07/08/2021 06:49 GMT+7

Xóm trọ nghèo xơ xác trong đại dịch

PHẠM TUẤN
PHẠM TUẤN

TTO - Chiều 6-8, trong cái nắng của ngày Hà Nội 38 độ C, bà Trần Thị Thắm (quê Hải Dương) lụi cụi nhóm bếp lửa giữa trời để nấu ăn. Bà bảo: "Kiếm 20.000 đồng mỗi ngày giờ cũng không có".

Dịch COVID-19 kéo dài, lao động nghèo ở Hà Nội sống lay lắt - Video: PHẠM TUẤN

Xưa đi nhặt đồng nát và bán bông tăm, ngày nhiều nhất thì được vài chục. Bây giờ dịch bệnh ập đến, nguồn thu 20.000 đồng mỗi ngày cũng không còn.

Bà Trần Thị Thắm

Hà Nội đang bước vào những thời khắc khó khăn trong việc chống lại đại dịch COVID-19. Dịch bệnh phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống người dân, đặc biệt là những người lao động nghèo. 

Ở phố Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội, có một xóm trọ xập xệ, được dựng tạm bởi những tấm tôn. Người thuê nhà ở đây đa phần là những lao động nghèo, điều kiện không cho phép nên họ phải thuê tạm những căn nhà tồi tàn trên để có chỗ ở, thuận tiện cho việc bươn chải, mưu sinh.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, đa số những người lao động trên đều "mất việc", mặt khác lại mắc kẹt ở thủ đô do lệnh giãn cách xã hội, khiến nhiều người khốn đốn.

Xóm trọ nghèo xơ xác trong đại dịch - Ảnh 3.

Xóm trọ nghèo ở Phúc Xá, Ba Đình càng trở nên xơ xác vì đại dịch - Ảnh: PHẠM TUẤN

Chiều 6-8, trong cái nắng của ngày Hà Nội 38 độ C, bà Trần Thị Thắm (quê Hải Dương) lụi cụi nhóm bếp lửa giữa trời để nấu ăn. Bà Thắm cho biết bà lên Hà Nội mưu sinh từ năm 1972, ngày xưa sống ở xóm phao ven sông Hồng, tuy nhiên vì trái phép nên bà chuyển lên thuê ở khu này, vì vừa rẻ vừa tiện việc đi lại.

Bà Thắm chia sẻ, ngày Hà Nội chưa cấm đi lại, buôn bán hàng rong vì dịch COVID-19, bà thường đi ra các khu chợ để nhặt nhạnh mọi thứ mà người ta sót, rồi mang về bán, hoặc đi bán bông tăm, kẹo cao su dạo.

"Ngày xưa sáng nào tôi cũng đèo thêm hai con chó sau chiếc xe đạp để nhặt đồng nát và bán bông tăm, ngày nhiều nhất thì được vài chục. Bây giờ dịch bệnh ập đến, nguồn thu 20.000 đồng mỗi ngày giờ cũng không còn", bà Thắm nói.

Bà Thắm kể nhà bà có hai người con, một người con trai thì đã mất cách đây chục năm, người con gái đi Trung Quốc làm ăn mãi không thấy về, nên bà bất đắc dĩ phải ở một mình, không chốn tựa nương.

"Mấy ngày này không có gì ăn, may mắn quá hôm trước có mấy bạn tình nguyện cho mấy cân gạo và một gói lạc, thế là ăn thêm được một tháng", bà Thắm bảo.

Xóm trọ nghèo xơ xác trong đại dịch - Ảnh 4.

Căn nhà bà Ba chỉ có bìa cactông và đồng nát làm "của để dành" - Ảnh: PHẠM TUẤN

Cách nhà bà Thắm không xa, trong căn nhà trọ lụp xụp, tạm bợ, chật chội, nóng bức, bà Trần Thị Ba (71 tuổi) đang ngồi gọt những quả su su để chuẩn bị cho bữa ăn.

Bà Ba kể, những ngày trước dịch, bà cũng đi nhặt đồng nát, thùng cactông, túi nilông rơi vãi dọc đường, các khu chợ để về bán, mỗi tuần bà kiếm được 100.000 đồng, nhưng từ khi Hà Nội cấm người dân ra khỏi nhà để phòng dịch, nguồn thu nhập ít ỏi đó cũng không còn. Dù không có thu nhập nhưng bà mỗi tháng vẫn phải đóng hơn 1 triệu tiền thuê phòng.

"Bây giờ chợ cấm rồi, tôi cũng nghỉ đứt, ăn uống thì họ cho được tí gạo nào thì san sẻ mẹ con với nhau cùng củ rau vậy thôi", bà Ba chia sẻ.

Được biết bà Ba ở cùng một người con trai năm nay hơn 30 tuổi nhưng bị tâm thần, không có khả năng lao động, nên người mẹ này phải nuôi cả con.

Xóm trọ nghèo xơ xác trong đại dịch - Ảnh 5.

Bên trong căn nhà trọ của những người lao động nghèo ở Phúc Xá, Ba Đình - Ảnh: PHẠM TUẤN

Anh Trương Văn Tuyên (thuê trọ ở khu Phúc Xá, quận Ba Đình) cho biết những ngày thường, hai vợ chồng còn đi làm thuê được để nuôi hai đứa con, nhưng hơn một tháng nay dịch bệnh chuyển biến xấu, phải nghỉ việc, khiến cuộc sống gia đình anh rơi vào cảnh khó khăn, cầm cự qua mùa dịch.

"Bây giờ sinh hoạt của gia đinh, nuôi hai con chi phí rơi vào khoảng 8 triệu, nhưng nghỉ việc như thế này không biết kiếm đâu ra tiền để chi tiêu. Nhìn hai con ăn uống đạm bạc cũng thương lắm, nhưng không biết phải làm như thế nào, phải cố gắng chấp nhận và cầm cự, chỉ mong cho dịch mau ổn còn đi làm", anh Tuyên nói.

Xóm trọ nghèo xơ xác trong đại dịch - Ảnh 6.

Một cụ già vui vẻ "khoe" vì nay nhận được cà chua, bí đỏ miễn phí của các đoàn từ thiện mang tặng - Ảnh: PHẠM TUẤN

Hà Nội Hà Nội 'không tiếp tục giãn cách thì khó bảo vệ thành quả chống dịch'

TTO - Phó bí thư Thành ủy TP Hà Nội Nguyễn Văn Phong nói trong thời gian giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, Hà Nội đã đạt những kết quả tích cực, song số ca COVID-19 mới vẫn tăng, khiến Hà Nội phải tiếp tục giãn cách để bảo vệ thành quả.

PHẠM TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên