20/10/2017 17:53 GMT+7

Xử trí đuối nước

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

Đuối nước là một tình trạng diễn ra khá phổ biến ở nước ta. Không chỉ ao, hồ, sông suối mà ngay cả những dụng cụ chứa nước trong gia đình như lu, vại,... không có nắp đậy cũng gây nguy hiểm cho trẻ.

Xử trí đuối nước - Ảnh 1.

Khi bị đuối nước, việc sơ cứu khẩn trương và đúng kỹ thuật là những yếu tố quan trọng nhất, quyết định đến sự sống còn của người bị nạn.

Sơ cứu khi bị đuối nước

Một người đã ngưng thở chỉ sống thêm được khoảng 5 phút, do vậy phải hành động thật nhanh và bằng mọi cách tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay cho nạn nhân. Tốt nhất là phải cấp cứu thổi ngạt ngay khi vừa đưa đầu người bị nạn lên khỏi mặt nước trước khi đưa vào bờ.

Cách sơ cứu đúng như sau:

- Khi gặp trường hợp đuối nước, việc đầu tiên là nhanh chóng đưa nạn nhân lên khỏi mặt nước bằng cách đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao hoặc vớt người bị nạn lên. Người cứu tiến lại nạn nhân từ phía lưng, ôm lấy lưng nạn nhân hoặc nắm tóc kéo lên. Việc này nhằm tránh tình trạng nạn nhân nếu còn tỉnh sẽ hoảng loạn ôm ghì lấy người cứu dẫn đến hậu quả cả hai cùng bị chết đuối.

- Đặt người bị nạn nằm ở chỗ khô ráo, thoáng khí và nhanh chóng tiến hành khai thông đường thở, thổi ngạt cho nạn nhân. Dùng tay đẩy nghiêng đầu nạn nhân sang một bên, ngón tay trỏ còn lại luồn vào miệng nạn nhân móc hết dị vật và cho nước trong miệng nạn nhân chảy ra ngoài. Sau đó nhanh chóng cho nạn nhân ngửa thẳng trở lại, người cứu quỳ bên cạnh nạn nhân, một tay đặt lên trán nạn nhân đẩy ra phía sau, một tay kéo cằm lên sao cho nạn nhân ưỡn cổ tối đa (khi nghi ngờ có chấn thương cột sống cổ thì chỉ nâng hàm dưới lên, tránh di chuyển nhiều).

- Nếu người bị nạn bất tỉnh, hãy kiểm tra xem có còn thở hay không bằng cách quan sát sự di động của lồng ngực.

+ Nếu lồng ngực không di động tức là người bị nạn đã ngưng thở. Đầu tiên cần nhanh chóng thổi ngạt cho nạn nhân. Người cứu ngửa mặt hít một hơi dài, áp miệng vào miệng nạn nhân thổi trong vòng 2 giây, 2 lần liên tiếp. 

Chú ý trong khi thổi ngạt phải bịt 2 mũi nạn nhân lại. Nếu sau khi thổi ngạt, người bị nạn vẫn chưa thở lại được hoặc còn tím tái và hôn mê thì xem như tim của nạn nhân đã ngưng đập, cần ấn tim ngoài lồng ngực ngay. Ấn vào vùng nửa dưới xương ức theo cách như sau:

• Dùng 2 ngón tay cái (đối với trẻ dưới 1 tuổi) ấn ở vị trí giữa và dưới đường nối hai đầu vú 1 khoát ngón tay (tức khoảng bằng bề ngang một ngón tay).

• Dùng 1 bàn tay (đối với trẻ từ 1-8 tuổi) hoặc 2 bàn tay đặt chồng lên nhau (đối với trẻ hơn 8 tuổi và người lớn) ấn vào phía trên mỏm ức 2 khoát ngón tay.

+ Phối hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỷ lệ 5/1 (đối với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 15/2 (đối với trẻ trên 8 tuổi hoặc người lớn). Cần lưu ý là vẫn phải tiếp tục thực hiện các động tác cấp cứu này trên đường chuyển người bị nạn tới cơ sở y tế, cho đến khi người bị nạn tự thở lại được, việc cấp cứu này đôi khi phải mất hàng giờ hoặc lâu hơn.

- Nếu lồng ngực còn di động tức người bị nạn còn tự thở được, hãy đặt nạn nhân ở tư thế an toàn, nghĩa là cho nằm nghiêng một bên để nếu người đó có nôn ói thì chất nôn dễ dàng thoát ra ngoài và không trào ngược vào phổi gây viêm phổi.

Một số lưu ý khi sơ cứu người bị ngạt nước

Phần lớn người bị nạn tử vong hoặc bị di chứng não do thiếu oxy vì không được sơ cứu hay sơ cứu không đúng cách trước khi đưa đến cơ sở y tế. Do đó, cần tránh những cách xử trí không đúng sau đây:

- "Xốc nước": Động tác dốc ngược nạn nhân để xốc nước ra là không cần thiết và không nên thực hiện vì thông thường nước vào phổi rất ít và sẽ được tống xuất ra ngoài khi người bị nạn tự thở lại. Ngoài ra, việc xốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt và làm tăng nguy cơ hít sặc nước vào phổi.

- Thực hiện việc thổi ngạt và ấn tim không đúng cách như: dang 2 tay nạn nhân sang 2 bên rồi ép vào ngực để ấn tim mà không thổi ngạt, động tác sơ cứu này không nên thực hiện vì không hiệu quả. Ngoài ra, việc chậm trễ trong cấp cứu thổi ngạt - ấn tim làm cho não và các cơ quan bị thiếu oxy kéo dài, có thể gây chết tế bào não, dẫn đến tử vong hoặc di chứng não nặng nề.

- Hơ lửa hoặc "lăn lu" người bị nạn (để nạn nhân nằm vắt ngang qua lu rồi đốt lửa phía trong lu) vì nghĩ rằng sẽ giúp làm ấm người bị nạn, nhưng thực ra cách này sẽ làm nặng thêm tình trạng của nạn nhân vì họ có thể bị phỏng, và quan trọng nhất là làm chậm thời gian cấp cứu thổi ngạt.

Để phòng tránh đuối nước cho trẻ cần

- Tạo một môi trường sống an toàn cho trẻ.

- Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong xã hội, nhất là các bậc cha mẹ trong việc phòng tránh đuối nước cho trẻ em.

- Đối với trẻ nhỏ luôn cần sự chăm sóc và giám sát chặt chẽ của người lớn, làm tường rào, làm nắp đậy chắc chắn cho giếng nước, lu chứa nước trong gia đình.

Khi cho trẻ đi chơi gần những nơi có sông, suối, ao, hồ; tắm ở bể bơi, tắm biển, cha mẹ phải luôn để ý con trong tầm mắt. Ngoài việc thường xuyên giám sát con cái, cha mẹ cần dạy trẻ em biết bơi và giải quyết các tình huống nguy hiểm có thể gặp phải khi tiếp xúc với nước, giải thích cho trẻ hiểu sự nguy hiểm khi tự ý tập bơi hay tắm sông suối mà không có sự canh chừng của người lớn.

Trong nhà trường cũng cần dạy kỹ năng bơi cho trẻ như một chương trình bắt buộc trong môn học thể dục. Bên cạnh đó, mọi người trong cộng đồng cần tìm hiểu kiến thức, kỹ thuật sơ cứu đúng cách để áp dụng kịp thời khi xảy ra trường hợp đuối nước.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên