16/09/2020 09:54 GMT+7

Xung quanh khu đô thị sáng tạo phía Đông: Nhu cầu nhà ở rất lớn

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM được thành lập sẽ thúc đẩy sự phát triển cơ sở hạ tầng, tăng trưởng nền kinh tế và tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản khu vực, do nhu cầu nhà ở sẽ tăng mạnh.

Xung quanh khu đô thị sáng tạo phía Đông: Nhu cầu nhà ở rất lớn - Ảnh 1.

Nhà công vụ ĐH Quốc gia TP.HCM dành cho cán bộ, nhân viên, giảng viên dưới 35 tuổi công tác tại đây thuê với giá ưu đãi - Ảnh: T.T.D.

Theo đề xuất, thành phố Thủ Đức trực thuộc TP.HCM sẽ được thành lập trên cơ sở sáp nhập quận 2, 9 và Thủ Đức, với diện tích 211,57 km², quy mô hơn 1,169 triệu dân. 

Các chuyên gia cho rằng khu đô thị sáng tạo Thủ Đức kỳ vọng sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo. Từ đó tác động mạnh mẽ đến thị trường bất động sản, bởi chắc chắn sẽ phát sinh nhu cầu cao về nhà ở, căn hộ, văn phòng...

Với việc hình thành thành phố Thủ Đức, nguồn nhân lực sẽ phát triển rất mạnh. Không chỉ đội ngũ nhân lực hiện nay ở các trường mà khu vực này còn có sức hút đội ngũ trí thức trẻ từ nhiều địa phương khác, thậm chí chuyên gia ở nước ngoài về sẽ vô cùng lớn.
TS Trần Đình Lý (phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM)

Vô cùng sôi động

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã có kết luận chỉ đạo về tình hình triển khai công tác xây dựng khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông. Ông giao Sở Xây dựng khẩn trương nghiên cứu tổ chức lập chương trình phát triển đô thị thành phố Thủ Đức song hành với chương trình phát triển đô thị thành phố đến năm 2025. 

Trong đó, yêu cầu thực hiện các nội dung phải đồng bộ với nhau, đồng thời lập đề án đánh giá đô thị để được công nhận thành phố Thủ Đức là đô thị loại I. Kinh phí thực hiện sẽ được sử dụng từ nguồn xã hội hóa. 

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng giao cho Sở Quy hoạch - kiến trúc chủ trì và phối hợp với Sở Tài nguyên - môi trường, Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan khẩn trương xây dựng quy định tạm thời về quản lý đất đai, quy hoạch và đầu tư xây dựng cho khu đô thị phía Đông.

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, quỹ đất khu vực vùng ven của khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM mà đặc biệt là ở Dĩ An (Bình Dương) thời gian gần đây trở nên vô cùng sôi động. Việc hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông thời gian tới sẽ kéo theo nhu cầu về nhà ở của hàng ngàn trí thức trẻ. 

Để thuận tiện cho việc học và công việc, người thuê nhà, mua nhà luôn tìm kiếm những địa chỉ gần trường, văn phòng để giảm thời gian di chuyển, từ đó có nhiều thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động. 

Thực tế, khu vực quận 9, Thủ Đức lâu nay vốn được nhiều người tìm kiếm để thuê hoặc mua căn hộ vì nằm sát khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM và gần khu vực Dĩ An (Bình Dương), nơi đang có 6 khu công nghiệp và 1 cụm công nghiệp.

Ngoài ra, khu vực này còn có hàng chục trường đại học, cao đẳng khu vực Đông Bắc TP.HCM, như Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Trường ĐH Thể dục thể thao TP.HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Phân hiệu Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM... với hàng chục ngàn giảng viên, sinh viên đang học tập và làm việc. 

TS Trần Đình Lý - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM - cho rằng nhu cầu về nhà ở quanh khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM vô cùng lớn. Thực tế hiện nay, phần lớn cán bộ, giảng viên, đặc biệt là người trẻ của các trường đều ở các khu vực xa, hằng ngày mất thời gian di chuyển đến chỗ làm rất vất vả.

35 tuổi trở xuống mới được thuê nhà công vụ

Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 3.000 người (cán bộ, giảng viên, sinh viên, chuyên gia, nhà nghiên cứu, người lao động...) làm việc, sinh hoạt tại khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM. Đó là chưa kể hơn 34.000 sinh viên đang nội trú tại các khu ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. 

Ông Tăng Hữu Thủy - giám đốc Trung tâm Quản lý ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM - cho hay: "Tính đến tháng 9-2019, Trung tâm Quản lý ký túc xá đã đưa toàn bộ 47 tòa nhà, 34.200 chỗ ở vào quản lý, khai thác, sử dụng, đáp ứng 100% sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM có nhu cầu ở nội trú và tiếp nhận thêm sinh viên của nhiều trường đại học, cao đẳng khác trong khu vực".

Theo ThS Phùng Quán - phó chủ tịch Công đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM, hiện nay hầu hết các trường thành viên đang chuyển dần việc giảng dạy xuống khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM. Cán bộ giảng viên, nhân viên các trường thành viên thường ngày phải tập trung đến cơ sở nội thành để đi xe đưa đón của trường xuống giảng dạy, làm việc ở cơ sở Thủ Đức. Tuy nhiên, cũng có khó khăn về việc đi lại, thời gian đi lại. 

Hằng năm, Công đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM có khảo sát nhu cầu về nhà ở của cán bộ, giảng viên trẻ trong ĐH Quốc gia TP.HCM đều cho thấy đây là vấn đề vô cùng bức thiết. 

"Hằng tháng, các công đoàn cơ sở đều nhận hồ sơ của các công đoàn viên có nhu cầu nhà ở để gửi về Công đoàn ĐH Quốc gia TP.HCM xét duyệt vào ở nhà công vụ. Hiện nay ĐH Quốc gia TP.HCM có 2 nhà công vụ: nhà công vụ 1 được xây dựng từ dự án của ĐH Quốc gia TP.HCM và nhà công vụ 2 được cải tạo từ ký túc xá khu A của ĐH Quốc gia TP.HCM. 

Tổng cộng 264 căn hộ với hơn 670 người đang ở. Nhà công vụ ĐH Quốc gia TP.HCM phục vụ cho các cán bộ trẻ từ 35 tuổi trở xuống, tạo điều kiện cho họ có nơi cư ngụ để yên tâm công tác", ông Quán chia sẻ.

PGS.TS Vũ Hải Quân - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết thêm quy hoạch bên trong khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM không có quỹ đất xây dựng nhà ở hay khu dân cư. 

"Do đó, một trong các chiến lược cơ bản quy hoạch phát triển khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM trong khu đô thị sáng tạo tương tác cao giai đoạn tới kết nối với khu vực bên ngoài bằng cách tận dụng tuyến tàu điện metro. 

Hình thành trục phát triển đa năng gắn kết với các trường đại học, các khu công nghiệp lớn trong khu vực và các ngành công nghiệp quy mô nhỏ lân cận. Thực hiện chương trình chiến lược xã hội hóa (tiện ích/cơ sở hạ tầng) để mở rộng khuôn viên phía tây và xung quanh Trường ĐH Nông lâm TP.HCM và khu dân cư mới của thành phố gần ký túc xá khu B", ông Quân cho hay.

Nhu cầu sở hữu căn hộ tăng cao

Lượng người mua tìm kiếm bất động sản khu vực này đang ở mức cao nhất trong khoảng 3 năm qua. Hiện nhu cầu sở hữu căn hộ đang khá cao tại những khu vực như khu đô thị ĐH Quốc gia TP.HCM, Khu công nghệ cao TP.HCM. Đây là những nơi quy tụ hàng chục ngàn giảng viên, chuyên gia trong và ngoài nước, sinh viên, người lao động...

- Theo đại diện một sàn giao dịch bất động sản chuyên phân phối căn hộ phía Đông TP.HCM -

Góp ý, hiến kế xây dựng thành phố Thủ Đức

Nhân TP.HCM đang xây dựng kế hoạch hợp nhất khu vực quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức, dự kiến với tên gọi thành phố Thủ Đức, báo Tuổi Trẻ mở diễn đàn Góp ý, hiến kế xây dựng thành phố Thủ Đức. Đặc biệt tập trung vào nội dung xây dựng khu đô thị sáng tạo, việc an cư lạc nghiệp của trí thức trẻ tại đô thị này.

Bạn đọc gửi bài về email: bichhuong@tuoitre.com.vn; hoặc gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: Báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ:

Góp ý, hiến kế xây dựng thành phố Thủ Đức. Hạn chót nhận bài: hết ngày 28-9-2020.

Thành phố Thủ Đức: phía Đông có gì lạ? Thành phố Thủ Đức: phía Đông có gì lạ?

TTO - Thủ tướng vừa đồng ý chủ trương thành lập thành phố phía Đông trực thuộc TP.HCM trên cơ sở sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức với tên gọi dự kiến thành phố Thủ Đức. Vậy thành phố mới này có gì lạ?

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên