mới các lô chung cư cũ, hư hỏng ở Thanh Đa. UBND Q.Bình Thạnh có đủ quỹ nhà tái định cư để thực hiện kế hoạch đó.

Hiện nay, thị trường bất động sản đang gặp khó khăn nên việc kêu gọi chủ đầu tư thực hiện dự án sẽ gặp khó khăn. Tôi hi vọng sau khi UBND quận di dời người dân xong, có quỹ đất sạch thì việc mời gọi chủ đầu tư sẽ thuận lợi hơn. Về việc UBND Q.Bình Thạnh kiến nghị tăng thêm dân số của khu vực để thu hút nhà đầu tư cần phải xem xét nhiều khía cạnh. Sở Xây dựng sẽ phối hợp cùng Sở Quy hoạch - kiến trúc nghiên cứu, cân đối các chỉ tiêu để trình UBND TP.HCM về kiến nghị này”.

DƯƠNG NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên