04/11/2019 06:33 GMT+7

Xây thêm cầu, cứu Nam Sài Gòn

PHƯỚC TUẦN
PHƯỚC TUẦN

TTO - Cầu Kênh Tẻ được mở rộng gần 2m nhưng người dân khu Nam Sài Gòn vẫn chưa thể thoát cảnh ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm.

Xây thêm cầu, cứu Nam Sài Gòn - Ảnh 1.

Dòng xe nối đuôi nhau qua cầu Kênh Tẻ vào giờ cao điểm - Ảnh: TỰ TRUNG

Với sự phát triển nhanh của dân số cơ học, khu Nam Sài Gòn đang đô thị hóa nhanh khi hàng loạt dự án nhà cao tầng mọc lên ở các quận 7, 8 và huyện Nhà Bè trong nhiều năm gần đây khiến cho các tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Nguyễn Tất Thành, Dương Bá Trạc... thường xuyên ùn tắc giao thông, đặc biệt là vào giờ cao điểm.

Hạ tầng giao thông không theo kịp đô thị hóa

Mới đây, dự án mở rộng cầu Kênh Tẻ (nối Q.4 và Q.7) nối trục đường Khánh Hội - Nguyễn Hữu Thọ cơ bản hoàn thành đã giúp giảm tải áp lực ùn tắc giao thông khu vực. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế vào giờ cao điểm, hai "nút cổ chai" cầu kênh Tẻ, Nguyễn Văn Cừ lại khiến người dân phải nhích từng chút, ì ạch nối đuôi nhau qua cầu một cách chậm chạp do lượng xe vẫn quá đông. Những lối lên cầu, xe máy tràn lên vỉa hè, chen lấn giữa làn ôtô.

Vợ chồng anh Lê Văn Trung (xã Phước Kiển, Nhà Bè) cho biết sáng sớm thường phải cố gắng đi sớm một chút chứ khoảng 7h là phải "chôn chân" ở cầu Kênh Tẻ. Đường từ chung cư đến ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Thị Thập cơ bản rộng rãi, thoải mái. 

Nhưng qua ngã tư, hướng về cầu Kênh Tẻ thì đối diện một "rừng xe" phía trước. Xe buýt, xe hơi, xe máy từ khu Tân Phong, Him Lam, Trung Sơn, Nhà Bè đổ về dồn dập... trong khi chỉ có một cây cầu rộng khoảng 15m, trên cầu có 2-3 chiếc xe buýt là chiếm hết diện tích.

"Bình thường từ nhà tôi qua trung tâm Q.1 khoảng 30 phút, tuy nhiên vào giờ cao điểm qua cầu Kênh Tẻ khoảng 500m cũng mất chừng ấy thời gian. Nhiều lúc có việc gấp chọn đi đường cầu Nguyễn Văn Cừ hay Tân Thuận nhưng cũng gặp cảnh dòng xe kẹt cứng, nhích từng mét đường, rất bực bội nhưng phải chấp nhận" - anh Trung chia sẻ.

Ông Lê Văn Bình (P.Tân Phong, Q.7), đang làm việc tại trung tâm Q.1, cho biết: "Hiện cầu đã mở rộng, giảm ùn tắc một phần nhưng cơ bản bài toán kẹt xe khu Nam Sài Gòn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Các dự án chung cư ngày càng tăng, dân số đông hơn nhưng khu Nam Sài Gòn chỉ có vài cây cầu nhỏ như vậy thì khó có thể giải quyết được tình trạng kẹt xe" - ông Bình chia sẻ.

Phải xây thêm cầu, hầm chui

Ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM - cho biết: "Để tháo gỡ bài toán kẹt xe khu Nam Sài Gòn, thành phố đã đầu tư nhiều dự án công trình, trong đó các dự án mở rộng cầu Kênh Tẻ hơn 2m, cầu Chữ Y tăng lên hơn 3m sắp hoàn thành. 

Ngoài ra, đơn vị đã xây dựng cầu kết nối cầu Nguyễn Tri Phương với đường Võ Văn Kiệt, cải tạo đường Phạm Hùng. Hi vọng các dự án hoàn thành sẽ giảm một phần ùn tắc cho khu vực".

Ngoài ra, ông Hưng cũng thông tin thêm hiện đang nghiên cứu triển khai dự án xây cầu Nguyễn Khoái nối Q.4 sang Q.7, nhằm giảm áp lực lưu thông cho cầu Kênh Tẻ. Theo tính toán ban đầu, cầu dài khoảng 346m, rộng 22,5m nối từ khu dân cư Him Lam (Q.7) sang đường Bến Vân Đồn (Q.4), tăng tính kết nối với 2 quận trên và chia sẻ áp lực giao thông với các tuyến đường lân cận.

Trong khi đó, ông Nguyễn Vĩnh Ninh - phó giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - cho biết đã trình Sở GTVT phê duyệt thiết kế 2 hầm chui tại nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (Q.7) nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng thường xảy ra tại khu vực này.

Cụ thể tại dự án nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ sẽ xây đảo tròn trung tâm (đường kính 60m) và 2 hầm chui cùng các nhánh trên đường Nguyễn Văn Linh. Hai hầm chui sẽ đi ngầm qua khu vực nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 480m (bao gồm đường dẫn 2 đầu hầm và hầm kín).

Trong đó, hầm kín chui dưới giao lộ đường Nguyễn Văn Linh với đường Nguyễn Hữu Thọ dài khoảng 80m; hầm hở phía Khu chế xuất Tân Thuận dài khoảng 200m, phía quốc lộ 1 dài khoảng 200m. Thiết kế hầm chui cho 3 làn xe lưu thông với tốc độ 60 km/h, bề rộng trong hầm 13,75m... Tổng vốn đầu tư dự án hơn 830 tỉ đồng. Công trình này dự kiến khởi công cuối năm 2019 và hoàn thành vào quý 2-2022.

Khởi động cầu Thủ Thiêm 4 và nhiều cầu sắt nhỏ

Sở GTVT TP.HCM cho biết đang khởi động xây cầu Thủ Thiêm 4 nối Q.7 và Q.2 nhằm giảm tải một hướng lưu thông mới cho khu Nam Sài Gòn. Cầu này dài gần 2,2km, rộng 28m với 6 làn xe và 2 lề bộ hành.

Trong khi đó, TS Võ Kim Cương - nguyên Kiến trúc sư trưởng TP.HCM - cho biết việc mở rộng cầu Kênh Tẻ và Chữ Y là giải pháp tạm thời, chỉ giải quyết một lượng nhỏ phương tiện lưu thông qua cầu.

Để giải quyết cảnh ùn tắc giao thông khu Nam Sài Gòn, thành phố cần sớm xây dựng các cây cầu mới nối trung tâm thành phố với khu Q.7, huyện Nhà Bè để "chia lửa" cho cầu Kênh Tẻ, Tân Thuận hiện hữu.

Ngành giao thông có thể xây các cây cầu sắt, cầu có trọng tải nhỏ dành cho xe máy bắc qua Kênh Tẻ chứ không cần đợi xây các dự án cầu có trọng tải lớn. Các cây cầu này có ưu điểm xây nhanh, kinh phí thấp, không tốn thời gian giải tỏa mặt bằng.

Ngoài ra, thành phố sớm triển khai nhanh xây 2 cầu đã được thành phố thông qua là cầu Thủ Thiêm 4 và Nguyễn Khoái.

Kẹt xe cầu Kênh Tẻ: quá mệt rồi, giờ làm sao? Kẹt xe cầu Kênh Tẻ: quá mệt rồi, giờ làm sao?

TTO - Giải pháp nào giảm nạn kẹt xe qua cầu Kênh Tẻ (TP.HCM)? Tuổi Trẻ Online lược ghi từ hơn 200 ý kiến bạn đọc phản hồi trên tuoitre.vn về nạn kẹt xe qua cây cầu này.

PHƯỚC TUẦN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên