25/04/2023 08:09 GMT+7

Xuất khẩu dừa chững lại, nhà vườn bị vạ lây

Thời gian qua, nhiều hộ dân trồng dừa có liên kết bao tiêu tại tỉnh Bến Tre gặp nhiều khó khăn vì tiền bán dừa bị phía thu mua "giam" hàng tháng trời, nhà vườn không có vốn để tái đầu tư.

Việc chậm được thanh toán tiền bán dừa khiến nhà vườn tại Bến Tre gặp khó khăn khi tái đầu tư - Ảnh: M.TRƯỜNG

Việc chậm được thanh toán tiền bán dừa khiến nhà vườn tại Bến Tre gặp khó khăn khi tái đầu tư - Ảnh: M.TRƯỜNG

Ông Lê Văn Măng (xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú), một trong số 192 thành viên Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Thới Thạnh (huyện Thạnh Phú) và là chủ của 1,4ha dừa, cho biết số tiền bán dừa hằng tháng chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng, cũng là thu nhập chính của gia đình nhưng HTX và công ty luôn chậm thanh toán tiền mua dừa khiến gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn.

Hầu hết những hộ dân trồng dừa tại xã Thới Thạnh đều bán dừa cho Công ty TNHH chế biến dừa L.Q. thông qua HTX nông nghiệp Thới Thạnh và đều bị chậm trả tiền trong những tháng gần đây.

"Có thời điểm người dân phải chờ hai tháng mới được thanh toán tiền mua dừa. Việc thanh toán tiền được rút ngắn trong thời gian gần đây nhưng nhanh nhất cũng phải chờ đến hai tuần", ông Măng cho biết.

Tương tự, hàng trăm thành viên HTX nông nghiệp Quới Điền bán dừa cho công ty này cũng bị chậm thanh toán so với cam kết trên hợp đồng, chủ vườn phải chờ đợi hàng tháng trời, thậm chí 2 - 3 tháng mới nhận được tiền.

Ông Trần Quốc Ửng, chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Thới Thạnh, cho biết để giải quyết khó khăn trước mắt cho các xã viên, HTX phải sử dụng nguồn vốn dự phòng, tiền huy động từ các thành viên HĐQT để tạm ứng từ 500.000 - 2 triệu đồng cho người bán dừa trong thời gian chờ công ty trả tiền. Tuy nhiên, do nguồn vốn của HTX chỉ khoảng 500 triệu đồng nên việc tạm ứng cũng hạn chế.

Theo ông Lê Văn Tiến - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Thạnh Phú, địa phương có bảy HTX dừa có liên kết sản xuất với các công ty chế biến - xuất khẩu dừa, việc chậm chi trả tiền bán dừa khiến bà con gặp khó khăn, bức xúc.

Tuy nhiên, phía công ty thu mua cho biết cũng đang gặp khó do thị trường xuất khẩu bị chững lại, dừa Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh với sản phẩm của nhiều nước khác.

"Chúng tôi đã đề nghị công ty rút ngắn thời gian chi trả tiền cho HTX, đồng thời làm việc với ngân hàng để tạo thuận lợi cho các HTX vay vốn nhằm xoay xở những lúc khó khăn. Mục tiêu là để các xã viên không bị ảnh hưởng, từ đó sẽ không làm đứt gãy chuỗi liên kết sản xuất dừa", ông Tiến nói.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, đến cuối năm 2022 tổng diện tích dừa trên địa bàn hơn 78.000ha với tổng sản lượng ước khoảng 688 triệu trái/năm. Hơn 70% người dân Bến Tre chủ yếu có thu nhập từ cây dừa.

Đến nay, Bến Tre có 79 tổ hợp tác và 58 HTX sản xuất dừa, trong đó có 28 HTX và 32 tổ hợp tác tham gia liên kết chuỗi giá trị dừa với quy mô hơn 5.600ha với hơn 6.200 thành viên.

Trung Quốc mong dừa Bến Tre xuất sang theo đường chính ngạchTrung Quốc mong dừa Bến Tre xuất sang theo đường chính ngạch

Ngày 6-4, UBND tỉnh Bến Tre phối hợp với Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM tổ chức tọa đàm Kết nối giao thương, đẩy mạnh xuất khẩu nông, thủy sản giữa doanh nghiệp Bến Tre và doanh nghiệp Trung Quốc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên