15/03/2024 08:16 GMT+7

Xin nghỉ việc ở SCB vì bị ép ký hồ sơ giải ngân cho Vạn Thịnh Phát

Sáng 15-3, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm tiếp tục phần xét hỏi. Trước đó, một số bị cáo khai từng bị ép ký giải ngân cho Vạn Thịnh Phát đã xin nghỉ việc.

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Các bị cáo tại tòa - Ảnh: HỮU HẠNH

Xin nghỉ việc vì thấy hồ sơ nhiều 'rủi ro'

Bị cáo Nguyễn Huỳnh Lan Chi (nguyên trưởng phòng tái thẩm định Ngân hàng SCB) khai mình làm việc tại SCB từ khi ra trường đến năm 2018 thì nộp đơn xin nghỉ việc.

Để xin thôi việc, bị cáo đã cương quyết không ký bất kỳ hồ sơ nào của Vạn Thịnh Phát cho đến khi nghỉ việc. Sau khi nghỉ việc, bị cáo có được yêu cầu quay lại ký hồ sơ hoàn thiện nhưng đã từ chối.

Ngoài hồ sơ của Vạn Thịnh Phát thì các hồ sơ khác phòng tái thẩm định vẫn xét duyệt. Không phải hồ sơ nào của Vạn Thịnh Phát cũng không đầy đủ, những hồ sơ nào quá thiếu thì bị cáo mới từ chối. Bị cáo đã nhiều lần tranh cãi gay gắt với Nguyễn Phương Hồng (phó tổng giám đốc, đã chết), vì có hồ sơ bị cáo từ chối giải ngân nhưng bà Hồng vẫn chỉ đạo chi nhánh giải ngân.

Bị cáo Hoàng Minh Hoàn (phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) thì đề nghị tòa xem xét lại thời gian làm việc tại SCB của mình là chỉ có 2 tháng 9 ngày, chứ không phải 2 năm như cáo trạng xác định.

"Bị cáo từ nhiệm vì hoạt động ngân hàng rất nhiều, đòi hỏi tính chuyên môn cao, gây một áp lực rất lớn đối với bị cáo. Bị cáo phát hiện các hồ sơ vay tại SCB tiềm ẩn nhiều rủi ro, các hồ sơ tín dụng có dấu hiệu phản ánh không đúng bản chất khoản vay. Theo đó bị cáo xin từ nhiệm với anh Thành. Đến tháng 12-2020 bị cáo nộp đơn xin nghỉ việc" - ông Hoàn nói.

Các bị cáo Nguyễn Thị Phi Loan, Nguyễn Tín, Võ Văn Thuần, Bùi Anh Dũng, Võ Tấn Hoàng Văn, Trương Khánh Hoàng, Trần Thị Mỹ Dung cùng các bị cáo khác… trình bày thêm về điều kiện hoàn cảnh phạm tội, bày tỏ thái độ ăn năn hối cải, các tình tiết giảm nhẹ.

Bị Nguyễn Huỳnh Lan Chi làm việc tại Ngân hàng SCB (cũ) từ tháng 8-2003, sau đó tiếp tục công tác tại Ngân hàng SCB (sau hợp nhất) đến ngày 16-8-2018, với nhiều vị trí, chức vụ khác nhau.

Từ ngày 23-12-2015 đến ngày 9-2-2018, bà Chi với các vai trò là phó giám đốc phụ trách Phòng Tái thẩm định; giám đốc Phòng Tái thẩm định, Thành viên Hội đồng Kinh doanh và Đầu tư hội sở đã ký 83 Tờ trình tái thẩm định, 2 biên bản họp Hội đồng Kinh doanh đồng ý cho 69 khách hàng thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 83 khoản vay tại SCB.

Các khoản vay này có tổng dư nợ tính đến ngày 17-10-2022 là 25.500 tỉ đồng.

Kết quả điều tra xác định hành vi của bị cáo Chi đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại cho SCB số tiền 18.300 tỉ đồng (tổng dư nợ trừ giá trị tài sản đảm bảo).

Bị cáo Hoàng Minh Hoàn làm việc tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa từ tháng 3-2007, sau đó tiếp tục công tác tại Ngân hàng SCB (sau hợp nhất) trải qua nhiều vị trí, chức vụ khác nhau. Giai đoạn tháng 7-2020 đến 9-2022, bị cáo Hoàn là quyền tổng giám đốc SCB.

Kết quả điều tra xác định: Từ ngày 30-7-2020 đến ngày 21-9-2022, với vai trò là Quyền tổng giám đốc SCB, bị cáo Hoàn đã ký, phê duyệt 42 tờ trình tái thẩm định, 40 biên bản họp Hội đồng Kinh doanh, 24 tờ trình Hội đồng quản trị đồng ý cho 39 khách hàng thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát vay 51 khoản vay tại Ngân hàng SCB.

Hành vi của bị cáo Hoàng Minh Hoàn đã giúp sức cho bà Trương Mỹ Lan rút tiền của Ngân hàng SCB, gây thiệt hại cho SCB số tiền 2.500 tỉ đồng.

SCB đề nghị được ưu tiên thu hồi nợ

Sau khi các luật sư xét hỏi xong về hành vi phạm tội của các bị cáo, hội đồng xét xử chuyển sang xét hỏi liên quan đến bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Được xác định là bị hại trong vụ án, đại diện Ngân hàng SCB cho rằng tổng số tiền thiệt hại thực tế (tính đến ngày 17-10-2022) là: 677.286 tỉ đồng, trong đó gốc là 482.449 tỉ đồng, lãi/phí là 277.830 tỉ đồng.

Ngoài ra, SCB còn đề nghị tính thêm số tiền lãi/phí phát sinh tạm tính kể từ ngày 18-10-2022 cho đến ngày 5-3-2024 là 84.515 tỉ đồng. Số tiền này tiếp tục phát sinh cho đến khi SCB thực tế thu hồi được nợ.

Đối với vật chứng là 1.116 tài sản bảo đảm và vật chứng là những tài sản đã được cơ quan điều tra kê biên, phong tỏa, thu giữ được, SCB kính đề nghị giao cho SCB toàn quyền quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý…

Đối với những tài sản bị hoán đổi và xuất ra khỏi hệ thống quản lý của SCB, SCB đề nghị hội đồng xét xử có biện pháp quyết định thu hồi 240 tài sản hoán đổi nói trên và các tài sản khác được hoán đổi (nếu có cơ sở xác định) để giao lại cho Ngân hàng SCB quản lý, khai thác, sử dụng, xử lý… để thu hồi nợ, khắc phục thiệt hại.

SCB đề nghị hội đồng xét xử tiếp tục áp dụng các biện pháp truy tìm và kê biên, phong tỏa tài sản thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan, hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát, những cá nhân đồng phạm với bà Trương Mỹ Lan và các cá nhân, tổ chức khác có liên quan còn chưa được kê biên, phong tỏa... giao cho SCB để khắc phục thiệt hại.

Bên cạnh đó, SCB yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan là các công ty thẩm định giá; xác định quyền ưu tiên thu hồi nợ, khắc phục thiệt hại khi xử lý tài sản; trách nhiệm bồi thường, khắc phục thiệt hại.

Bà Bùi Thị Vân Anh (vợ ông Nguyễn Cao Trí) cho biết đang sắp xếp nguồn tài chính để khắc phục thêm 264 tỉ đồng. Trong đó, còn nhiều cá nhân đang nợ gia đình ông bà hơn 1.500 tỉ đồng, mong cơ quan chức năng phối hợp giúp gia đình thu hồi.

Sáng nay 15-3, hội đồng xét xử tiếp tục xét hỏi đối với các bên công ty là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến các tài sản, dự án liên quan đến bị cáo Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.

Vụ Vạn Thịnh Phát: Ngân hàng SCB nói bị thiệt hại 764.000 tỉ đồngVụ Vạn Thịnh Phát: Ngân hàng SCB nói bị thiệt hại 764.000 tỉ đồng

Đại diện ủy quyền của SCB cho rằng cáo trạng xác định tổng thiệt hại của vụ án Vạn Thịnh Phát là hơn 498.000 tỉ, tuy nhiên SCB không đồng ý với con số này, mà khẳng định bị thiệt hại đến 764.000 tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên