22/01/2021 11:20 GMT+7

Xây nhà: an toàn cho mình, hòa thuận với hàng xóm

D.NGỌC HÀ lược ghi
D.NGỌC HÀ lược ghi

TTO - Xây nhà, làm sao để không gây tổn hại nhà hàng xóm? Xử lý móng công trình như thế nào để an toàn? Công trình hàng xóm gây tổn hại nhà mình, khiếu nại đến đâu?

Xây nhà: an toàn cho mình, hòa thuận với hàng xóm - Ảnh 1.

Các khách mời tham dự chương trình giao lưu trực tuyến "Đảm bảo chất lượng xây dựng nhà ở và phòng ngừa hư hỏng công trình lân cận" sáng 21-1- Ảnh: QUANG ĐỊNH

Rất nhiều câu hỏi được bạn đọc đặt ra trong buổi giao lưu trực tuyến do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Sở Xây dựng TP.HCM tổ chức ngày 21-1.

Nhà hư hỏng, báo cho ai?

Câu hỏi nhiều người đặt ra cho các cán bộ Thanh tra Sở Xây dựng là "địa chỉ" nào để báo tin hoặc yêu cầu giải quyết sự cố khi hàng xóm hoặc công trình lân cận xây dựng làm nhà mình nghiêng, lún, nứt...

Về vấn đề này, ông Trương Công Nam - phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng - cho biết theo thông tư 03/2018 của Bộ Xây dựng thì chủ tịch UBND cấp xã có thẩm quyền giải quyết việc xây dựng gây ảnh hưởng công trình lân cận. Những trường hợp bị hư hỏng nhà hoặc lo lắng về việc công trình xây dựng bên cạnh có thể làm hư hỏng nhà mình, người dân liên hệ ngay đến UBND phường (nơi có công trình) để thông tin, yêu cầu xử lý. Nếu công trình đang xây gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận, chủ đầu tư phải dừng thi công và có biện pháp di dời ngay người và tài sản của công trình lân cận.

Bạn đọc Lê Ngọc Linh thắc mắc: "Nếu tôi khiếu nại hàng xóm thi công gây ảnh hưởng mà quyết định giải quyết của chủ tịch phường không thỏa đáng thì sao?". Ông Trương Công Nam hướng dẫn: nếu chủ nhà cho rằng chủ tịch UBND phường giải quyết chưa đúng quy định thì có quyền khiếu nại đến chủ tịch UBND quận để được xem xét giải quyết.

Đừng tiếc tiền làm móng

Một bạn đọc ở quận 8 kể chuyện khi nhà ông đang chuẩn bị xây 3 tầng, hàng xóm sang "hạch hỏi", yêu cầu phải chứng minh công trình của mình chắc chắn không ảnh hưởng đến nhà họ. "Ngoài giấy phép xây dựng cùng phương án thi công, tôi phải giải thích và làm những động tác gì cụ thể để hàng xóm không gây khó khăn trong quá trình xây dựng?".

Ông Nguyễn Thanh Xuyên - trưởng phòng quản lý chất lượng công trình xây dựng, Sở Xây dựng - cho rằng: Nếu công trình đã hoàn tất thủ tục pháp lý có thể nhờ đơn vị tổng thầu hoặc tư vấn giám sát để tư vấn và giải thích rõ về chuyên môn cho hàng xóm an tâm. Tùy vào biện pháp thi công sẽ có hướng giải thích khác nhau.

Một bạn đọc ở TP Thủ Đức hỏi về việc xây nhà trên nền đất bùn bị các đơn vị tư vấn "hét giá" về chi phí xử lý nền móng, ông Xuyên góp ý: "Chi phí cho móng nhà không nên vì tiết kiệm mà mạo hiểm. Nếu các đơn vị thi công khác nhau đều tư vấn cần làm móng sâu và chi phí tương đương, chủ công trình nên cân nhắc chọn lựa phương án an toàn bởi nhà vững từ móng!".

Cùng trao đổi thêm vấn đề này, ông Nguyễn Vũ Quang Vinh - trưởng phòng kiểm soát chất lượng thi công, Công ty CP xây dựng Coteccons - khuyến nghị chủ nhà có thể xem xét nhiều biện pháp thi công móng để tránh ảnh hưởng đến nhà bên cạnh và luôn theo dõi chấn động trong quá trình thi công. Việc chọn đơn vị thi công uy tín sẽ giúp giảm tối đa rủi ro.

Nhiều chủ nhà cũng băn khoăn về chuyện bị nhà hàng xóm "níu áo" khi nhà họ hư hỏng sau khi nhà mình đã xây dựng xong một thời gian (trong khi nhà đang xây thì không hư), giải quyết thế nào? Ông Xuyên cho rằng để xác định được nguyên nhân các hư hỏng thì các bên cần liên hệ đơn vị có chức năng kiểm định, xác định nguyên nhân. Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Quang Vinh cho rằng chủ nhà có thể thương lượng hòa giải với hàng xóm nếu có sự cố để giữ tình làng nghĩa xóm.

Tự bảo vệ khi nhà bị hư hỏng

Luật sư Dương Tuấn Lộc (Đoàn luật sư TP.HCM) hướng dẫn các bước hạn chế công trình xây dựng lân cận làm hư hỏng nhà mình như sau:

1. Yêu cầu hàng xóm dừng thi công hoặc thay đổi biện pháp thi công.

2. Thông báo sự việc đến chính quyền địa phương. Biên bản làm việc của chính quyền địa phương sẽ là chứng cứ về sau nếu có tranh chấp tại tòa án.

3. Yêu cầu chính quyền địa phương buộc hàng xóm chấm dứt các hành vi đang gây tổn thất cho nhà bên cạnh.

4. Yêu cầu cơ quan quản lý về xây dựng ra quyết định buộc ngừng thi công/thu hồi giấy phép xây dựng.

5. Khởi kiện ra tòa án yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Để chuẩn bị chứng minh cho các yêu cầu nói trên, bạn cần chuẩn bị các bằng chứng. Các biên bản ghi nhận, hình ảnh... về vi phạm của người đang thi công. Cần thiết cũng có thể thuê thừa phát lại lập vi bằng ghi nhận hiện trạng.

Nếu gặp rắc rối với thanh tra xây dựng

Bạn đọc Nguyễn Thanh Sơn trình bày: "Tôi xây nhà mà thanh tra xây dựng suốt ngày xuống hạch sách, yêu cầu phải xây thế này thế nọ, trong khi bản vẽ giấy phép xây dựng đã cấp. Thanh tra xây dựng có được can thiệp vào nội dung bên trong công trình so với giấy phép xây dựng không?".

Theo phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng Trương Công Nam: Khi chủ nhà điều chỉnh thiết kế bên trong công trình làm thay đổi công năng sử dụng, ảnh hưởng đến an toàn, phòng, chống cháy, nổ, bảo vệ môi trường thì phải điều chỉnh giấy phép xây dựng. Trường hợp phát hiện thanh tra xây dựng trong quá trình kiểm tra có dấu hiệu làm khó, nhũng nhiễu, chủ công trình có thể phản ánh đến đường dây nóng của Thanh tra Sở Xây dựng 028.39320575 hoặc lãnh đạo đội thanh tra địa bàn để kiểm tra xử lý nghiêm theo quy định.

Xây nhà ở thành phố, làm sao để giảm phiền phức? Xây nhà ở thành phố, làm sao để giảm phiền phức?

TTO - Làm thế nào để khi xây nhà ít gây ảnh hưởng đến nhà bên cạnh? Nếu hàng xóm xây nhà làm hư hỏng nhà mình thì liên hệ ai, nơi nào giải quyết? Cả bên xây nhà và bên bị ảnh hưởng cần làm gì để tránh tranh chấp, khiếu kiện kéo dài?...

D.NGỌC HÀ lược ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên