18/10/2013 07:20 GMT+7

Xử phạt theo nghị định 121: Khó bắt quả tang vi phạm

D.N.HÀ
D.N.HÀ

TT - Trong nghị định 121 (có hiệu lực từ ngày 30-11-2013, báo Tuổi Trẻ ngày 17-10 đã giới thiệu một số nội dung) còn nhiều quy định xử phạt liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân như việc xâm hại cây xanh, đổ rác xuống kênh...

Nộp tiền để giữ lại công trình xây không phép

EQyDl1Fr.jpgPhóng to
Hành vi đóng đinh vào cây xanh treo biển quảng cáo như thế này sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng - Ảnh: Hữu Khoa

Nghị định quy định nhiều mức phạt đối với hành vi xâm hại cây xanh như: đục khoét, đóng đinh vào cây xanh, tự ý ngắt hoa, cắt cành, đốt gốc, lột vỏ thân cây, phóng uế: bị phạt cảnh cáo hoặc từ 200.000-500.000 đồng; giăng dây, treo đèn trang trí, treo biển quảng cáo vào cây xanh nơi công cộng, đường phố, công viên không đúng quy định; chăn thả gia súc trong công viên, vườn hoa... bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng; hành vi tự ý chặt hạ, di dời cây xanh, chặt nhánh, tỉa cành, đào gốc, chặt rễ cây xanh không đúng quy định: bị phạt 20-30 triệu đồng; đổ chất phế thải, chất độc hại, vật liệu xây dựng vào gốc cây xanh, sử dụng công trình trong công viên không đúng mục đích: bị phạt từ 10-15 triệu đồng.

Theo nghị định, người nào đổ đất đá, vật liệu, rác xuống hồ, kênh, mương, hố ga, cống, rãnh thoát nước làm cản trở dòng chảy: bị phạt 1-2 triệu đồng; xả chất độc hại vào hệ thống thoát nước công cộng bị phạt từ 2-4 triệu đồng; san lấp kênh, mương, ao, hồ thoát nước công cộng trái quy định: bị phạt từ 4-8 triệu đồng. Đối với người sử dụng nước làm sai lệch đồng hồ đo nước, sử dụng nước trước đồng hồ, gỡ niêm phong, niêm chì của thiết bị đo, đếm nước không đúng quy định: phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000-1 triệu đồng. Đơn vị cấp nước cung cấp nước sạch cho sinh hoạt không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn và không cung cấp nước cho các hộ dùng nước theo hợp đồng: bị phạt từ 20-30 triệu đồng.

Trong nhà chung cư, bất cứ ai kinh doanh nhà hàng vũ trường, karaoke, sửa chữa xe máy, kinh doanh gia súc, gia cầm, hoạt động giết mổ gia súc trong chung cư; tự ý cơi nới, đục phá, cải tạo, thay đổi kết cấu chịu lực... của chung cư sẽ bị phạt từ 50-60 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Chương, chủ tịch UBND P.1, Q.4 (TP.HCM), cho biết nhiều hành vi quy định trong nghị định trên rất khó bắt quả tang hoặc kiểm tra xác định người vi phạm. Ví dụ như hành vi hái hoa, cắt cành, đục khoét, lột vỏ cây xanh, vứt rác, phóng uế... chỉ có thể phạt khi bắt quả tang hoặc có người làm chứng. Thường khu vực nào hay bị vi phạm thì lực lượng chức năng của phường phải tổ chức mật canh, quay phim, chụp ảnh mới xử lý được người vi phạm. Lực lượng công chức hiện tại của phường không đủ để mật canh hay tuần tra thường xuyên hết địa bàn. Vì vậy, UBND phường thường tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân làm tai mắt để bắt quả tang và xử lý những hành vi trên. Trên địa bàn phường cũng có nhiều trường hợp người dân bắt quả tang người vứt rác hoặc phóng uế báo về UBND phường để lực lượng chức năng đến nơi, lập biên bản và xử phạt. Tuy nhiên, những hành vi xâm hại cây xanh chưa được người dân quan tâm lắm, nhiều người không biết đó là hành vi vi phạm nên không báo về UBND phường.

Phó chủ tịch UBND một quận trung tâm TP băn khoăn: lĩnh vực xử phạt trật tự đô thị, môi trường, cây xanh, vỉa hè... quận chỉ có thể giao cho Đội quản lý trật tự đô thị phụ trách. Mà đội quản lý trật tự đô thị hiện nay đã được giao quá nhiều việc, việc nào cũng cần đầu tư công sức để tuần tra, xác minh, bắt quả tang... trong khi biên chế có hạn, không thể tùy tiện tuyển thêm người. Vì vậy nên hiện nay vụ việc xử phạt về xâm hại cây xanh không nhiều.

Quy định mà không phạt, dân lờn

Có thể nhiều người thấy lạ nhưng thật ra nhiều hình thức chế tài tại nghị định 121/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở) không hề mới.

Hiện nghị định 23/2009 có quy định các nội dung tương tự với mức phạt một số hành vi còn cao hơn cả nghị định mới. Đơn cử trong việc xử phạt hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ cây xanh, công viên và vườn hoa, nghị định 23 phạt tiền từ 500.000 - 1 triệu đồng đối với các hành vi đục khoét, đóng đinh vào cây xanh; tự ý ngắt hoa, cắt cành cây... hoặc các hành vi khác làm hư hỏng cây xanh, vườn hoa, thảm cỏ. Trong khi đó, nghị định 121 chỉ “phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng” đối với các hành vi này (phạt nhẹ hơn).

Tương tự, đối với việc xử phạt chủ sở hữu, người sử dụng nhà ở có hành vi vi phạm các quy định về quản lý nhà ở, nghị định 23 quy định phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia súc, gia cầm tại phần sở hữu chung hoặc phần sử dụng chung tại chung cư; phạt tiền từ 15-20 triệu đồng nếu việc nuôi này ảnh hưởng tới trật tự, mỹ quan và môi trường sống của các hộ dân khác. Trong khi đó, nghị định 121 chỉ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi này (phạt nhẹ hơn).

Rõ ràng ai cũng thấy sự cần thiết của việc xác định các hành vi vi phạm hành chính và biện pháp chế tài tương ứng để giữ gìn, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Thế nhưng, trên thực tế Nhà nước cứ quy định việc xử phạt ở rất nhiều lĩnh vực nhưng ít khi tổ chức thực hiện. Hậu quả là nhiều người dân chẳng biết đã có những quy định này hoặc có biết cũng chẳng lưu ý tuân thủ, khiến pháp luật có cũng như không vì người dân có tâm lý lờn luật...

Luật sư TRẦN THỊ MIỀN (Đoàn luật sư TP.HCM)

D.N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên