11/08/2022 11:00 GMT+7

'Xe vua' vui vẻ

TIẾN TRÌNH
TIẾN TRÌNH

TTO - Thấy các bác tài đêm đêm chạy xe lôi đẹp rực rỡ như hình ảnh trong truyện cổ tích chở khách dập dìu đường phố, các anh chủ tiệm vàng và chủ nhà yến cũng sắm xe ra phố để... kiếm vui.

Xe vua vui vẻ - Ảnh 1.

Có khách hay không, các bác tài “xe vua” ở Hà Tiên cũng luôn vui cười

Ở thành phố biên giới Hà Tiên (Kiên Giang), "xe vua" hay còn gọi là xe lôi không đồng nghĩa với cuộc mưu sinh của những phận nghèo. Từ khi "thất thủ" tại nhiều đô thị Nam Bộ, xe lôi dần thay đổi thành "xe vua vui vẻ" tại đây, và chiếc xe đạp làm vã mồ hôi người phần nhiều đã được thay bằng xe điện.

Xe lôi chạy điện

"Lên xe, em chở đi một vòng 6 điểm đẹp ở Hà Tiên, vui lắm, không vui không lấy tiền". Đó là lời chào mời từ một trong những chiếc xe được trang trí nhiều hoa văn, đèn màu như chạy ra từ cổ tích hằng đêm lung linh trên khắp phố phường Hà Tiên. Thành phố miền biên ải này là một trong những nơi hiếm hoi ở Nam Bộ mà "xe vua" (xe lôi) vẫn còn phổ biến.

Trước khi đưa gia đình từ Cà Mau đi du lịch Hà Tiên, Mười Tha không nghĩ rằng đám nhỏ nhà anh lại thích thú không rời chiếc xe đẹp như phim hoạt hình. Một vòng, hai vòng, ba vòng... Cảm giác ngồi trên chiếc "xe vua" lướt qua từng con phố cong cong với những ngôi nhà xưa cũ khiến ít ai muốn kết thúc hành trình. Gia đình anh Tha lại yêu cầu bác tài tiếp tục...

"Đám nhỏ nhà tui không biết xe lôi, cứ liên tưởng hình ảnh những chiếc xe đọc trong truyện tranh. Còn thế hệ tui, đó là cả ký ức. Nên khi gặp lại xe lôi, tui như gặp lại thời tuổi trẻ của mình. Mà xe lôi ngày trước đâu đẹp dữ thần vậy. Các bác tài chạy hồi đó đâu phải ai cũng giao tiếp lịch sự như ở đây...", Mười Tha vui vẻ chia sẻ.

Xe vua vui vẻ - Ảnh 2.

Trẻ em rất thích được đi trên những chiếc xe đẹp mắt, vui vẻ này - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Mấy tháng nay, khách đến Hà Tiên bỗng vui mắt hơn khi mỗi chiều hàng quán chưa kịp lên đèn thì phố phường đã rực màu. Hàng trăm chiếc "xe vua" với đủ hình thù, lấp lánh tủa ra tìm khách. 

Thành phố hình cánh chim vốn nổi tiếng với "Hà Tiên thập cảnh" xưa nay là một trong những nơi phải đến khi du lịch miền Tây. Cánh xe lôi càng trở nên nổi bật khi họ trang hoàng những chiếc xe đẹp hơn, vui mắt hơn và trở thành nét riêng khi du khách đến Hà Tiên.

Ngược dòng thời gian, xe lôi vốn gắn liền đời sống nhiều thế hệ dân Nam Bộ. Thế nhưng vào cuối thế kỷ trước, với lý do loại xe này là "phương tiện thô sơ, không an toàn", chính quyền nhiều nơi đã ban hành quy định chấm dứt vai trò của loại xe gắn liền với bao cảnh đời này. 

Những người chạy xe lôi phải chuyển đổi nghề nghiệp. Họ tiếp tục cuộc mưu sinh mà không còn kéo khách sau lưng với bao buồn vui hằng ngày. Từ Cần Thơ cho đến Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau..., xe lôi dần dần vắng bóng.

Đến khi xe gắn máy rồi ôtô phủ đầy đường, những chiếc xe lôi quen thuộc khi xưa càng trở nên lạ mắt. Nhưng xe lôi vẫn không tuyệt tích. Nó dạt ra biên giới. Ở hai đô thị du lịch nổi tiếng nhất, nhì trong vùng vẫn còn nhiều người chạy xe lôi không chịu "chuyển đổi nghề nghiệp". 

Ở Châu Đốc, xe lôi vẫn chở khách đi chợ hay "cộ heo quay" đi viếng Bà Chúa Xứ. Ở Hà Tiên, xe lôi vẫn len lỏi trên những con phố bên dãy núi Bình San. Tại biên viễn này, xe lôi được "củng cố lực lượng" và chăm chút hình thức cho đẹp đẽ, vui mắt để phục vụ du lịch.

Xe vua vui vẻ - Ảnh 3.

Trẻ em rất thích được đi trên những chiếc xe đẹp mắt, vui vẻ này - Ảnh: TIẾN TRÌNH

Tui chỉ mong chiều xuống để lái chiếc xe vui ra đường. Có khách thì vui hơn, không có khách cũng chẳng sao. Coi như mình chơi thể thao để giữ sức khỏe, tinh thần.

Ông NGUYỄN VĂN NHÂN

Thành phố của "xe vua"

Theo dân trong nghề, so với ngày trước, bây giờ ở Hà Tiên số lượng xe lôi tăng lên nhanh chóng. Dân bên này phải qua Châu Đốc, Long Xuyên để mua thùng xe, gắn sau những chiếc xe đạp điện để kéo khách thay vì phải còng lưng đạp như xưa. Họ "làm sang" cho xe lôi khi biến chúng thành "xe vua" đúng nghĩa.

Vui vẻ trò chuyện với tôi, ông Nguyễn Văn Nhân, 66 tuổi, kể: "Sau chuyến đánh cá bị chìm tàu, lênh đênh ngoài khơi 3 ngày rồi được cứu sống, tui nghe lời khuyên của mẹ là không đi biển nữa. Thôi nghề bà cậu, một ngày đẹp trời, tui thuyết phục các con đồng ý "đầu tư" 55 triệu đồng để mình đóng chiếc xe lôi đẹp nhất nhì xứ Hà Tiên". 

Ông Nhân vui vẻ kể thêm cái hôm ra mắt chiếc xe với thùng chở khách sáng rực đèn, mui xe hình bầu tròn với những hoa văn nghệ thuật, có những trái tim lấp lánh sau lưng và đệm bậc thang thấp để ông già bà cả dễ bước lên...

Một người "độ" xe đẹp, người khác cũng trầm trồ rồi làm theo. Không bao lâu, cả đội xe lôi trên 100 chiếc ở Hà Tiên đều biến thành "xe vua" rực rỡ. Có người tiện thể gắn luôn dàn nhạc cho tới, nhưng tới đây thì quá trớn. 

"Anh thử tưởng tượng, cả trăm chiếc xe cùng mở nhạc, mỗi người mở một kiểu rap, rock, tân cổ giao duyên loạn xà ngầu thì trở thành... vô duyên hết sức". Vậy là vụ đánh nhạc theo xe bị tuýt còi, cánh xe lôi không mở nhạc nữa. 

"Họ bắt đầu đua nhau độ xe cho đẹp. Xe đẹp thì phố phường cũng đẹp. Nhưng tránh làm quá lố, lại thiếu an toàn", một lãnh đạo thành phố Hà Tiên chia sẻ.

Xe vua vui vẻ - Ảnh 5.

Đã qua rồi cái thời xe lôi u buồn, cũ kỹ

Thấy khách đến Hà Tiên rất chuộng xe lôi, vậy là lãnh đạo thành phố "bật đèn xanh" cho ngành du lịch, giao thông, công an... hỗ trợ các bác tài thành lập câu lạc bộ xe lôi. 

Các thành viên câu lạc bộ được tập huấn về văn hóa, lịch sử vùng đất, đặc biệt còn mời các chuyên gia từ Sài Gòn xuống luyện cho các bác tài kỹ năng giao tiếp và quy tắc ứng xử cộng đồng, với hy vọng mỗi bác tài là một hướng dẫn viên ở Hà Tiên.

"Chỉ thời gian ngắn có trên 120 xe đăng ký vào câu lạc bộ (CLB). Với tinh thần là giữ nề nếp, tuân thủ pháp luật, cũng là để tương trợ, giúp đỡ nhau khi hữu sự - anh Nguyễn Hoàng Tuân (37 tuổi), chủ nhiệm CLB xe lôi thành phố Hà Tiên nói - Tôi nhớ hồi chưa có CLB xe lôi, mỗi khi nhà anh em nào có hoàn cảnh cần tương trợ là anh Hiền chủ quán cơm hay đứng ra quyên góp. Giờ anh em tụi tui cũng có quỹ để phòng giúp nhau".

"Hiện nay cũng có người hoàn cảnh khó khăn, phải chạy nhiều để kiếm cơm. Nhưng phần lớn còn lại họ chạy xe để kiếm... vui. Vừa dạo phố, vừa tăng cường sức khỏe, lại giao tiếp với nhiều người" - vị chủ nhiệm, đồng thời cũng là bác tài xe lôi, bật mí thêm trong CLB của anh có cả... chủ tiệm vàng, chủ nhà yến.

"Những người này họ đâu thiếu thốn tiền bạc. Nhưng thấy chạy xe vua vui dữ thần, họ cũng mua xe rồi xin vào CLB để chở khách cho vui... Mình đâu có lý do gì khuyên họ không chạy", anh Tuân nói không có cạnh tranh gay gắt vì "ở đây anh em thương nhau không hết".

Góp đẹp, góp vui phố phường

Thực tế là xách xe đi kiếm cơm, nhưng cánh "xe vua" ở Hà Tiên hay... nhường khách cho nhau. Hôm gặp tôi, ông Nhân viện lý do... khách đông quá để chỉ 9 khách cho các bác tài chưa được cuốc nào.

"Có nhiều hôm mưa gió, chúng tôi chạy xe ra rồi chạy về. Có khi mấy ngày không mang về cho vợ con được bao đồng, nhưng vợ vẫn vui vì biết mình sinh hoạt trong CLB tử tế, không tụ tập say xỉn" - ông Nhân tâm sự họ giữ đạo đức, nề nếp để góp phần vui vẻ cho phố phường Hà Tiên, nơi đã cưu mang họ.

Đi học cảm thụ nghệ thuật Đi học cảm thụ nghệ thuật

TTO - Ngày nọ, bạn tôi hú: "Ê mày, đi học "chơi" không?". Tôi tròn mắt thì nhỏ bạn đã trả lời đầy văn vẻ: "Nếu mày muốn hiểu vì sao bức tranh này đẹp, bộ phim kia hay, bài nhạc nọ sao tuyệt vời thì hãy học lớp học cảm thụ nghệ thuật".

TIẾN TRÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên